Căn bệnh cứ há miệng là đau "thấu trời"

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 20/03/2013

Nó chính là họ hàng với chứng quai bị đấy các bạn ạ!

Căn bệnh cứ há miệng là đau "thấu trời"  1

Khoảng gần 1 tháng nay, do vừa ốm dậy nên em bị sụt cân và lúc nào cũng cảm thấy người uể oải. Vài ngày gần đây, vùng 2 bên mang tai của em bỗng nhiên bị sưng đỏ lên, sờ vào thấy nóng và rất đau, đau tăng khi nhai và há miệng. Ngoài ra em còn bị hâm hẩm sốt về chiều nữa. Mong bác sĩ giải đáp liệu em đã mắc phải bệnh gì và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (bad_a...@yahoo.com)
Căn bệnh cứ há miệng là đau "thấu trời"  2

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị viêm tuyến nước bọt.

Đây là hiện tượng tuyến nước bọt bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virut, nấm hoặc dị ứng. Bệnh thường xảy ra ở tuyến mang tai và tuyến dưới hàm.

Dấu hiệu điển hình là sưng cấp tính của tuyến, đau tăng và sưng tăng khi ăn.

Những nguyên nhân chính gây viêm tuyến nước bọt bao gồm:

- Do virus: hay gặp nhất là quai bị, bởi vì ít người nào trong đời mà không bị một lần.

Tác nhân bệnh nguyên là Paramyxovirus. Virus được truyền do tiếp xúc trực tiếp hay do những hạt nước bọt bắn ra từ miệng bệnh nhân. Bệnh hay gặp ở trẻ em và thanh niên, lứa tuổi hay bị nhất là 5 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh tương tự giữa nam và nữ, nhưng nam thì hay bị biến chứng hơn: viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm não, điếc...

- Do vi khuẩn: bao gồm nhiễm trùng ngược dòng từ những vi khuẩn miệng đi lên; nhiễm trùng máu; vi khuẩn lan từ những ổ nhiễm trùng lân cận vào: viêm khớp thái dương hàm, viêm xương hàm, viêm mô tế bào vùng mặt, viêm hạch mang tai...

- Do bệnh lý tự miễn: không phải là hiếm gặp, mà là khó chẩn đoán xác định. Phản ứng dị ứng xảy ra chứng tỏ sự có mặt của Lympho bào và tương bào. Loại phản ứng này hay gặp ở tuyến nước bọt, đặc biệt là tuyến mang tai, là nơi tập trung bạch huyết cao. Yếu tố gây dị ứng thường là bụi, phấn hoa (thường kèm với phì đại tuyến 2 bên), một vài loại thức ăn, thuốc (phénylbutazone, nitrofurantoine)...
 
- Do nang tuyến nước bọt: nang nhầy thường phát triển từ sàn miệng do tắc tuyến nước bọt phụ hoặc đôi khi là tuyến dưới lưỡi.

- Do thâm nhiễm: Tuyến nước bọt có thể bị tổn thương trong nhiều bệnh hệ thống khác nhau. Ở một vài bệnh nhân, sưng một hay nhiều tuyến nước bọt có biểu hiện dưới dạng giống khối u liên quan đến thâm nhiễm mỡ (lipomatosis) hoặc hội chứng Sialosis.

- Do sỏi: Sỏi tuyến nước bọt thì không phải là không hay gặp, đặc biệt là tuyến dưới hàm. Bệnh nhân sỏi tuyến thường bị đau tuyến khi ăn, khi nước bọt bài tiết ra bị chặn lại ở phía sau chỗ tắc. Sỏi cũng là một nguyên nhân gây nhiễm trùng tái phát.

Phương pháp điều trị viêm tuyến nước bọt cơ bản là bằng kháng sinh, chống viêm, giảm phù nề, giảm đau trong vòng 7 – 10 ngày theo kháng sinh đồ bằng đường uống hoặc tiêm. Có thể điều trị bổ sung bằng các loại kháng enzym. Kết hợp với rửa ống tuyến thường xuyên một cách có hệ thống với các dung dịch kháng sinh. Rửa từ 3 – 4 lần, mỗi lần cách nhau vài ngày, lặp lại trong vòng 4 – 6 tháng.

Quan trọng là cần điều trị theo đúng phác đồ và phải kiên nhẫn mới bảo đảm đạt được lành bệnh vĩnh viễn.

Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị kịp thời và thích hợp cho tình trạng của mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Căn bệnh cứ há miệng là đau "thấu trời"  3