Mắt cá chân "hành hạ" vì bệnh lạ mà quen

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 11:16 28/11/2012

Nó có thể ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của bạn đó!

Mắt cá chân "hành hạ" vì bệnh lạ mà quen 1

Khoảng gần 2 tháng nay, em liên tục bị đau ở vùng gần mắt cá chân cả ngày cũng như đêm. Những cơn đau này tuy chỉ âm ỉ nhưng gây khá nhiều khó chịu và bất tiện vì cứ mỗi khi em vận động là nó lại đau tăng lên. Ngoài ra, vùng xung quanh gót chân còn bị sưng nhẹ, tấy đỏ, ấn vào rất đau nên em không thể thực hiện được động tác xoay khớp cổ chân nữa. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (namvu...@gmail.com)
Mắt cá chân "hành hạ" vì bệnh lạ mà quen 2
Chào em,
 
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng viêm gân.
 
Gân chính là đoạn tận cùng của cơ, vai trò nối cơ với xương và có khả năng chịu được sức căng. Gân cấu tạo chủ yếu từ các bó sợi collagen xếp song song với nhau, mỗi bó được bao bọc bởi một lớp vỏ mô. Tất cả các bó được bao trong bao gân để tạo thành gân thực sự.

Vỏ hoạt dịch chỉ có mặt ở một số gân nhất định như gân xương chày sau, gân cơ gấp ở cổ tay. Về mặt cấu trúc thì gân có 3 thành phần chính là các bó sợi collagen, elastatin; chất nền và tế bào.

Gân là nơi chịu đựng tình trạng quá tải và sự va chạm trong các hoạt động thể thao, động tác lặp đi lặp lại, dễ dẫn tới viêm gân, viêm bao gân, thậm chí rách gân, đứt gân. Gân thường bị tổn thương do các yếu tố:

- Hoạt động thể dục thể thao, nhất là các sai sót trong tập luyện cũng như bài tập quá dài, căng thẳng.

- Mang giày cao gót thường xuyên dễ dẫn đến viêm gân vùng cổ chân, đặc biệt là gân gót.

- Sử dụng một số thuốc như fluroquinolon, statin, chống đông đường uống, thuốc điều trị nội tiết...

- Một số bệnh nội khoa như viêm khớp, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, bệnh hệ thống...

Viêm gân là viêm hoặc kích ứng của một chằng - bất kỳ trong những dây sợi đính kèm cơ đến xương. Tình trạng này gây đau và đau ngay một phần bên ngoài. Trong khi viêm gân có thể xảy ra trong bất kỳ dây chằng của cơ thể, phổ biến nhất trên vai, khuỷu tay, cổ tay và gót chân.

Nếu viêm gân nghiêm trọng và dẫn đến sự rách gân, có thể cần phải phẫu thuật sửa chữa. Nhưng hầu hết các trường hợp viêm gân có thể được điều trị thành công với nghỉ ngơi cùng các thuốc giảm đau và viêm.

Quá trình hồi phục gân bị tổn thương thường lâu dài và khó khỏi hẳn hoàn toàn. Do vậy dự phòng viêm gân là biện pháp rất quan trọng, giúp tăng tuổi thọ và sức bền của gân cơ. Cụ thể:

- Cần có chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý và đúng cánh. Trước khi tập phải luôn nhớ thực hiện các động tác khởi động nhẹ nhàng làm ấm, mềm các cơ, gân để bước vào hoạt động có hiệu quả. Bài tập thể lực cần tăng dần về số lượng và độ khó. Sau khi tập xong cũng cần có thời gian xoa bóp, nghỉ ngơi làm giãn cơ.

- Hạn chế đi giày cao gót, không nên đi trong thời gian dài. Nếu có thể nên ngâm chân nước muối gừng ấm vào cuối ngày, đồng thời xoa bóp cơ cẳng chân để bảo dưỡng đôi chân.

- Tránh mang vác nặng, leo trèo cầu thang cũng như tránh ngã ở tư thế bất lợi.

Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa để khám trực tiếp. Từ đó nhận được chẩn đoán và chỉ định điều trị kịp thời, thích hợp cho tình trạng của mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Mắt cá chân "hành hạ" vì bệnh lạ mà quen 3