Dấu hiệu cảnh báo chứng tâm thần tuổi teen tấn công

Lê Giang - Theo PLXH, Theo 00:01 11/10/2011

Nghe đáng sợ quá phải không các ấy???

Tuổi dậy thì là giai đoạn bắt đầu có những thay đổi về hình thể và tâm lý. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp các bạn không hiểu được chính bản thân mình, thậm chí không chấp nhận chính cả bản thân mình và từ đó dễ có những suy nghĩ và hành vi lệch lạc...

Làm sao để biết tớ đã bắt đầu “nhiễm bệnh” 

Rối loạn hành vi nổi loạn

Chủ yếu gặp ở teen boy, những ấy này thường gặp khó khăn khi phải chịu đựng sự sắp xếp, ý kiến, đòi hỏi của người khác. Để tỏ rõ cá tính của mình, các ấy thường có xu hướng nổi loạn, làm ngược lại với yêu cầu được đưa ra, gây lo buồn cho mọi người. Hầu hết các teen này khi càng bị đánh, bị phạt thì càng bất mãn và tỏ thái độ chai lì nhiều hơn.

Rối loạn ứng xử

Bao gồm các hành vi chọc ghẹo người khác một cách vô ý thức, đôi khi các ấy này còn cảm thấy vui vẻ, thú vị khi khiến đối phương phải khóc. Ngoài ra, rối loạn ứng xử còn thể hiện qua việc dễ nổi cáu, gây gổ, đánh nhau, thô bạo với người hoặc động vật. Nặng hơn, một số teen còn ăn cắp, trấn lột, phá phách, bỏ nhà đi bụi…

Rối loạn cảm xúc

Các teen biểu hiện vui buồn thất thường, cáu gắt, hưng phấn thái quá hoặc rơi vào trạng thái buồn thái quá (trầm cảm)… Đối với những ấy bắt đầu nhiễm bệnh thường có cảm xúc không ổn định, khóc cười vô duyên vô cớ, nói lẩm bẩm và hay cười một mình. Bên cạnh đó, khi rơi vào trạng thái buồn thái quá, các bạn thường có những hành động tự làm đau bản thân, có ý định và hành vi tự sát mà không phải do bế tắc trong cuộc sống (hoặc do hiện tưởng giả bế tắc)

Rối loạn suy nghĩ

Là những biểu hiện của teen có suy nghĩ lệch lạc từ nhẹ đến nặng. Ví dụ như có ấy bị ám ảnh có người yêu mình hay luôn xuất hiện trong đầu những ý nghĩ kì lạ, bất thường, có tiếng nói bình luận, ra lệnh cho mình làm việc này việc khác. Nhiều ấy lại hay cho rằng có người luôn muốn hãm hại và điều khiển mình…

Từ những rối loạn hành vi này, các ấy sẽ dễ chuyển sang rối loạn tâm thần với những triệu chứng hoang tưởng, sống cách biệt với người khác… Dần dần, teen sẽ có những hành vi và lời nói không phù hợp với thực tế (hay còn gọi là chứng hoang tưởng cấp độ 1)

Nguyên nhân là do đâu nhỉ?

Thay đổi về hình thể bên ngoài

Khi bước vào tuổi dậy thì vẻ bề ngoài của các teen có sự thay đổi rất lớn: cơ thể phát triển nhiều so với trước kia. Do đó, nếu cùng lứa tuổi với nhau, bạn nào có trước tiên những biểu hiện này sẽ dễ bị bạn bè “hiểu lầm” và bị phân biệt đối xử, ngược lại, bạn nào có muộn hơn lại rơi vào trạng thái tự ti, dần dần tạo ra thay đổi về tâm lý.

Ngoài ra, sự thay đổi tâm lý từ lứa tuổi “chẳng biết gì” sang độ tuổi “biết chút ít” khiến nhiều ấy trở nên nhạy cảm, hay bị ám ảnh bởi những lời lẽ nhận xét từ bên ngoài nên dễ tự ti hoặc tự tin thái quá về bản thân mình. Có ấy sẽ trở nên sống khép mình hơn, e dè, ngại tiếp xúc. Đây chính là nguyên nhân khiến teen mắc bệnh trầm cảm lúc nào không hay.

Áp lực học hành

Áp lực đến từ chương trình học, sự kỳ vọng của cha mẹ, tâm lý bằng cấp lại không có người để chia sẻ, không được định hướng mình cần làm gì, nên làm gì… sẽ tạo ra những phản ứng ngược lên lứa tuổi chúng mình. Một số teen gặp phải chứng rối loạn giấc ngủ do căng thẳng, mệt mỏi, mất tập trung, hay quên... Những bạn bị áp lực học tập tấn công thường có biểu hiện toát mồ hôi, tim đập nhanh, thở gấp, bụng cồn cào, tay run, hay lo âu, hồi hộp, khó ngủ...

Áp lực từ việc học hành còn gây ra những ảnh hưởng về tình cảm. Nhiều ấy bị tổn thương do không tìm được nguồn chia sẻ, cảm thấy cô độc, luôn trong trạng thái mệt mỏi. Sự tổn thương này sẽ gây ra những ảnh hưởng về chức năng nhận thức, khiến các teen bị rối loạn, tư duy chậm, khó nhớ, sa sút về trí tuệ rồi trở thành những bệnh nhân tâm thần.

Vậy chúng tớ phải làm sao???

Trước tiên, các ấy phải nhớ rằng, muốn có sức khỏe tinh thần tốt thì phải có một thể chất vững chắc trước đã. Vậy nên, dù chán ăn, mệt đến mấy thì teen cũng phải gắng sức măm măm các loại hoa quả để tạo ra màng bảo vệ tâm lý từ bên trong. Bật mí cho teen nhé, khi mệt mỏi, các ấy hãy uống một cốc nước cam mát, có vị ngọt dịu, nó sẽ giúp stress bị đẩy lui tạm thời đấy!

Chưa hết, để đề phòng rối loạn tâm trí, các ấy cần kết hợp giữa học tập chính khóa với các hoạt động khác giúp tăng thể chất như đi tham quan, tập thể dục, thể thao, tham gia các câu lạc bộ trong trường. Teen cũng nên chú ý lập kế hoạch học tập khoa học, thư giãn hợp lý. Khi cảm thấy có dấu hiệu bất thường thì các ấy nên giảm thời gian học, nghỉ ngơi và chuyển sang nghe một bản nhạc hay chơi trò chơi nhẹ nhàng trước nhé!

Đặc biệt, chia sẻ chính là liều thuốc tuyệt vời nhất cho teen trong giai đoạn này đó nghen! Nếu các ấy chưa sẵn sàng nói chuyện với bố mẹ về những suy nghĩ của mình, teen có thể chọn những phương pháp khác như viết thư, tin nhắn, gửi thiếp… Các ấy cũng có thể tìm đến một người bạn lớn tuổi (anh, chị, cô, dì…) mà ấy cảm thấy tin tưởng, có thể hiểu được suy nghĩ của mình để làm cầu nối. Ngoài ra, việc mở lòng tâm sự những khó khăn, thắc mắc với một nhóm bạn thân cũng là một ý kiến không hề tệ đâu phải không nào? Teen hãy nhớ nhé! Những thay đổi cảm xúc tưởng chừng như vô hại của chúng mình cũng có thể dẫn đến hậu quả đáng sợ về sau nếu các ấy không tỉnh táo để tìm cách giải quyết hợp lý đó!