Tư duy “gà nòi” sẽ báo hại bóng đá Việt Nam?

Dũng Lê, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 19/12/2015

Những ngày qua, đã một số thông tin liên quan tới “đội Siam”, tập thể khoảng 16 cầu thủ trẻ người Thái Lan đang được ăn tập tại trung tâm huấn luyện CLB Leicester City trên đất Anh. Họ được tỷ phú người Thái Vichai Srivaddhanaprabha – chủ sở hữu Leicester City – tạo điều kiện.

Việc HLV trưởng ĐTQG Thái Lan – Kiatisuk Senamuang – đã đến thăm "đội Siam" tại Anh sau đó cũng khiến nhiều người tin rằng lứa cầu thủ này sẽ là nòng cốt chính để đưa bóng đá Thái Lan đi xa.

Nhưng liệu đó có phải chi tiết đáng để đánh giá cao bóng đá Thái Lan?

Câu trả lời rất đơn giản, đó là không. Một tập thể 16 cầu thủ dù có được ăn tập tại Leicester City đến bao lâu đi chăng nữa cũng khó có thể được coi là động lực chính để thúc đẩy nền bóng đá Thái Lan. Bóng đá thế giới và thậm chí chính bóng đá Việt Nam hiểu điều đó hơn cả: những lứa cầu thủ “vàng”, “bạc” chỉ có thể là điểm nhấn một thời, chứ khó có thể coi là nền tảng phát triển dài lâu.

 16 cầu thủ Thái Lan được ăn tập tại Leicester City 

Câu chuyện về "đội Siam" cũng trở thành cái cớ để rất nhiều CĐV bóng đá Việt Nam lên tiếng ca ngợi Thái Lan về “cách làm bóng đá”.

Sự khen ngợi và thậm chí là ghen tị ấy đã thể hiện một tư duy sai lầm của không ít người hâm mộ hiện nay, đó là tư duy theo kiểu "gà nòi".

Trong khi nhiều người Việt Nam đang đánh giá cao Team Siam thì bản thân người Thái Lan thực ra không hề dựa dẫm vào tập thể 16 cầu thủ ở Anh. Họ đánh giá cao nỗ lực của tỷ phú Vichai, nhưng không quên đi việc phát triển từ gốc rễ, thay vì mong chờ một “ổ gà nòi” từ Leicester. Một phóng viên đồng nghiệp của tôi tại Thái Lan khẳng định, thành công của Thái Lan bắt đầu từ bóng đá phong trào.

Cách làm của người Thái hiện khá giống với người Anh và Tây Ban Nha: các CLB chuyên nghiệp xây dựng mối quan hệ với các trường học địa phương, mở ra những lò đào tạo ngoại khóa với chương trình huấn luyện dài hơi.

Không chỉ mang về nguồn lợi, các học viện quy mô nhỏ này còn giúp cho CLB không bỏ sót nhân tài, vì có quá trình theo dõi cả năm (chứ không phải một đợt, một cuộc thi). Quan trọng hơn, nó giúp nâng tầm nền tảng bóng đá, bởi số đông trẻ em dễ dàng được đào tạo bài bản.

Tham khảo thêm những nền bóng đá hàng đầu như Đức, Hà Lan, Pháp sẽ thấy điều tương tự. Cách làm khác biệt (Liên đoàn Bóng đá tự tổ chức các học viện nhí thay vì chờ đợi vào các CLB), nhưng mục tiêu trùng khớp: họ nhắm tới việc cung cấp sự đào tạo bài bản cho số đông trẻ em, thanh thiếu niên.

Người Tây Ban Nha nổi tiếng với “qui tắc 50” và “qui tắc 15.000”. Đó là trước mỗi lần triệu tập ĐTQG, họ muốn có một danh sách sơ bộ gồm 50-55 cầu thủ. Họ cũng tin rằng cứ mỗi 15.000 cầu thủ trên cả nước, họ sẽ có được 1 cái tên đẳng cấp thế giới để góp vào danh sách “qui tắc 50”.

 Tây Ban Nha liên tiếp lên ngôi vô địch thế giới và châu Âu 

Trên thực tế, tại Tây Ban Nha, đang có khoảng hơn 874.000 cầu thủ chuyên và bán chuyên nghiệp, nghiệp dư đã đăng ký hành nghề, đồng nghĩa rằng chỉ tiêu 50-55 người là hoàn toàn khả thi. Anh, Pháp đều đồng ý với công thức này.

Nghĩa là ở đây, mục tiêu sau cùng là tạo ra một môi trường từ gốc rễ, nền tảng mà bất kỳ trẻ em, thanh thiếu niên nào cũng có thể được học bóng đá, được đào tạo bài bản, có cơ hội thể hiện bình đẳng trước mắt các trinh sát viên từ học viện hoặc đội bóng lớn. Bóng đá phong trào được chú trọng phát triển, làm nền cho lớp lớp cầu thủ đỉnh cao.

Còn tại Việt Nam, dường như vấn đề “nền tảng” chưa hề được coi trọng, mà chúng ta vẫn đang quá tin tưởng vào những tập thể được tuyển chọn bằng một cuộc thi, rồi đào tạo theo kiểu “gà nòi”.

Có những cuộc tuyển chọn xuyên quốc gia được tổ chức để tìm ra những cầu thủ “tiềm năng”, gom họ vào một trung tâm để ăn tập nhiều năm và rồi nghiễm nhiên coi họ là chuẩn mực.

 Các cuộc tuyển chọn tài năng bóng đá của Hoàng Anh Gia Lai thu hút hàng nghìn em nhỏ.

Chẳng ai có thể chắc chắn rằng những cái tên “tiềm năng” ở tuổi 10, 11, 12 sẽ chắc chắn trở thành “tài năng” trong tương lai 7-10 năm sau đó. Và giả sử, nếu họ thành công, đó cũng không thể là một sự bảo đảm cho tương lai lâu dài, mà chỉ là một lứa, một giai đoạn mà thôi.