Ám ảnh khi vết chai tay "ùn ùn" phát triển

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 17/08/2012

Chắc đây là vấn đề không của riêng ai nhỉ?

am-anh-khi-vet-chai-tay-un-un-phat-trien

Đã nhiều năm nay, em bị chai ở đầu ngón tay cũng như lòng bàn chân do phải cầm bút và dắt xe lên dốc nhiều. Những vết chai này càng ngày càng đùn da lên gây bất tiện vô cùng. Thỉnh thoảng không chịu được em thường lấy kéo cắt bớt lớp da phía trên, nhiều khi quá tay chảy cả máu. Vài ngày sau lớp da lại dày lên và lành hẳn nhưng ấn vào chỗ đấy vẫn thấy đau buốt lắm. Mong bác sĩ tư vấn cho em phương pháp hiệu quả để loại bỏ hoàn toàn hiện tượng này với ạ! Em xin cảm ơn! (binh0o...@yahoo.com)
am-anh-khi-vet-chai-tay-un-un-phat-trien
Chào em,
 
Chai là một vùng da bị hóa sừng do nhiều tế bào chết tạo nên. Khi bàn chân, bàn tay phải cọ xát thường xuyên vào một vật thì những vết chai sẽ xuất hiện ở điểm tiếp xúc. Ở bàn tay, thủ phạm của chai thường là bút viết, tay lái xe máy, xe đạp. Ở bàn chân thường là giày hoặc chính xương ngón chân ép sát vào nhau khi đi dép chật.

Đôi khi chai còn có nhân ở giữa. Đây là hậu quả của một lần nhiễm trùng. Nhân của chai có chứa huyết thanh và gây đau đớn, đôi khi tới mức không chịu đựng nổi. Những vết chai có nhân rất dễ bị nhiễm trùng, nhất là ở những người bị bệnh béo phì hoặc tiểu đường.

Em có thể tự chữa chai chân, tay ngay tại nhà bằng những phương pháp khá đơn giản sau:
 
1. Đối với chai chân:
 
- Nếu bàn chân đã có chai chứa nhân, thay vì đi giày, nên xỏ chân vào dép hoặc xăng đan rộng rãi.
 
- Trong trường hợp vẫn cứ phải đi giày, có thể dùng dây chun rộng khoảng 2 - 3cm quấn 3 - 4 vòng xung quanh bàn chân, phía trên và phía dưới vị trí của chai. Như vậy ta đã tạo một khoảng cách giữa chai và lót giày. Chai sẽ không chịu lực tì nữa.
 
- Nếu chai nằm ở gan bàn chân hay các ngón chân, nên bào lớp da hóa sừng bằng đá bọt hoặc một cái dũa chuyên dụng sau khi đã bôi vào đó dung dịch chuyên tẩy da chết (có thể mua loại thuốc này ở hiệu thuốc sau khi tham khảo kỹ ý kiến của dược sĩ).

- Nếu ngón chân có tật, tốt hơn hết là đóng riêng một đôi giày cho phù hợp. Một số người có ngón chân cái bị biến dạng, quèo ra phía ngoài, có thể đục lỗ trong lớp lót giày, dành một khoảng không cho ngón chân này.
 
2. Đối với chai tay:
 
- Ngâm chỗ có chai vào nước muối ấm, loãng khoảng 15 phút. Nước muối sẽ làm chai nở và mềm ra. Ta sẽ dễ dàng bóc phần da phía trên bề mặt. Sau đó, bôi kem giữ ẩm cho da.
 
- Để tránh cho chai mọc lại thì nên bảo vệ vùng da trên bằng một miếng lót bằng nỉ hoặc đi găng tay.

Chú ý: những người bị tiểu đường, béo phì nếu có chai chân, tay thì nên đến gặp bác sĩ vì tự chữa tại nhà có thể gây nguy hiểm.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

 am-anh-khi-vet-chai-tay-un-un-phat-trien