Show "trai đẹp Omar": Nhốn nháo và xem thường khán giả

, Theo Trí Thức Trẻ 10:48 14/09/2013

Show diễn với sự xuất hiện của "trai đẹp Omar" đang khiến dư luận vô cùng bất bình.

Show diễn Kết nối ước mơ với nhân vật chính là "trai đẹp bị trục xuất" Omar đã kết thúc đêm qua tại SVĐ QK7 nhưng cơn sóng phẫn nộ của dư luận mới chỉ bắt đầu. Một show diễn được cho là kệch cỡm chưa từng có và thái độ thiếu tôn trọng khán giả, truyền thông và nghệ sĩ Việt của BTC càng làm cho ấn tượng về chương trình này trở về con số 0.

Kịch bản chương trình chắp vá, nhốn nháo

Được quảng cáo là một chương trình mang đẳng cấp quốc tế tổ chức tại SVĐ có sức chứa khủng bậc nhất Tp.HCM nhưng những gì diễn ra trong đêm 13/9 lại khiến nhiều người thất vọng vì độ nghiệp dư ở khâu tổ chức và kịch bản chương trình. Từ màn hình LED bọc vải như sân khấu hội chợ cho đến việc các ca sĩ V.Music, Văn Mai Hương, Noo Phước ThịnhHồ Quỳnh Hương xếp hàng ra hát không theo một kịch bản thống nhất nào, như một đêm diễn ca nhạc bình thường chứ không phải một chương trình giao lưu văn hóa mang tính quốc tế như BTC đã quảng cáo. 

Màn trình diễn thời trang áo dài cũng thể hiện rõ tính phi văn hóa của chương trình này khi mà có đến hàng chục cặp người mẫu trộn lẫn từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp kéo nhau sải bước trên sân khấu với nhạc nền Lý Ngựa Ô và màn hình LED liên tục phát những hình ảnh, thông tin về... Omar. Có lẽ BTC chương trình này đang nghĩ rằng đây là yếu tố mang tính "giao lưu văn hóa" chăng khi mà làm một việc vô duyên đến thế?

Show "trai đẹp Omar": Nhốn nháo và xem thường khán giả 1

Show "trai đẹp Omar": Nhốn nháo và xem thường khán giả 2

Tuy nhiên, trên sân khấu là vậy, phía dưới sân khấu cũng là những màn phô trương đến khó hiểu. Mặc dù chương trình đã bắt đầu diễn ra, ca sĩ đang hát trên sân khấu nhưng đèn follow (đèn rọi trực tiếp) vẫn liên tục zoom vào phía dưới sân khấu để "dẫn đường" cho các khách mời trai đẹp khi những nhân vật này tiến về sân khấu. Không hiểu các ca sĩ Việt biểu diễn có cảm thấy bản thân mình bị thiếu tôn trọng hay không nhưng có lẽ các khán giả nghiêm túc đến xem chương trình cũng cảm thấy thất vọng vì một chương trình nhốn nháo từ trên sân khấu đến dưới sân khấu như thế. 

Sự xuất hiện được chờ đón của 4 anh chàng trai đẹp cũng đơn giản và kì cục đến khó tin. Luu Triplets được mời lên sân khấu với lí do là "nhà tài trợ áo mưa" cho chương trình, phát biểu vài câu ngắn gọn và sau đó về lại ghế đại biểu ngồi và được che dù kín mít, che cả tầm nhìn của khán giả phía sau. "Trai đẹp bị trục xuất" xuất hiện cũng đơn giản như dự đoán ban đầu vì thực chất BTC chương trình này cũng đâu tìm được một tài năng đặc biệt nào để anh có thể trình diễn cho khán giả Việt thưởng thức ngoài việc... đẹp. Omar lên sân khấu nói vài câu chào hỏi khán giả thông thường, ướm thử chiếc áo dài truyền thống nhăn nheo và trình diễn một vòng catwalk là... xong. Nhiều khán giả đi xem chương trình này cho biết bản thân khi đến QK7 xem các hội chợ trình diễn của các nhãn hàng trước đó còn thu hút và màu sắc hơn chương trình như thế này.

Show "trai đẹp Omar": Nhốn nháo và xem thường khán giả 3

Show "trai đẹp Omar": Nhốn nháo và xem thường khán giả 4

BTC chương trình xem thường khán giả

Omar hay 3 anh chàng nhà họ Lưu vốn dĩ là những nhân vật rất bình thường ở đất nước họ, không phải là một nghệ sĩ biểu diễn thực sự nhưng khi được BTC chương trình này mời sang Việt Nam, họ được quảng cáo rầm rộ như một siêu sao. Và cũng vì để cho ra dáng siêu sao hay (làm bộ) họ là những nhân vật quan trọng, BTC chương trình này đã có những hành động vô cùng kệch cỡm. Những hình ảnh bảo vệ đứng chặn trước cửa không cho Thùy Dung vào phòng máy lạnh cùng Omar được báo chí chụp được tối 13/9 cũng phần nào thể hiện được cách ứng xử thiếu tinh tế của chương trình này với nghệ sĩ Việt. 

Show "trai đẹp Omar": Nhốn nháo và xem thường khán giả 5

Show "trai đẹp Omar": Nhốn nháo và xem thường khán giả 6

Bản thân Omar, Luu Triplets không hề có lỗi vì tự dưng một ngày họ được một lời đề nghị béo bở mời đến Việt Nam với số tiền kha khá thì "dại gì không nhận lời". Lỗi là ở cách những nhà tổ chức này suy nghĩ về khán giả Việt Nam. Có lẽ họ nghĩ trình độ dân trí và cách thưởng thức của khán giả Việt đã thấp đến mức nào mà có thể đem 4 anh chàng "ngoài đường" về để "dụ" khán giả và nghĩ rằng hơn 3000 người ở SVĐ QK7 có thể tôn vinh và cảm động vì hành động "giao lưu văn hóa" này? 

Một nhà tổ chức các show diễn quốc tế tại Việt Nam cho biết: "Bản thân việc đổ tiền vào để tôn vinh một cá nhân không có tài năng đặc biệt đã là quá vô lí so với tình hình hiện nay và không công bằng với tất cả những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật nghiêm túc khác. Hằng năm truyền thông Việt Nam có thể la hét vì độ cuồng của fan khi có các ngôi sao Hàn Quốc sang biểu diễn nhưng ít ra những ngôi sao này mang đến các giá trị tinh thần đặc biệt và tài năng họ được công nhận là vượt bậc hơn người. Còn với việc một tiền lệ chỉ cần đẹp là có thể làm rầm rộ, là có thể hưởng những đãi ngộ như siêu sao thì điều này đi ngược lại với sự tự nhiên của cách vận hành làng giải trí và cũng phần nào đánh giá được tầm thưởng thức của khán giả. Thiết nghĩ các cơ quan văn hóa ngoài việc cấm Bà Tưng biểu diễn thì cũng nên xem xét kỹ lại những chương trình biểu diễn không nội dung như thế này".

Show "trai đẹp Omar": Nhốn nháo và xem thường khán giả 7
Show "trai đẹp Omar": Nhốn nháo và xem thường khán giả 8

Kết

Như một câu nói vui của một phóng viên Việt Nam là "Omar là sự kiện đáng quên nhất trong năm nay khi tác nghiệp" đã phần nào nói lên thái độ của truyền thông giải trí với sự kiện này. Khi mà những người làm giải trí cũng không thể nào chấp nhận được một chương trình như thế thì có lẽ những nhà tổ chức hay ai có ý định làm tiếp theo những sự kiện trai đẹp, gái đẹp thứ 2, thứ 3 nên suy nghĩ lại. Showbiz Việt rất cần những sự phát triển đa màu sắc nhưng có lẽ cũng nên chọn lọc và không nên để những chương trình như thế này làm ảnh hưởng đến cách nhận thức và quan niệm về một tài năng hay phông văn hóa của khán giả Việt.