Lật tẩy chiêu thức xâm hại da của nắng hè

Viễn Thông (theo LiveScience), Theo 00:01 24/04/2010

Đã đến lúc bạn nên lật tẩy người bạn khó chịu mang tên nắng hè để tìm ra cách đối phó rồi. Kẻ phiền phức này không còn là nỗi ám ảnh nữa nếu bạn biết các chiêu thức xâm hại da của hắn.

1. Mặt trời đốt cháy da như thế nào?

Trong khi bạn phơi mình đưới ánh nắng thì các tia cực tím đi xuyên qua da của bạn và giết chết các tế bào đang làm nhiệm vụ tái tạo ra lớp da mới. Tia cực tím A, UVA là những tia có khả năng đi sâu vào da hơn hết. Nhưng cả UVA và UVB đều có thể đốt cháy da bạn. Vấn đề là bạn không thể phân biệt bằng mắt thường các tia này. Bạn cần trang bị găng tay, áo khoác, khẩu trang để tránh ánh nắng trực tiếp.



2. Tại sao da cháy nắng có màu đỏ?

Để sửa chữa các thiệt hại và loại bỏ các tế bào chết, mạch máu mở rộng và tăng lưu lượng máu đến phần da bị đốt cháy. Máu tăng thêm làm cho làm da của bạn đỏ và nóng lên. Nhưng không phải chỉ cần tăng lượng máu vào da là bạn được an toàn rồi nhé. Đó chỉ là biện pháp cấp cứu tạm thời của cơ thể bạn thôi. Tìm ngay nơi có bóng mát đi nào.


3. Tại sao da nóng lên và có thể ngứa khi cháy nắng?

Các tế bào da bị hư hại sẽ gửi thông tin đến bộ não để báo hiệu tình hình xấu của da. Bộ não lập tức kích thích các cảm giác đau nhức, nóng và ngứa để báo động cho bạn biết. Đừng thờ ơ với các báo động của cơ thể bạn nhé.

4. Lý do của rám nắng là gì?

Đáp lại các tia UV đang xâm hại đến lớp da của bạn, cơ thể sản xuất sản xuất ra melanin tăng sắc tố da. Các sắc tố này hấp thụ bức xạ và bảo vệ tế bào khỏi bị xâm hại. Hầu hết mọi người không thể bị rám nắng chỉ sau một buổi phơi mình trên bãi biển. Vì cơ thể cũng cần có thời gian để sản xuất melanin. Điều chúng ta quan tâm không kém là melanin làm da bạn đen đi. Chắc rằng bạn không muốn trở thành một cô nàng socola bất đắc dĩ chứ?


5. Kem chống nắng hoạt động như thế nào?

Kem chống nắng hiệu quả nhất phải bảo vệ được da bạn khỏi cả hai loại tia UVA và UVB. Chúng làm việc bằng cách hấp thụ các tia UV nhờ vào các chất hóa học hoặc làm chệch hướng các tia này khi tiếp xúc đến da của bạn. Quan sát lọ kem chống nắng bạn đang có để biết mình được trang bị “vũ khí” đầy đủ chưa nào!

6. Tại sao chúng ta dễ bị cháy nắng khi phơi mình trên biển?

Các tia nắng mặt trời có thể bị phản xạ trên cát và nước. Vì thế, bạn tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn. Một số yếu tố khác như: UV mạnh nhất vào mùa hè, lúc giữa trưa và ở nơi gần xích đạo. Ngay cả những ngày có mây và sương mù thì 80% tia nắng mặt trời vẫn có thể thoải mái đi xuyên qua và làm hại đến da bạn. Nhớ các yếu tố này để bạn biết lúc nào là thích hợp để vi vu ngoài đường đấy.


7. Cháy nắng một tí thì chẳng có vấn đề gì?

Hoàn toàn sai. Tiếp xúc với tia UV có thể gây đột biến tế bào và ung thư da. Dù bạn từng bị cháy nắng vào thời thơ ấu thì bạn vẫn có nguy cơ bị ung thư da lúc trưởng thành. Nguyên nhân là các khối u ác tính thường phát triển thầm lặng qua thời gian khá dài. Một số tác hại khác của cháy nắng như: nhăn da, biến đổi màu sắc. Tốt nhất là tránh da bị cháy nắng để khỏi lo lắng về sau.


8. Điều trị cháy nắng da bằng cách nào?

Cách tốt nhất là bạn nên đến thăm bác sĩ da liễu. Nhớ uống nhiều nước. Tắm mát và giữ ẩm cho da bằng lô hội hay các loại kem dưỡng. Nếu bạn thấy đau đầu, ớn lạnh hay sốt thì bắt buộc bạn phải đi khám ngay. Đến lúc này mà chần chừ nữa là nguy lắm đấy.