Cảnh báo hiện tượng viêm da khi chạm vào hóa chất

bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 25/06/2014

Đây có thể là căn bệnh viêm da khá nghiêm trọng đấy!

Chào bác sĩ Mèo,

Em là nữ, năm nay 19 tuổi. Năm ngoái, sau một lần đi tắm biển với nhóm bạn, trở về em thấy ngứa ngáy ở tay. Dù đã rửa lại rất kỹ nhưng nó vẫn nổi mẩn đỏ, còn có mụn nước li ti. Hiện tượng này ban đầu chỉ xuất hiện ở ngón tay cái, sau đó lan dần xuống kẽ tay.

Bình thường, vài ngày nó sẽ đóng vảy, khô lại và hết, nhưng mỗi lần tiếp xúc với hóa chất là nó lại bị như cũ. Từ đó đến nay kéo dài 1 năm rồi, mỗi lần tắm gội, rửa bát... em đều phải đi găng tay.

Bác sĩ cho em hỏi đây là bệnh gì? Chữa trị như thế nào? Em cảm ơn.(haiha...@gmail.com)


Trả lời:

Chào em,

Theo mô tả thì có thể em đang bị viêm da tiếp xúc, đây là tình trạng viêm nhiễm ở vùng da tiếp xúc với các chất gây kích ứng dị ứng, thông thường vùng da đó sẽ bị nổi mẩn đỏ. Các nguyên nhân thông thường do các chất dễ gây kích thích như các loại xà phòng, dung môi, sáp , xi đánh bóng và nước rửa tay…Da nhạy cảm cũng có thể bị kích ứng khi đi bơi, đi biển. Ngoài ra, cũng có thể do các chất dễ gây phản ứng dị ứng như thuốc nhuộm tóc, nữ trang, chất làm bóng móng tay, chất khử mùi cơ thể hay cao su, chất mạ kền (chất mạ kền thường có trong các nữ trang cao cấp, khóa dây nịt, mặt lưng của đồng hồ đeo tay…)



Các triệu chứng của viêm da bao gồm: ngứa, sưng phù, đỏ da, nổi bóng nước trên da, có thể bị vỡ ra hay rỉ nước , đóng mày và có thể gây nhiễm trùng nếu không giữ vệ sinh tốt. Để điều trị, em phải xem xét lại các loại hóa chất đã tiếp xúc trong thời gian gần đây, thăm khám bác sỹ để loại trừ những bệnh lý da khác như chàm, ghẻ, tổ đĩa…, và đánh giá tình trạng hiện tại của việc viêm nhiễm (một tay hay cả hai tay…) nếu bị mẩn ngứa nhiều, có thể dùng thuốc thoa trên da để làm giảm ngứa và các triệu chứng khác. Em cũng cần uống thêm antihistamin để giảm ngứa và giảm các phản ứng dị ứng. Nếu tình trạng nổi mẩn đỏ trên da quá trầm trọng, bác sĩ sẽ cho em uống thêm thuốc kháng viêm như Presnisone. Thời gian này nên tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng với da, Tránh gây kích thích thêm vùng da đang bị viêm như tránh gãi hay bôi mỹ phẩm trên các vùng da đó; đắp gạc ẩm, lạnh trên các vùng da bị viêm.

Để phòng ngừa, cách tốt nhất là nếu lỡ tiếp xúc với chất gây dị ứng, phải rửa ngay bằng nước sạch ở vùng da bị tiếp xúc, nên sử dụng mỹ phẩm không chứa nhiều chất gây dị ứng, vỗ nhẹ để làm da khô, không nên lau khăn sau khi rửa tay ; hạn chế sử dụng cách chất dung môi, hóa chất và phải mang găng bảo vệ khi em phải sử dụng đến các chất đó; mang găng khi bạn rửa chén, đĩa… và nhất là khi thấy những tổn thương da như trên em cần đến bác sĩ khám ngay để loại trừ những bệnh lý da khác và được điều trị kịp thời tránh lây lan qua các vùng da khác

Chúc em sớm khỏi bệnh và luôn khỏe mạnh!

Mổ xẻ chứng bệnh tâm lý "sợ con trai" 2