Kéo chân, chiều cao của teen có dễ dàng được cải thiện?

T.Ann (Tổng hợp), Theo 10:00 04/04/2010

Thấp hơn so với các bạn cùng trang lứa khiến cho nhiều teen “trăn trở” tìm cách tăng chiều cao. Thay vì chăm chỉ luyện tập thể dục, ăn uống có phương pháp,... nhiều bạn lại rỉ tai nhau về chuyện kéo chân.<img src='/Images/EmoticonOng/24.png'>

1. Em thấy các bạn nói nhiều về chuyện kéo chân nên em thấy rất tò mò. Phương pháp kéo chân thực chất là như thế nào? Có phải mình muốn kéo cao lên bao nhiều cm cũng được không ạ? – Phan Linh (zonzon…@yahoo.com).

Trả lời:



Linh thân mến,

Phẫu thuật kéo dài chân là phẫu thuật kéo dài cẳng chân hoặc đùi. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt xương và gắn vào xương một bộ dụng cụ có thể làm tăng dài xương. Khi xương được kéo giãn ra với tốc độ chậm phù hợp thì xương mới sẽ được tái tạo lấp đầy vào khoảng trống đó. Các tế bào gân cơ, mạch máu và thần kinh cũng sẽ phát triển dần theo để tương xứng với sự phát triển của xương. Phương pháp này thường hay được dùng cho những bệnh nhân có có khuyết tật, sốt bại liệt hoặc di chứng chấn thương ở chân.

Phẫu thuật kéo dài chân có thể giúp cho bạn cao thêm khoảng từ 5-15cm. Tuy nhiên, theo các bác sĩ thì chiều dài đó cũng tỉ lệ thuận với biến chứng. Tốt nhất chỉ nên kéo dài chân thêm 5cm vì với chiều dài đó thì tỉ lệ biến chứng sẽ thấp hơn. Do đó cần phải cân nhắc kỹ trước khi muốn kéo dài bao nhiêu, vì thời gian kéo dài 5cm khác hoàn toàn thời gian kéo dài 10cm.

2. Kéo chân có đau không ạ? Mất khoảng mấy tháng thì sẽ đi lại được bình thường.? – Bé mèo (pinkcat…@yahoo.com).

Trả lời:



Bạn thân mến,

Khi thực hiện phẫu thuật kéo dài chân thì xương của bạn sẽ được bác sĩ cắt ra và gắn vào bộ dụng cụ để bạn điều chỉnh kéo dài xương. Việc này phải thực hiện tuần tự theo đúng như hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình kéo dài chân chắc chắn bạn sẽ gặp không ít khó khăn và đau đớn: đau nhức vết thương sau mổ, đau nhức một vài chân đinh khi căng giãn xương, đau nhức khi đi nhiều trong quá trình xương chưa lấp đầy, tê bàn chân khi căng quá nhanh.

Do phải ngồi yên một chỗ nên những hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bạn chắc chắn sẽ cần đến sự giúp đỡ của người thân.

Nếu bạn kéo dài chân thêm 5cm thì sẽ cần khoảng thời gian ít nhất là 10 tháng. Thông thường sẽ lâu hơn vì tuy xương đã lành nhưng bạn vẫn phải tập vận động phục hồi chức năng thêm một thời gian nữa. Do sau khi xương đã được kéo dài thì các phần mềm (gân, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) vẫn chưa đáp ứng kịp thời với mọi tình huống. Vì vậy cần phải tập luyện một thời gian tuỳ theo cơ địa của mỗi người. Nếu cắt ngang bất cứ một công đoạn nào cũng có thể gây biến chứng, tạo ra hiện tượng cong chân.

Sau khi đã lành hẳn, cầu xương tốt thì có thể lấy thiết bị kéo chân ra. Công đoạn này cần được thực hiện cẩn thận vì các vùng xương được kéo dãn dễ bị biến chứng như gãy hoặc lệnh.

3. Kéo chân xong thì liệu chân mình có như bình thường không? Liệu kéo dài chân có gây ra biến chứng gì không? - M.Mai ( Mai18…@gmail.com)

Trả lời:



Chào Mai,

Trong quá trình tập vận động phục hồi chức năng nếu chăm chỉ luyện tập đúng như phương pháp của bác sĩ thì chân mới sẽ có thể vận động bình thường như chân cũ. Sau khi thực hiện phẫu thuật thì chân bạn sẽ để lại sẹo.

Một biến chứng rất nguy hiểm với việc phẫu thuật kéo dài chân là khi tự ý tăng nhanh tốc độ căng giãn xương khiến thần kinh và mạch máu không theo kịp hoặc căng giãn quá mức cơ thể chịu đựng được. Hậu quả là gây liệt bàn chân, co rút gân cơ, trật khớp.

Ngoài ra còn có thể gặp một số trường hợp như sau:

- Nhiễm trùng chân đinh nếu không biết cách giữ vệ sinh.
- Loét da quanh chân đinh nếu dùng thuốc sát trùng không đúng.
- Xương bị di lệch nếu để khung lỏng, không siết ốc kịp thời.
- Lún xương, cong trục và gãy.
- Cứng gối và co rút gót.
- Sẹo hình thành xung quanh các lỗ chân đinh.

4. Nếu mình muốn thực hiện kéo chân để tăng chiều cao thì phải đến đâu? Năm nay mình 16t thì đã phẫu thuật được chưa?Mình bị hen thì có thể thực hiện phẫu thuật này được không? – L.Hà (naruto…@yahoo.com)

Trả lời:



Hà thân mến,

Phẫu thuật kéo dài chân được áp dụng vào khoảng cuối thời kì phát triển của cơ thể để bác sĩ có thể xác định được tốc độ và sự phát triển của xương. Phẫu thuật có thể áp dụng khi cơ thể phát triển chậm từ 16-20t. Ngoài ra trong một số trường hợp cũng có thể áp dụng với độ tuổi từ 22t-30t.

Các bác sĩ không khuyến khích việc kéo dài chân nếu bạn có cơ thể bình thường. Cả những người có chiều cao quá hạn chế, dị tật, trước khi thực hiện cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng vì trong quá trình điều trị sẽ có những khó khăn và diễn biến phức tạp. Ngoài ra, những bạn có tiền sử bệnh mạn tính, hen, bệnh tim, tiểu đường, bệnh xương khớp... không nên kéo dài chân.

Tại thành phố Hồ Chí Minh có các bệnh viện chấn thương chỉnh hình, bệnh viên Nhân dân Gia Định, bệnh  viện Chợ Rẫy, tại Hà Nội bệnh viện 108 có thực hiện phẫu thuật này.