Chảy mủ vàng ở tai – Căn bệnh đáng gờm cho teen

PLXH, Theo 00:00 16/11/2011

Làm thế nào để đối phó với nó bây giờ???

Thời gian gần đây cứ mỗi khi tắm xong em lại lấy bông ngoáy tai luôn vì cảm thấy có nước lọt vào bên trong. Ngoáy xong thì em phát hiện ra tai em có mùi hôi rất khó chịu. Không những thế, thỉnh thoảng từ trong tai em còn chảy ra một ít nước màu vàng nhạt và đặc như lòng trứng gà nữa. Tuy vậy, em không cảm thấy đau hay ngứa gì hết. Mong bác sĩ giải đáp cho em liệu em đang mắc phải chứng bệnh gì và cách chữa trị như thế nào với ạ? Em xin cảm ơn! (gocha…@yahoo.com.vn)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị viêm tai giữa.

Viêm tai giữa là chứng viêm giữa tai, bộ phận nằm đằng sau vành tai và là một loại bệnh rất thường gặp. Bệnh này nếu không được chữa trị kịp thời và triệt để có thể gây ra một số di chứng bất lợi cho sức khỏe của em về sau.

Bệnh viêm tai giữa có thể là mãn tính hoặc cấp tính. Khi bị viêm tai mãn tính, tai giữa sẽ bị đầy các chất nhầy. Đây có thể là chất dịch lỏng hoặc nước nhầy (thường xuất hiện ở trẻ em), các chất nhầy dính, đặc và gây nhiễm trùng. Trường hợp này được hiểu như là lỗ tai bị đặc lại và hay chảy nước tai.

Còn với viêm tai giữa cấp tính, bệnh thường phát triển rất nhanh. Những biến chứng của bệnh bao gồm rỉ tai và nặng hơn nữa là nhiễm trùng lan rộng ở trong tai và đầu như chứng viêm màng não.

Nguyên nhân gây bệnh có thể là do virus hoặc vi khuẩn. Nó thường là hiện tượng theo sau các bệnh về đường hô hấp như khi bị cảm lạnh. Viêm tai mãn tính có thể xuất phát từ những vấn đề về sự dẫn lưu ở tai giữa, thường là do ống tai quá nhỏ nên việc dẫn lưu từ tai vào cổ họng không thực hiện được một cách hoàn hảo.

Việc chẩn đoán nên để cho các bác sĩ chuyên khoa trực tiếp làm, họ sẽ theo dõi sự thay đổi của màng tai - nơi có thể bị sưng tấy, đỏ khi bị bệnh viêm tai giữa, co lại và mờ đục khi rỉ nước tai quá nhiều. Vì vậy, điều cần thiết bây giờ là em hãy nhanh chóng đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để được khám và tư vấn cách điều trị kịp thời.

Ngoài ra em cũng nên lưu ý những điều sau:

- Luôn giữ gìn vệ sinh Tai - Mũi - Họng cẩn thận. Cụ thể là khi tắm tránh để nước và xà phòng dính vào tai đồng thời chăm chỉ nhỏ mũi và súc miệng bằng nước muối sinh lý ít nhất 3 lần/ngày.

- Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc nhỏ tai hoặc kháng sinh khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!