Khi làn da đột ngột trở nên loang lổ đáng sợ

PLXH, Theo 12:00 24/10/2011

Bệnh gì mà khủng khiếp vậy nhỉ?


Năm nay em 16 tuổi. Hồi nhỏ da em rất trắng, mịn và đẹp nhưng không hiểu tại sao trong khoảng 1 năm trở lại đây, mặt em bỗng nổi lên nhiều đốm loang lổ cùng vài vùng nám đen như nốt ruồi. Tình trạng này làm em vô cùng buồn và mất tự tin. Em đã đi khám ở rất nhiều nơi và được chẩn đoán là bị rối loạn sắc tố da. Vì vậy em rất lo lắng, chẳng lẽ em phải chịu làn da xấu xí như thế này suốt đời sao? Mong bác sĩ hãy tư vấn cho em phương pháp để lấy lại làn da như trước đây với ạ! Em xin cảm ơn! (pelin…@gmail.com)

Chào em,

Chứng rối loạn sắc tố da thường được biểu hiện dưới hai hình thức:

- Đầu tiên là việc tăng sắc tố da hơn bình thường. Biểu hiện của nó là sự xuất hiện những đốm nâu với mức độ từ nhạt tới đậm, nhỏ tới to, rời rạc hoặc liên tục. Nếu xuất hiện trên mặt thì người ta gọi là nám còn ở những nơi khác trên cơ thể thì gọi chung là sạm da.

- Tiếp theo là việc giảm sắc tố da hơn bình thường (bệnh bạch biến) được thể hiện bằng những đám nhạt màu hoặc mất màu so với làn da bình thường.

Nguyên nhân phát sinh bệnh thường là:

- Đối với tăng sắc tố da (ở mặt, tay): do tác động của ánh sáng mặt trời, do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể hoặc có thể do rối loạn chuyển hóa. Chẳng hạn những bệnh nhân bị bệnh Addison vì rối loạn chuyển hóa một số ion trong cơ thể, gây tổn thương tuyến thượng thận làm sạm da ở nách, bẹn. Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân của căn bệnh này.

- Đối với giảm sắc tố da: với bệnh bạch biến thì chưa được biết chính xác nguyên nhân. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp giảm sắc tố trên da là do các bệnh khác như lang ben hay bị sẹo phỏng hoặc do bôi một số hóa chất như corticoid, thủy ngân (có trong các loại mỹ phẩm làm trắng da và một số thuốc trị bệnh).

Việc điều trị rối loạn sắc tố da rất khó khăn. Tuy nhiên, em cũng không nên quá hoang mang và lo lắng vì nếu được điều trị bài bản thì bệnh hoàn toàn có thể khỏi được. Phương hướng điều trị cụ thể như sau:

- Đối với tăng sắc tố da thì phải tìm hiểu nguyên nhân chính xác. Đây là việc không dễ dàng, cần phải có thời gian. Chẳng hạn như với nám thì việc bảo vệ da khỏi ánh nắng được đặt lên hàng đầu sau đó mới sử dụng những biện pháp hóa học hoặc vật lý để làm nhạt vết nám. Việc chọn lựa biện pháp nào còn tùy thuộc vào đặc điểm của vết nám và một số yếu tố khác do bác sĩ chuyên khoa quyết định.

- Đối với giảm sắc tố da thì có thể sử dụng những chất làm tăng độ nhạy cảm quang học của da như uống paraminan, psoralene hoặc thoa meladinine. Tuy nhiên, các thuốc này phải được dùng trong một thời gian dài theo sự chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ và cũng có không ít tác dụng phụ như: làm tổn hại đến mắt, gan...

Bên cạnh đó, em hãy hết sức chú ý những điều sau:

- Tuyệt đối tránh xa những loại mỹ phẩm có tác dụng tẩy trắng nhanh vì trong đó có thể có một số chất độc mà khi dùng lâu sẽ gây teo da, nổi mụn, kích ứng…

- Không nên tự điều trị, phải nhẫn nại hợp tác với các bác sĩ chuyên khoa vì bệnh thường có tiến triển chậm (ít nhất là phải sau vài tháng điều trị).

- Việc tránh nắng chiếm vai trò quan trọng hàng đầu để hạn chế tăng các vết nám, sạm ở da.

- Cuối cùng là tránh căng thẳng, mất ngủ vì nó sẽ làm cho tình trạng nám trên mặt trở nên nghiêm trọng hơn.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!