Mặt trái không ngờ khi chơi trò cảm giác mạnh

Sa Sa, Theo Mask Online 00:00 09/07/2012

Chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đấy các ấy ạ!

Hiện nay, các bạn trẻ thường có thú vui thử những trò chơi tạo cảm giác mạnh như tàu lượn siêu tốc, đu quay, dây văng,… Thế nhưng, ngoài những trải nghiệm mới lạ và sảng khoái mà những trò chơi này đem lại, chúng cũng gây ra không ít ảnh hưởng không tốt đấy!

Tác động sức khỏe từ trong ra ngoài

Khi tham gia vào những trò chơi cảm giác mạnh, cơ thể của bạn sẽ chịu một lượng áp lực lớn hơn bình thường. Một số trò chơi sẽ khiến cơ thể thay đổi vị trí dồn trọng lực đột ngột khiến cơ thể dễ mất thăng bằng và giảm khả năng điều chỉnh trọng lượng.

Bên cạnh đó, sự đổi hướng quá nhiều kích thích tim phải hoạt động nhanh để bơm máu lên não. Điều này gây nên hiện tượng máu tụ dưới màng cứng, ảnh hưởng không tốt đến hệ tim mạch của chúng mình. Đặc biệt với những bạn nào vốn có bệnh nội khoa như hen phế quản cấp, cao huyết áp cấp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não thì nguy cơ càng lớn.

Ngoài ra, tốc độ nhanh của những trò chơi này còn ảnh hưởng không tốt đến tai. Khi môi trường thay đổi áp suất đột ngột, tai sẽ ít nhiều chịu chấn động và thính lực dễ bị suy giảm xuống sau mỗi lần chơi. Một nghiên cứu ở bệnh viện Henry Ford, Mỹ cho thấy, đa số những người tham gia trò chơi cảm giác mạnh đều có xu hướng không nghe rõ người khác nói trong vài ngày sau đó.
 

Ảnh hưởng tâm lý không nhỏ

Không phải tự nhiên mà một số trò chơi giải trí lại cấm trẻ em tham gia đâu các ấy ạ! Trên thực tế, điều này còn cần phải được áp dụng với cả lứa tuổi vị thành niên và một số bạn có tâm lý không vững vàng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nỗi sợ hãi khi tham gia các trò cảm giác mạnh có thể ám ảnh tâm lý con người tương đương với việc bạn xem một bộ phim ma ghê rợn.

Theo đó, việc tham gia trò chơi có thể dẫn đến hoảng loạn từ 10 - 15 phút sau khi chơi với người có tâm lý tốt và kéo dài từ 1 - 2 ngày với người có tâm lý yếu. Thậm chí, một số trường hợp còn có thể ngất lịm đi ngay trong quá trình chơi vì hoảng sợ quá mức nữa cơ.

Ảnh hưởng này có thể dẫn đến nhiều căn bệnh tâm lý như chứng hoang tưởng cục bộ, trầm cảm cấp độ II, hoảng loạn không nguyên nhân và nếu nhẹ thì các ấy sẽ hay bị giật mình đấy!

Tự bảo vệ mình trước những trò chơi cảm giác mạnh

- Nên khởi động các cơ trước khi bắt đầu chơi, để tránh tình trạng cơ thể chưa xử lý kịp trong môi trường thay đổi áp suất đột ngột.

- Tuân thủ nghiêm ngặt những quy định được đề ra trong mỗi trò chơi.

- Chọn những khu vui chơi uy tín, có trang thiết bị chắc chắn và đội cứu hộ để đảm bảo an toàn cho bản thân.

- Uống đủ nước và nạp năng lượng bằng việc ăn những thức ăn nhẹ trước khi chơi.

- Chơi vừa sức, không ép hoặc gồng mình lên liên tục.

- Luôn biết rõ cơ thể mình. Nếu bạn bị bất kỳ căn bệnh nào về tim mạch hoặc có tâm lý không vững vàng thì hãy tránh xa những trò chơi này nhá!

Cá tính hay ghen tị cũng khiến sức khỏe chúng mình chịu nhiều rắc rối đó các ấy ạ!
(Click vào hình để xem chi tiết nhá!)