Mơ ngủ "nói linh tinh" liệu có phải là bệnh?

bác sĩ Mèo, Theo Pháp luật xã hội 12:04 10/01/2014

Nói mơ hay mộng du không phải là hiện tượng hiếm gặp đâu.

Chào bác sĩ! Cháu là nữ, năm nay cháu 19 tuổi. Một năm trở lại đây trong lúc ngủ cháu rất hay nói mơ. Điều này do bạn cùng phòng của cháu kể lại vì cháu hoàn toàn không ý thức được việc đó. Theo lời kể của bạn cháu, có những lúc cháu nói mơ đến gần 10 phút, nói rất rõ ràng và cười đùa như nói chuyện hàng ngày với bạn bè. Cháu cảm thấy lo lắng vì việc này xảy ra khá thường xuyên, gây ảnh hưởng cho giấc ngủ của bạn cháu. Trước đây cháu cũng có vài lần bị mộng du. Xin hỏi bác sĩ là vấn đề của cháu có nghiêm trọng không ạ? Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu. Cháu xin chân thành cảm ơn. (linh…@gmail.com)

Trả lời:


Chào cháu,

Nói trong giấc ngủ - dân gian thường gọi là nói mớ - là một hiện tượng sinh lý hết sức bình thường, không phải là một loại bệnh và hoàn toàn không nguy hiểm, cháu yên tâm rồi nhé.

Hiện tượng này thường gặp nhất ở trẻ em. Ở người trưởng thành, nói mớ thường xảy ra khi cơ thể mệt mỏi hoặc căng thẳng thần kinh, ví dụ như khi bị sốt cao, stress, thiếu ngủ… Khi căng thẳng mệt mỏi, nhịp thở của chúng ta thường nhanh lên, các cơ luôn bị căng thẳng và không ngừng cử động, hoạt động của vỏ não tăng, giấc mơ xuất hiện, có người nói mớ thành tiếng, có người không. Những người nói mớ không hề ý thức được việc mình đang nói chuyện và khi tỉnh dậy cũng không nhớ gì về việc ấy.

Mơ ngủ "nói linh tinh" liệu có phải là bệnh? 1

Việc nói mớ ở mỗi người lại khác nhau. Có người nói rõ ràng, thành tiếng y như khi đang thức, có người lại nói những câu không đầy đủ, lộn xộn hoặc lầm bầm không thành tiếng. Có người nói một vài câu rồi thôi, có người khi được hỏi lại nói tiếp. Có người chỉ nói bình thường nhưng có người lại kết hợp cả các hành động trong khi ngủ… Nội dung nói mớ thường liên quan đến các sự kiện ban ngày hoặc những sự kiện đã qua gây ấn tượng mạnh đối với người nói mớ.

Nói mớ không phải là một dạng bệnh lý và không nguy hiểm, tuy nhiên nó gây tâm lý lo lắng cho chính người mắc chứng nói mớ và ảnh hưởng đến những người xung quanh. Để khắc phục tình trạng này, không còn cách nào khác là cháu phải có một thể trạng và tâm lý khỏe mạnh, bằng cách ăn uống đủ chất, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không rượu bia và các chất kích thích, năng thể dục thể thao, đảm bảo giấc ngủ, tránh suy nhược và căng thẳng.

Cháu cũng có nói mình có tiền sử mộng du. Mộng du là hiện tượng đi lại hoặc thực hiện các hoạt động khác một cách vô thức trong giấc ngủ. Mộng du có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường gặp nhất ở trẻ em. Cũng như nói mớ, mộng du cũng xuất phát từ việc thể trạng và tinh thần mệt mỏi như thiếu ngủ, stress… Có lẽ cháu có một thể trạng không thực sự khỏe mạnh hoặc hay gặp vấn đề gây căng thẳng tâm lý.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sau khi cháu điều chỉnh chế độ sinh hoạt và cháu nhận thấy nó có ảnh hưởng đến cuộc sống ban ngày như gây mệt mỏi, kém tập trung… thì cháu nên đến các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được tư vấn và điều trị.

Chúc cháu luôn khỏe mạnh, vui vẻ để không mắc phải các hiện tượng trên nữa nhé!

Mơ ngủ "nói linh tinh" liệu có phải là bệnh? 2