S.T (365): “Tôi đã quá quen với việc phải lớn lên trong cô đơn"

Nhật Duy, Theo Trí Thức Trẻ 10:24 08/07/2016

Nam ca sĩ S.T trải lòng về quá khứ thiếu thốn tình cảm của cha và gửi gắm những tâm tư chân thành đến người phụ nữ vĩ đại của đời mình.

Ba mẹ tôi không chung sống với nhau từ khi tôi mới sinh ra. Thời điểm đó, mẹ quyết định bỏ hết tất cả mọi thứ, cả vật chất gia tài chỉ để giành tất cả những người con về mình. Tuổi thơ, mọi thứ mà tôi thấy ở mẹ là hình ảnh người phụ nữ một mình lặng lẽ nuôi con mà không đi tiếp thêm bước nào cho hạnh phúc riêng mình. Đây là điều tôi rất tự hào và sau này dẫu có như thế nào tôi vẫn rất tự hào về mẹ.

Điều làm tôi nhận thức rõ rằng mình cần một người bố là khi tôi chơi với một người bạn rất thân và bạn lúc nào cũng được ba đưa đón đi học. Đó cũng là lúc tôi cảm thấy chạnh lòng, muốn biết được cảm giác khi được ba chăm sóc là như thế nào. Trong tôi hình thành suy nghĩ: "Tại sao mình không có cả ba và mẹ như những đứa trẻ khác?".

S.T (365): “Tôi đã quá quen với việc phải lớn lên trong cô đơn - Ảnh 2.

Nếu nói về một kí ức, một hình ảnh về ba mà tôi ghi nhớ nhất thì có lẽ đó là ngày ông bế tôi trên tay, trong một tòa án. Năm đó, tôi chỉ mới một, hoặc hai tuổi. Nói cho cùng, một đứa con nít rất khó có thể nào ghi nhớ được một cách rõ nét, cụ thể được ký ức trẻ thơ, nhưng không hiểu sao hình ảnh đó cứ khắc sâu trong đầu tôi đến nhiều năm sau này như vậy. Tôi vẫn luôn cảm nhận được vòng tay khi ba bế mình, tại địa điểm không đẹp ấy.

Vẫn là nhờ mẹ, tôi gặp lại ba khi đã đủ tuổi trưởng thành. Tôi không oán trách hay hờn giận ông, bởi lẽ tôi rõ ràng được rằng, mọi thứ xảy ra trong cuộc sống này đều có lý do của nó. Tôi cũng không nghĩ ba cần phải bù đắp gì cho mình cả. Vốn dĩ tôi đã quá quen với chuyện mình phải trải qua những đau khổ thế nào, phải lớn lên trong cô đơn ra sao.

Mà thật ra, ba cũng đã cho tôi một thứ hiếm có một đứa trẻ nào có thể trải nghiệm được, đó là sự mạnh mẽ do chính bản thân mình tự học hỏi. Đây cũng là một điều rất hay bởi vì khi mà một người có đầy đủ về tất cả mọi thứ thì họ sẽ ỷ y vào nó nhiều hơn là tự khám phá ra bài học cho riêng mình.

S.T (365): “Tôi đã quá quen với việc phải lớn lên trong cô đơn - Ảnh 3.

Hồi nhỏ, tôi hay hỏi mẹ tại sao tôi không được có ba mẹ bình thường như các bạn khác. Đến giờ, tôi hiểu rằng khi mẹ nghe thắc mắc đó, bà cũng rất là đau lòng. Bởi đằng sau câu hỏi vô tư của đứa trẻ dành cho một phụ nữ cô đơn nuôi con là một lời giải đáp không hề dễ dàng. Tuy vậy, mẹ vẫn mạnh mẽ và khéo léo dẫn những câu chuyện về người mẹ, người vợ một mình nuôi con thế nào cho tôi nghe. Tôi có được câu trả lời qua những lời gợi ý mở đó và dần hiểu hơn về tâm tư của mẹ.

Có rất nhiều lần tôi cảm giác rằng, nếu mẹ đi tiếp một bước nữa thì biết đâu mẹ cũng hạnh phúc và tôi cũng hạnh phúc thì sao. Tuy nhiên, tôi hiểu tại sao mẹ lại lựa chọn cuộc sống như vậy và tôi tôn trọng chuyện đấy. Nếu mẹ hạnh phúc, vui vẻ thì tôi sẵn sàng làm người đàn ông của mẹ chứ không phải là một người đàn ông nào khác.

S.T (365): “Tôi đã quá quen với việc phải lớn lên trong cô đơn - Ảnh 4.

Tuổi thơ chứng kiến mẹ đã phải phấn đấu rất nhiều cũng như đối mặt với áp lực từ mọi phía trong cuộc sống, nên tôi sớm nghĩ: Nếu có thể giảm bớt những chuyện làm cho mẹ buồn đi thì sẽ tốt hơn một chút. Đó là lý do tôi thường trốn ở góc khóc một mình.

Tôi không muốn bà thấy những giọt nước mắt của con. Nếu một người mẹ khi thấy con mình bị thiếu thốn tình thương thì sẽ buồn rất nhiều và tôi không muốn những cố gắng của mẹ bị những giọt nước mắt của con mình làm đau lòng.

Tôi có một nốt ruồi trong mắt nên ngày bé cũng khá mít ướt. Càng lớn, tôi lại để ý những đứa trẻ bị thiếu tình thương trọn vẹn thường có tính cách rất lạ và nhận ra bản thân cũng không ngoại lệ. Tôi luôn nhủ lòng phải thật mạnh mẽ, không được ủy mị. Tôi không muốn khóc nữa hoặc không bao giờ để mọi người thấy mình phải khóc vì bản thân đã được rèn giũa từ nhỏ như một thói quen. Tôi không muốn những người yêu thương phải đau khổ khi nhìn thấy những giọt nước mắt của mình.

Với tất cả những kí ức về ba mẹ không sống chung với nhau thì hầu hết những đứa trẻ khác sẽ oán hận hoặc có cảm giác sau này mình không có gia đình vì ám ảnh. Nhưng tôi lại là một đứa có suy nghĩ tích cực hơn cho nên luôn luôn trong đầu muốn làm sao cho con cái, gia đình được hạnh phúc chứ không phải là sẽ không dám đối mặt với tổn thương của mình.

S.T (365): “Tôi đã quá quen với việc phải lớn lên trong cô đơn - Ảnh 5.

Trong 50 ngày, sẽ có hàng nghìn những kết nối cùng thông điệp yêu thương được chúng tôi - We Are Family 2016 gửi đi, với niềm tin mỗi người chúng ta đều có thể gom đủ hạnh phúc, để mỉm cười với bạn đời mỗi sớm mai thức dậy, để luôn nhớ hôn lên trán con nụ hôn chúc ngủ ngon, để mỗi ngày qua đi mỗi chúng ta đều vui sướng tự thưởng một miếng dán sticker hình trái tim vào nhật kí cuộc đời mình.

Một cuốn sách nhỏ xinh về 50 ngày hạnh phúc của We Are Family - Con Mơ Điều Giản Dị sẽ ra mắt khi kết thúc chiến dịch. Đừng ngần ngại gửi câu chuyện hạnh phúc của gia đình bạn về cho chúng tôi qua hòm mail waf@afamily.vn để có cơ hội được xuất hiện trong cuốn sách ý nghĩa này.

Và đừng quên truy cập waf.afamily.vn mỗi ngày để những ngày tới của bạn sẽ là những ngày hạnh phúc nhất!