Đề phòng bệnh tật ẩn chứa trong các loại lẩu

Lệ Ngân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 06/12/2015

Một số loại lẩu luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm lắm đấy các bạn ạ!

Lẩu ếch

Do ếch sống ở ngoài đồng ruộng nên tỷ lệ ếch nhái có ấu trùng sán cao đến 75%. Ấu trùng màu trắng, lẫn màu thịt nên khó phát hiện. Sau khi vào ruột người, chúng nhanh chóng di chuyển đến các bộ phận khu trú thành những nang bệnh nguy hiểm.

Trong thịt ếch còn có ấu trùng giun đầu gai (Gnathostoma spinigerum). Khi vào đến dạ dày, ấu trùng này sẽ chui qua vách dạ dày và di chuyển khắp cơ thể, chui vào mắt, gan, phổi, ổ bụng...

Một số người quan niệm thịt ếch mỏng, dễ chín nên chỉ nhúng vào nước lẩu sôi rồi ăn luôn, mà không biết rằng ấu trùng sán khi vào cơ thể có thể gây ra vô vàn tác hại. Nếu vào mắt, nó sẽ gây sưng, xuất huyết trong mắt, mù mắt. Nếu chui vào gan, phổi, chúng sẽ gây đau ở vùng gan, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, đau bụng, viêm tụy cấp...

Thêm vào đó, hiện nay ếch còn bị ảnh hưởng của thuốc trừ sâu ở ruộng đồng. Người ta dùng mồi tẩm chất gây mùi mạnh, trong đó có mã tiền (một đông dược độc) để dễ đánh bắt ếch rất nguy hại cho người sử dụng.

Lẩu thịt chó

Người ta thống kê các loại sán, giun, ấu trùng có thể nhiễm từ thịt chó qua người rất đa dạng: Toxocara Canis, ấu trùng sán Echinococcus Granulosus, ấu trùng sán Spirometramansoni hay Spirometra Erinacei, sán Dipylldium Canium… Các bào nang ấu trùng giun chó thường làm cho người có hiện tượng dị ứng, lên cơn hen suyễn, khó thở, nổi mề đay, mẩn ngứa khắp người, nấm tóc, nấm phổi.

Các đầu sán trong thịt chó có thể di chuyển lên não, thận, gan. Chúng gây đau lưng, tiểu máu, thậm chí có thể gây tổn thương tủy sống. Ngay cả với các loại chó nhà nuôi cũng có nguy cơ bị nhiễm độc. Nguyên nhân là chỉ cần một lượng vắc-xin nhỏ còn tồn dư trong thịt chó cũng đủ ảnh hưởng đến hệ thần kinh của người sử dụng.

Lẩu nấm

Hiện nay, đa phần nấm được bán từ các chợ không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí không có cả hạn sử dụng. Trong khi đó, nấm là loại thực phẩm rất dễ bị hỏng, lên men cũng như nhiễm khuẩn trong quá trình sử dụng. 

Hầu hết các loại nấm đều chỉ có thời hạn bảo quản ngắn ngày. Dài nhất là nấm kim châm (45 ngày), rồi đến các loại nấm như nấm linh chi (13 ngày), nấm sò, nấm ngô, nấm tuyết, mục nhĩ, nấm hương… đều chỉ có thời hạn bảo quản là 7 ngày. Điều này khiến cho việc lựa chọn nấm an toàn, đảm bảo vệ sinh trở nên rất khó khăn.

Khi ăn lẩu, nấm chưa được chín hoàn toàn có thể gây ngộ độc. Nấm chưa chín cũng góp phần đưa các loại vi khuẩn gây bệnh và các loại độc tố vi khuẩn vào trong người. Chúng nhanh chóng gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và thậm chí có khả năng gây ung thư. Một số người bị dị ứng với nấm, ăn lẩu nấm có thể bị khó thở, buồn nôn. Ngoài ra, người bị viêm dạ dày mãn tính cũng không nên ăn nấm.