Võ sỹ Lê Thị Bằng: "Con gái tập boxing phải hy sinh nhan sắc"

Lê Thương , Theo Trí Thức Trẻ 09:00 02/07/2015

"Hoa khôi boxing" chia sẻ, cô phải sống xa gia đình, hàng ngày chỉ nghĩ đến tập luyện và thi đấu. Ngay cả nhan sắc của một người con gái Lê Thị Bằng cũng phải hy sinh.

Để gặp và phỏng vấn riêng nhà vô địch SEA Games 28 và Á quân Asiad 17 -  Lê Thị Bằng là không hề dễ dàng. Không phải bởi cô võ sỹ người Hưng Yên kiêu ngạo mà Bằng cho biết cô không thích lên báo và đã từ chối rất nhiều cuộc hẹn phỏng vấn. 

Thế nên, lúc đầu võ sỹ được báo chí Singapore xếp vào một trong những "mỹ nhân" của SEA Games 28, thực sự tạo ra cảm giác khó gần. Chỉ đến khi Bằng bắt đầu tâm sự về cuộc sống, cũng như nghiệp võ thì lúc ấy "cái vỏ" cứng cáp, lì lợm và khó gần ấy mới được lột ra. Cô thành thật và thoải mái nói tất cả mọi suy nghĩ cũng như câu chuyện cuộc sống của mình. 

Video trận chung kết SEA Games giữa Lê Thị Bằng và VĐV Philippines 

- Giành được tấm HCV SEA Games, và được báo chí nhắc nhiều đến mình, có khiến cuộc sống của Bằng thay đổi gì không? 

Đương nhiên là có, mọi người chú ý đến tôi hơn. Đi ra đường thực sự rất ngại. Tôi không cảm thấy thoải mái vì điều ấy, có một số phóng viên cũng hẹn để phỏng vấn, nhưng tôi từ chối. Tôi không muốn mọi thứ đảo lộn. Tôi thích được làm những gì mình muốn. Thế nên, tôi cũng không nghĩ nhiều đến chuyện được nổi tiếng hay không. Điều tôi cảm thấy vui là giành được tấm HCV SEA Games chứ không phải là sự nổi tiếng. 


- Một cô gái lạnh lùng, khó gần. Phải chăng đó phẩm chất cần có để chơi môn boxing? 

Tôi không nghĩ nhiều đến thế. Điều đó cũng tùy tính cách của mỗi người, tính cách ấy của tôi vốn đã hình thành từ nhỏ. Cũng có thể, sự khắc nghiệt trong tập luyện cũng như thi đấu khiến tôi trở nên lì lợm hơn. Tôi cũng không quan trọng lắm chuyện mọi người nghĩ về mình, điều quan trọng là những người thân xung quanh tôi cảm nhận như thế nào. 

- Đấy có thể là ưu điểm. Nhưng một cô gái như thế thường khó để có bạn trai? 

Tôi nghĩ nếu chàng trai nào thực sự yêu mình, thì họ sẽ không cảm thấy tôi khó gần. Họ sẽ thông cảm và chia sẻ mọi thứ. Có thể tôi không có nhiều người con trai tiếp cận vì họ e ngại, nhưng điều đó cũng giúp tôi biết được ai mới là người thật lòng với mình. 


- Đã bao giờ một Lê Thị Bằng mạnh mẽ như thế này bật khóc vì chuyện tình cảm hoặc trong thi đấu chưa? 

Tôi cũng hay khóc lắm. Nhưng tôi hay khóc nhất là khi xem các bộ phim hoạt hình. Còn khi thi đấu thì tôi không bao giờ khóc, ngay cả lúc thất bại và chịu đựng đòn đau của đối thủ. 

- Một cô gái lạnh lùng như thế lại có thể chảy nước mắt vì phim hoạt hình. Thật không thể tin nổi? 

Tôi cực kỳ yêu thích động vật, nhìn những con vật thật đáng yêu, tôi ngắm hoài không chán. Mỗi lúc rảnh khi không tập luyện và thi đấu, tôi đều lên mạng chỉ để xem phim hoạt hình và các chương trình thế giới động vật. Tôi như hóa thân vào nhân vật trong phim và đồng cảm với nó. 


- Có bao giờ Bằng nghĩ, mình đã sai lầm khi theo môn Boxing, vì phải đánh đổi quá nhiều thứ? 

Tất nhiên, không có gì không phải đánh đổi. Tôi phải sống xa gia đình, hàng ngày chỉ nghĩ đến tập luyện và thi đấu. Ngay cả nhan sắc của một người con gái cũng phải hy sinh. Nhưng tôi đam mê võ từ bé, và đến bây giờ nghiệp võ đã ngấm vào máu của mình. Từ khi đến với quyền Anh, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ. Ngay cả khi giải nghệ, tôi sẽ vẫn tiếp tục đồng hành cùng môn này. 

- Điều gì khiến một cô gái ngay từ bé đã thích đến võ thuật rồi, nhất là boxing vốn được mặc định cho phái mạnh? 

Hồi nhỏ, tôi rất mê truyện tranh của Nhật Bản, trong đó có các thế võ của môn Judo. Thế là, tôi học theo các tư thế trong truyện và tập mỗi ngày. Đến năm lớp 8, có lần cãi nhau với một bạn trai trong lớp, cậu ấy chửi tôi thậm tệ lắm, lại đụng đến cả bố mẹ mình, tôi tức quá thế là sử dụng những thế đòn mình đã tập luyện. Ai dè, do ra tay nặng quá khiến cậu ấy bị gãy tay luôn. 

Đến năm hết lớp 9, trường có cử tôi đi dự tuyển bóng chuyền ở tỉnh, nhưng không đạt vì chiều cao khiêm tốn. Với lại, tôi cũng không thích bóng chuyền, nên trốn sang thi tuyển quyền Anh và được nhận. Nhưng sau mấy ngày tập, vì khuôn mặt sưng húp nên không thể giấu bố mẹ nữa. Sau bố mẹ cũng đồng ý để tôi theo nghiệp võ. 


- Bằng vừa bảo tập luyện môn này các cô gái phải hy sinh nhan sắc của mình, thế thì có bất ngờ không khi Bằng và một số đồng đội khác được mệnh danh là những "mỹ nhân" làng võ? 

Đúng là bất ngờ thật, vì đã chơi môn này thì không bao giờ dám nghĩ đến chuyện đẹp hay xấu. Mỗi ngày, từ tập luyện đến thi đấu khuôn mặt luôn bị biến dạng bởi những đòn đánh. Ngay cả khi tập luyện cũng giơ mặt ra cho đồng đội tấn công nhằm rèn luyện ý chí cũng như khả năng chịu đòn. Điểm mạnh nhất của tôi chính là sự lì đòn, và vì thế khuôn mặt cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện nhan sắc cả. 

- Khả năng chịu đòn của Lê Thị Bằng vốn đã rất nổi tiếng rồi, kỷ niệm đáng nhớ nhất của Bằng là ở trận đấu nào? 

Đó là một trận đấu diễn ra ở châu Âu, tôi bị đối thủ húc đầu vào mặt khiến cho bầm dập, máu mắt, máu mũi chảy ra ròng ròng. Trọng tài nói tôi không thể tiếp tục thi đấu nữa, nhưng tôi vẫn đứng vững và yêu cầu có thể tiếp tục chơi tiếp. Trọng tài nhìn tôi ái ngại, nhưng vẫn cho trận đấu tiếp tục. Sau đó, tôi cố gắng di chuyển và tránh để đối thủ húc đầu, cầm cự được đến phút cuối và giành chiến thắng. Điểm mạnh nhất của tôi chính là khả năng chịu đòn đau, chấp nhận để đối thủ đánh, và phản công. Mayweather chính là võ sỹ thần tượng của tôi vì có lối đánh tương tự. 


- Ở môn boxing, Lê Thị Bằng được xem là ngôi sao sáng nhất Việt Nam. Mục tiêu tiếp theo của Bằng sau tấm HCV SEA Games là gì? 

Tôi đã giành HCB Asiad và HCV SEA Games, thế nên mục tiêu tiếp theo sẽ là giành suất dự Olympic. Với một VĐV Boxing ở Việt Nam, điều này không hề dễ dàng vì gặp nhiều điều kiện khó khăn khi ra thế giới, bởi chúng tôi có quá ít giải đấu và cơ hội được cọ xát quốc tế. Những trận đấu ở giải trong nước thì không có những đối thủ mạnh, tôi toàn phải thi đấu với đồng đội ở hạng cân cao hơn. Với một môn đối kháng thì được cọ xát là rất quan trọng, nhưng dù sao tôi cũng sẽ cố gắng để hoàn thành mục tiêu của mình. 

Xin cảm ơn Bằng!