Đọc vị triệu chứng đau bụng của teens

Thy Vịt - Theo PLXH, Theo 00:00 21/06/2011

Phải biết về chúng thì mới có đối sách được các bạn ạ!<img src='/Images/EmoticonOng/14.png'>

Bên trong bụng chúng mình có rất nhiều cơ quan nội tạng nên để nhận diện chính xác nguyên nhân của những cơn đau bụng là điều không hề dễ dàng đâu nhé! Tuy nhiên nếu teens được trang bị những kiến thức cơ bản về đối phương thì chúng mình sẽ có được hướng xử lý chính xác nhất trong mọi tình huống đấy!

Xác định vị trí và danh tính của đối phương

Triệu chứng đau bụng có thể xuất phát từ một trong những cơ quan nội tạng nằm trong vùng giữa ngực và hông. Việc nắm được vị trí các cơ quan này sẽ giúp teens đoán biết được mình đang bị đau do tổn thương ở đâu í!

Khi bị đau ở nửa bụng trên rốn thì teens có thể nghĩ tới một số bệnh của các cơ quan trong hệ tiêu hóa như:

- Một số bệnh gan mật như: viêm gan, sỏi mật, viêm túi mật cấp và mãn tính, giun chui ống mật…

- Một số bệnh dạ dày như: viêm dạ dày cấp và mãn, viêm loét hành tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản…

- Một số bệnh đại tràng ngang như viêm đại tràng cấp và mãn, hội chứng ruột kích thích, đại tràng co thắt…

- Và một số bệnh khác như viêm tụy cấp, lách to, tắc mạch lách.

Khi bị đau ở nửa bụng dưới rốn thì đó là triệu chứng của những bệnh:

- Nguy hiểm nhất là đau do viêm ruột thừa với vị trí chính xác của cơn đau là ở bên phải vùng bụng dưới.

- Một số bệnh của hệ tiết niệu như sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, viêm đường tiết niệu.

- Ngoài ra đó còn có thể là các bệnh về hệ sinh dục của XX như viêm buồng trứng, u nang buồng trứng, viêm phần phụ...

Khi bị đau toàn ổ bụng và không có vị trí xác định:
 
- Đó là dấu hiệu của bệnh toàn thân hoặc tại chỗ như lao màng bụng, viêm phúc mạc, lồng ruột, viêm ruột cấp tính…

Chiến lược đối phó với những cơn đau

Một khi đã xác định được những cơn đau của mình xuất phát từ đâu thì teens hãy tỉnh táo đưa ra quyết sách để xử lý chúng một cách triệt để nhé!

Teens có thể tự chăm sóc tại nhà để theo dõi thêm diễn biến cơn đau trong trường hợp:

Đó chỉ là những cơn đau nhẹ, không lan ra những vùng xung quanh và không có các triệu chứng cực đoan kèm theo như sốt cao, nôn hay đi ngoài…

Chúng mình có thể thi hành những biện pháp sau để cơn đau nhanh chóng dịu bớt:

- Uống nước lọc ấm.

- Tránh ăn các thức ăn đặc, nhiều chất béo như đồ chiên xào, các loại thực phẩm có chất kích thích như cà phê và nước ngọt có gas trong một đến hai ngày sau đó.

- Đặc biệt là tuyệt đối không được tùy tiện dùng các loại thuốc giảm đau đâu teens nhé!

Còn chúng mình phải đi khám bệnh càng sớm càng tốt nếu:

- Đầy hơi kéo dài hơn 2 ngày.

- Đau và khó chịu ở bụng lâu hơn 5 ngày.

- Đau kèm theo sốt trên 38 độ C.

- Tiểu lắt nhắt và cảm giác nóng buốt khi đi vệ sinh.

- Đau vùng bả vai kèm theo buồn nôn.

Và teens phải đi cấp cứu ngay nếu thấy các dấu hiệu này nhá!

- Cơn đau trở nên dữ dội và lan sang các vùng cơ thể khác như ngực, cổ và vai.

- Nôn ra máu, không đi ngoài được hoặc đi ngoài ra máu.

- Bụng trở nên rất cứng, khi ấn vào thì thấy đau nhói.