Gỡ bỏ mối lo vì chứng bệnh "không thở nổi"

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 12:00 06/07/2012

Sẽ rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời đấy bạn ạ!



Đã nhiều năm nay, em bị triệu chứng khó thở đeo bám, đặc biệt là những lúc cơ thể mệt mỏi toàn phải hít thật sâu hoặc ngáp rất nhiều thì may ra mới thở nổi. Thêm vào đó, cứ khi thời tiết thay đổi là em bị lại đau đầu, đồng thời lên cơn ho dữ dội có kèm đờm trắng. Em đã sử dụng rất nhiều loại thuốc xịt trị ngạt mũi, dị ứng nhưng tình hình vẫn không có gì biến chuyển. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em có mắc phải bệnh gì nguy hiểm không và cách chữa trị như thế nào ạ? Em xin cảm ơn! (ferraga...@gmail.com)


Chào em,
 
Theo những gì mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng em đã bị chứng viêm phế quản co thắt. Phế quản là đường ống dẫn khí đi từ khí quản vào đến tận phổi (lúc đầu là phế quản gốc bên trái và phải sau đó đến các phế quản nhỏ hơn rồi đến các tiểu phế quản tiếp giáp với các phế nang). Do vậy, bị viêm phế quản nghĩa là toàn bộ đường dẫn khí vào phổi bị viêm nhiễm và chít hẹp do phù nề, co thắt.

Chính vì bị chít hẹp lòng phế quản do viêm nhiễm và co thắt nên người bệnh có dấu hiệu khó thở, phải thở khò khè, thậm chí thở rít lên. Do vậy khi phế quản bị co thắt mạnh có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, việc điều trị còn phải tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh. Hầu hết viêm phế quản là do virut, nếu là căn nguyên virut thì không phải điều trị thuốc kháng sinh. Ngoài vi rút, có rất nhiều mầm bệnh có thể gây nên viêm phế quản như phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn...

Một khi đã có biểu hiện nhiễm khuẩn thì cần điều trị bằng kháng sinh càng sớm càng tốt. Lý tưởng nhất là sử dụng kháng sinh đồ. Tuy nhiên, nếu chưa có kết quả của kháng sinh đồ thì bệnh nhân có thể dùng các loại kháng sinh phổ rộng. Ví dụ như kháng sinh có hoạt chất Cefuroxim (thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ thứ 2), có thể đáp ứng tốt trong chữa trị viêm phế quản.

Quan trọng nhất khi điều trị kháng sinh là cần sử dụng đúng liều lượng đã được kê đơn và dùng đủ thời gian. Ngoài thuốc kháng sinh, bệnh nhân cũng phải uống thêm các thuốc giãn phế quản (như ventolin hay salbutamol) và các thuốc làm loãng đờm (như acetylcystein) để tăng cường tác dụng điều trị của kháng sinh.

Trong thời gian điều trị kháng sinh kéo dài, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Vì vậy em nên sử dụng bổ sung cốm vi sinh để chống loạn khuẩn đường ruột và giúp hệ tiêu hóa luôn ổn định.

Cuối cùng, bác sĩ Mèo vẫn khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa về hô hấp để khám trực tiếp, từ đó nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!