Đinh Tiến Dũng lần đầu tiết lộ lý do thôi làm "Giáo sư" Xoay

Astro, Theo Trí Thức Trẻ 11:16 21/03/2012

Lần đầu tiên Đinh Tiến Dũng chính thức nói về lý do chia tay "Hỏi xoáy - Đáp xoay" thông qua trang Fanpage của mình.

Sau những ồn ào quanh chuyện chia tay chương trình Hỏi xoáy - Đáp xoay, lần đầu tiên "Giáo sư" Xoay - Đinh Tiến Dũng đã có một phần note khá dài với tiêu đề Cạn... nhằm gửi đến bạn bè và khán giả của mình thông qua Fanpage vào rạng sáng ngày 21/3. Đây gần như là câu trả lời của anh ấy cho những câu hỏi xung quanh quyết định thôi làm "Giáo sư" Xoay.


Hình ảnh chụp lại note của Đinh Tiến Dũng trên Fanpage của anh ấy

Dưới đây là bức thư dài của GS Xoay trên Fanpage

Như cả nhà đều đã biết, tôi đã ngừng tham gia chương trình Hỏi xoáy đáp xoay phát trên VTV3 mỗi tối thứ 7. Sự ra đi "đột ngột" này khiến cho không ít người yêu quý tôi cảm thấy tiếc nuối đôi chút và các báo "lá cải" thì được dịp thể hiện khả năng hiểu biết cuộc đời với bao nhiêu suy luận tinh tường và sâu sắc. 

Thông thường thì tôi sẽ chọn cách im lặng, ung dung ngồi uống trà và quan sát dư luận rồi tủm tỉm cười khoan khoái, xong thế thì thật là tội lỗi với hơn 200 ngàn anh chị em yêu quý tôi trong fan page này, mọi người đang không ngừng thắc mắc vì sao tôi rời chương trình hoặc hoang mang suy đoán sau từng bài báo mạng. Thế nên tôi phá lệ, viết đôi dòng để "thanh minh thanh nga" cho có trước có sau. 

Tôi mới rời chương trình được 2 - 3 tuần phát sóng, thông tin có vẻ nóng hổi, song với tôi, tôi đã thấy mình nên dừng lại từ rất lâu rồi, có lẽ phải là từ vài tháng trước. Nếu không có sự động viên của anh em trong ê kíp, chắc tôi không thể nào mà "giãy giụa" được đến tận những số gần đây. 


Lý do vì sao ư? Đơn giản thôi, tôi đã cạn vốn rồi. Những nụ cười tích cóp trong tôi bấy lâu dường như đã dùng hết, tôi không thể viết nên nổi những kịch bản tốt cho chương trình như thời gian trước nữa. Bản thân mình cũng cảm thấy sự nhàm chán và lặp lại của bản thân khi cảm hứng công việc như đang ngày một đi xuống.

Trên hết có lẽ là sự áy náy khi chứng kiến cả ê kíp gần 20 chục con người cũng vì sự trì trệ của tôi mà khổ sở theo, nhìn anh Đỗ Thanh Hải vò đầu bứt tai sửa hộ tôi kịch bản, nhìn anh Bùi Thọ Thịnh lo lắng gọi điện liên hồi, nhìn anh Trịnh Lê Phong kiên nhẫn đọc từng kịch bản tôi gửi và nghĩ cách làm, hơn lúc nào hết, tôi hiểu được những giới hạn của bản thân mình. 

Ngay cả anh Xuân Bắc bận bịu là vậy cũng nhiệt tình giúp đỡ, ngồi bàn bạc nghĩ thêm trò và phương hướng giải quyết hay hơn cho từng tình huống, từng câu hỏi. Một số xưa chỉ quay khoảng 45 phút đến 1 tiếng thì nay có khi đến cả buổi mới xong một số. Thật cảm kích khi anh em chúng tôi vẫn ngồi lại bên nhau đến cùng để vì một sản phẩm tốt nhất trong khả năng có thể của mình. 

Để an toàn hơn, công tác kịch bản được một đội anh chị em biên tập khác viết hộ, gánh nặng kịch bản trên vai tôi giảm nhẹ hơn, nhưng bù lại thì phải mất thời gian để đọc và học kịch bản, thay vì ngày xưa tự viết nên nhớ luôn. Mọi việc vẫn ổn, nhưng tại thời điểm đó, trong lòng tôi đã biết có lẽ cũng đến lúc mình phải dừng lại rồi. Tuy nhiên đây là công việc của cả một ê kíp, không phải muốn dừng là dừng, tôi vẫn cố gắng hết sức đảm nhận những việc được giao cho đến khi ê kíp có phương án thay thế. 

Và rồi ngày đó cũng đến, tôi rời chương trình, trong lòng cũng có chút tiếc nuối, nhưng hơn cả vẫn là cảm giác áy náy khi anh em lại thêm một lần nữa vất vả vì tôi. Tôi cần phải được sạc pin trở lại, còn bao nhiêu nơi tôi chưa đi, còn bao nhiêu điều tôi chưa biết, còn bao nhiêu người tôi chưa gặp...


Công việc chuyên môn của tôi quả thật có bận hơn, song không bận đến mức không có thể dành thời gian cho những dự án riêng. Các sếp của tôi đặt ở tôi nhiều kỳ vọng, nhưng không đến mức ngăn cản tôi tham gia những công tác xã hội khác, thậm chí không muốn nói là còn hết mình ủng hộ tôi cả về tiền bạc và tinh thần. Vấn đề vẫn là tôi cần một thời gian nữa để làm giàu lại vốn liếng của mình. 

Tôi dành thời gian cho những chuyến đi, những buổi gặp gỡ. Có những tuần tôi gặp và nói chuyện với không dưới 1.000 học sinh, sinh viên ở Hà Nội hoặc các tỉnh thành khác. Tôi dành thời gian đến nói chuyện với các đàn anh, đàn chị, đến hỏi han các bậc cây đa cây đề để có thêm những tri thức và suy nghĩ mới. Tôi bỏ cả tuần trời để lang thang cùng đoàn kịch 2 với anh Chí Trung qua các miền đất, gặp gỡ mọi người, trò chuyện, chiêm nghiệm, để quan sát nhịp sống mọi nơi... 

Đúng là còn quá nhiều việc phải làm trước khi trở lại với một vai trò mới nào đó, nhưng tôi vẫn luôn dõi theo những thông tin về chương trình "Hỏi xoáy đáp xoay" và duy trì trao đổi cùng mọi người trên Fan page, thật may là mọi người chưa bỏ tôi đi khi tôi đã hết thời thế này. 

Đọc những dòng thông tin trên mạng, tôi thấy thật buồn. Buồn vì sự suy luận đoán mò của những ý kiến chủ quan vô tình khiến người đọc có thể hiểu sai và hơn cả là làm những người trong cuộc như chúng tôi cảm thấy lòng mình đau nhói. 

Tôi bị dìm hàng ư? Tôi bị hãm hại ư? Cá lớn nuốt cá bé ư? Thật nực cười. Chỉ có những tâm hồn lúc nào cũng sống trong sự đố kỵ và ghen ghét mới có sẵn trong đầu những suy luận đó. Có lẽ họ chưa bao giờ có cái cảm giác hạnh phúc khi được làm việc xung quanh những người giỏi, nên nhìn đâu cũng chỉ thấy sự đố kỵ thị phi mà thôi.

Còn với chúng tôi, ngoài cùng vì một việc chung, chúng tôi thực sự trân trọng tài năng và sức lao động của mỗi người trong ê kíp. Chúng tôi hỉ hả tán thưởng lẫn nhau khi một ai đó có một ý tưởng tốt, chúng tôi biết lắng nghe nhau và sẵn sàng dẹp bỏ ý tưởng chưa hay của mình để cùng vì một sản phẩm tốt hơn. Chúng tôi tự hào về việc mình làm và tự hào về nhau. 


Khi làm việc, ai cũng cố làm tốt việc của mình, từ anh âm thanh căng tai ra để mà nghe, nếu có tạp âm thì còn báo để xử lý. Từ anh đạo diễn ngồi căng mắt ra bấm hình, để làm sao chộp được cảm xúc nhấn nhả của từng diễn viên, từ anh quay phim căn ke từng khuôn hình, từng góc sáng, từ anh chị em biên tập túc trực bên cạnh sẵn sàng hỗ trợ thông tin, từ chị trang điểm ngồi nhìn chúng tôi cả buổi để thấy tóc tai mặt mũi chúng tôi có vấn đề là xử lý ngay, từ chị trợ lý trường quay lo cho cả ê kíp từng suất cơm, chén nước... Giờ giải lao, cả trường quay lại rộn tiếng cười bởi đủ trò nghịch ngợm. Thật khó mà quên cảm giác này, và càng khó chịu hơn khi đọc những điều mà người ta suy luận về ê kíp chúng tôi như vậy. 

Giờ thì tôi sẽ tiếp tục công cuộc làm giàu lại vốn liếng của mình, để rồi một ngày nào đó sẽ trở lại với một vai trò mới. Chương trình cũng có nhiều đổi mới và tôi tin sẽ ngày một tốt hơn. 

Ngày xưa còn bé, mỗi lần tôi có điều gì không vừa ý, tôi hay nghĩ tới một ý nghĩ rất ngu ngốc, đó là ước gì mình được giả vờ chết một hôm, linh hồn sẽ tạm thời rời thể xác leo lên cái cây nào đó gần nhà để ngồi xem xem mọi người sẽ thương tiếc mình thế nào, để xem mọi người sẽ ân hận thế nào khi đã làm mình buồn để rồi sau đó linh hồn sẽ chạy về nhập lại vào thể xác để còn tiếp tục đọc truyện tranh và chiều chiều đi đá bóng như thường. Một suy nghĩ tuy có hơi ngu ngốc, xong nó thể hiện cái nhu cầu muốn được người khác yêu thương và quan tâm đến mình của tôi. 

Giờ đây, khi tôi rời xa chương trình quen thuộc của mình, tôi cũng đã cảm nhận được sự quan tâm và yêu mến của mọi người dành cho tôi nhiều đến mức nào. Điều đó thật hạnh phúc và sẽ là động lực cho tôi trên những con đường sắp tới. 

Cảm ơn cả nhà rất nhiều".
Giáo sư Xoay