HLV Miura và điệp khúc "thử, sửa sai và vẫn thử"

Thể thao 24h, Theo 20:16 16/01/2016

Ông Miura từng thử, sai và phải sửa sai. Thế nhưng cái sai y hệt lại lặp lại, và ông tiếp tục lại sửa sai. Vấn đề là cái giá phải trả quá đắt và giờ thì ông không còn cơ hội làm lại nữa, với quan điểm và cách làm khó hiểu mình…


"Thật không thể tin nổi!"

Nếu sau trận đấu với U.23 Jordan, HLV Miura mất ngủ và nằm một mình vắt tay lên trán, có lẽ ông sẽ rất tiếc nuối và đau. Có thể, chính ông sẽ tự đặt ra những câu hỏi với mình, rằng "giá như…".

HLV Miura và điệp khúc thử, sửa sai và vẫn thử - Ảnh 1.

Giá như ông sử dụng Hồng Duy, Mạnh Hùng ngay từ đầu thay vì xếp một tiền vệ trụ như Hữu Dũng đá tiền vệ cánh phải còn tiền vệ Tấn Tài thì chơi hậu vệ phải trong khi cầu thủ chuyên chạy cánh lại đá được mỗi chân phải như Thanh Hiền bị ấn sang cánh trái, có thể thế trận đã không đến nỗi lép vế, do U.23 VN loạn đội hình và mất phương hướng như thế.

Và giá như trận đấu chỉ diễn ra trong vòng 10 phút cuối trận, như những gì các cầu thủ áo đỏ chơi được thời điểm không còn gì để mất và có những thay đổi như đáng lẽ phải thế, U.23 VN có thể đã chơi khác? Ông Miura chắc chắn có cớ để tiếc, để phải trằn trọc, khi chính ông đã nhận ra sai lầm trong trận đấu, đã thay đổi nhưng tiếc thay, nó quá muộn.

Vẫn phong cách ấy, vẫn con người ấy, ông thầy người Nhật lại tiếp tục chơi cái trò "đuổi hình, bắt chữ". Trò chơi đoán và xếp đội hình ra sân khiến tất cả thấp thỏm trước giờ bóng lăn rồi "té ngửa" sau những phút đầu nhập cuộc.

Vẫn là vấn đề cũ, được chỉ ra nhiều lần: Đội hình bị xáo trộn, xoay tua và nhiều cầu thủ phải đá trái vị trí sở trường. Hữu Dũng vốn có sở trường đá tiền vệ trung tâm bị dạt sang cánh. Thanh Hiền phải "nhường" cánh phải cho Tấn Tài, cầu thủ xuất thân từ tiền vệ trụ, để trấn giữ cánh đối diện.

HLV Miura và điệp khúc thử, sửa sai và vẫn thử - Ảnh 2.

Đã thế, ông còn trao chiếc băng đội trưởng cho Hữu Dũng, cầu thủ trẻ mà ở Thanh Hoá chưa từng được giao gánh vác trọng trách hay làm điểm tựa tinh thần lẫn chuyên môn cho đồng đội.Thế nhưng với HLV Miura, tất cả đều có thể xảy ra. Với ông thầy người Nhật, thật kỳ lạ là khi trái bóng bắt đầu lăn, mọi phạm trù cơ bản của một trận đấu như đội hình thi đấu, sơ đồ chiến thuật và kể cả chiếc băng đội trưởng… mới lộ diện.

U.23 VN đã không cho thấy sự chuẩn bị hay sẵn sàng cho VCK U.23 châu Á. Hệ quả tất yếu, đội bị vỡ và lâm vào tình trạng loạn. Chính U.23 Jordan đã chỉ ra cái sai cho ông thầy người Nhật, khi những vị trí trọng yếu mà ông thầy này thử đều phản tác dụng rồi chính ông nhìn thấy, phải thay đổi. Đội trưởng Hữu Dũng cùng Tấn Tài bị thay ra, trám vào đó là những cầu thủ đá đúng vị trí sở trường là Hồng Duy, Mạnh Hùng. Sai và sửa sai nhưng không kịp để xoay chuyển, để các học trò sửa sai cho chính ông thầy của mình.

10 phút cuối trận thôi cũng đủ để ông thầy người Nhật nhắc đến chữ "Nếu…". Thế nhưng "với một chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào một cái chai" và tất cả đã quá muộn, khi HLV Miura không thể sửa sai, do ngay từ đầu ông đã sai cái sai từng mắc phải.

Vòng tròn luẩn quẩn

Không chỉ trận đấu với U.23 Jordan mới vấn đề và phong cách đặc trưng của vị HLV người Nhật này. Sai phải sửa rồi vẫn lại sai, đó là một đặc tính trong cách cầm quân của HLV Miura. Nó chẳng khác nào một vòng tròn luẩn quẩn, có điểm đầu mà không có điểm kết. Cái vòng xuất hiện gần 2 năm nay, kể từ khi vị HLV này lên cầm quân ở các ĐTVN và để tìm ra những ví dụ điển hình thì không quá khó.

Trận đấu với Thái Lan trên sân Mỹ Đình ở VL World Cup 2018, ông thầy người Nhật bố trí đội hình lạ lẫm 3-5-2 với Tiến Duy bị xếp trái kèo ở hàng thủ 3 trung vệ còn Thanh Hiền bị đẩy lên đá tiền vệ biên. Ông nhanh chóng nhận ra cái sai chết người này để rồi sửa sai sau giờ nghỉ bằng Công Phượng, Huy Toàn nhưng sự thay đổi chỉ đến về mặt thế trận và việc thể hiện khả năng của cầu thủ chứ không lật ngược được tình thế.

HLV Miura và điệp khúc thử, sửa sai và vẫn thử - Ảnh 3.

U.23 Jordan mạnh, toàn diện hơn U.23 VN nên việc họ thắng là bình thường. Vấn đề là cách thua của thầy trò HLV Miura, cách mà đội bóng của chúng ta chuẩn bị rồi làm khó mình với những quyết định khó hiểu trong dùng người, xếp đội hình, cơ bản cũng giống như những gì diễn ra ở SEA Games 2015, khi U.23 VN thất bại nuối tiếc, đau đớn ở bán kết. Và những gì ông Miura làm, nó là sự lặp lại của những sai lầm, sửa sai và thất bại trong ấm ức.

Chỉ HLV Miura mới hiểu ông đã và muốn làm gì. Tuy nhiên, có như thế mới đúng "phong cách Miura", khi chính ông cứ lặp lại cái vòng luẩn quẩn của mình và thua trong sự khó hiểu lẫn ấm ức.