Đại chiến Wenger - Mourinho: Kẻ bá đạo gặp ông già nhân đạo

Bongdaplus, Theo 14:02 26/04/2015

Cuộc đại chiến giữa Arsenal và Chelsea tại vòng 34 diễn ra ngày 26/4 tới nhiều khả năng sẽ là trận chung kết của Premier League 2014/15.

Ở Wenger là hồn tính lãng mạn của người Pháp, ở Mourinho là sự thực dụng chính hiệu người Bồ.
Ở Wenger là hồn tính lãng mạn của người Pháp, ở Mourinho là sự thực dụng chính hiệu người Bồ.

Bên cạnh sự kịch tính trên sân cỏ, người hâm mộ còn mong chờ 1 cuộc chiến giữa 2 vị HLV danh tiếng Arsene Wenger va Jose Mourinho. Khó có một cuộc so tài nào mang nhiều màu sắc tương phản như Wenger - Mourinho. Khi nói về họ, ta nói về 2 tính cách, 2 bản ngã hoàn toàn khác biệt, như mặt trăng với mặt trời.

Lãng mạn một màu và thực dụng sống động

Wenger là lá cờ đầu của trường phái lãng mạn. Mấy chục năm trôi qua, Wenger có già hơn, gương mặt nhuốm phong sương hơn nhưng triết lý bóng đá vẫn không hề thay đổi. Có thể nó bao phen khiến ông lao đao, bao lần khiến ông thất bại, nhưng niềm tin vào bóng đá lãng mạn nơi ông vẫn không hề suy chuyển.

Có những lúc ta ngỡ như Arsenal sẽ thay đổi, như khi họ trình diễn thứ bóng đá thực dụng để đánh bại Man City hồi đầu năm, nhưng đấy vẫn chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua. Bởi Wenger ngay lập tức kéo Arsenal trở lại với con đường cũ, một con đường mà ông sẵn sàng gục ngã trên đó.

Mourinho là tổ sư phòng ngự. Là trợ lý của 2 HLV thiên về tấn công là Sir Bobby Robson và Louis van Gaal, Mourinho lại cầm quan theo một đường hướng rất riêng. Dù đã đến những CLB nổi tiếng đá tấn công cống hiến như Inter Milan hay Real Madrid, Mourinho vẫn không thay đổi triết lý của mình. Ngược lại, ông còn áp suy nghĩ thực dụng ấy ngược lại lên những đội bóng.



Theo thời gian, đội bóng của Mourinho ngày càng ghi nhiều bàn hơn, mảng miếng tấn công đa dạng hơn, nhưng cứ bước vào những trận đấu lớn, đường vào khung thành của Mourinho sẽ được bịt kín và Mourinho chỉ cần một đòn phản công chớp nhoáng là kết liễu trận đấu.

Wenger là HLV của những ngày tháng cũ, những bộ vest rộng, sẫm màu, làm việc theo phong cách cũ. Mourinho là đại diện cho một thế hệ HLV mới, không chỉ cầm quân giỏi mà còn ăn mặc rất mốt. Ông là gương mặt được nhiều tạp chí săn đón. Có một lần ông lên Esquire, ăn mặc và diễn xuất chả thua gì người mẫu chuyên nghiệp.

Wenger là HLV “một màu”, ông ra sân, cầm quân và rất ít khi xuống tận đường pitch để chỉ đạo các cầu thủ. Mourinho ngược lại, cực kỳ sống động. Ông luôn ra những chỉ thị nóng, sẵn sàng gây áp lực lên trọng tài, sẵn sàng... giấu quả bóng để cầu thủ đối phương không thực hiện được những pha ném biên nhanh. Khi còn ở Bồ Đào Nha, ông... ôm luôn cầu thủ đối phương để anh ta không thể đưa bóng vào cuộc trong một pha phản công. Wenger sẽ làm mọi thứ để giữ cốt cách của một bậc tôn sư, Mourinho sẽ làm mọi cách để thắng.

"Người tình già" đối đầu "Kẻ du mục"

Mourinho là HLV của những kế hoạch ngắn hạn, chưa bao giờ ông ở CLB nào quá 5 năm. Wenger là người thích buộc chặt đời mình với đội bóng, nhìn nó phát triển, nhìn những mầm non trưởng thành. Ông từng nói để phán xét một HLV, cứ phải sau 5 năm mới nói chuyện. Vì cách suy nghĩ ấy mà Wenger đang là HLV thâm niên nhất giải Ngoại hạnh Anh hiện tại.


Họ là những đối thủ với phong cách trái ngược

Ngược lại, đây đã là lần thứ 2 Mourinho dẫn dắt cho Chelsea. Chen giữa 2 lần ấy là những cuộc phiêu lưu ở Italia với Inter Milan, ở Tây Ban Nha với Real Madrid. Trước đó, Mourinho khởi nghiệp ở Bồ Đào Nha cùng với 3 đội bóng: Benfica, Uniao de Leira và Porto.

Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu Wenger giải nghệ tại Arsenal, theo cách mà Sir Alex Ferguson từng làm với M.U. Càng không ngạc nhiên khi sau Chelsea, Mourinho tiếp tục rong ruổi trên chặng đường chinh phục. Với Wenger, thử thách không nhất thiết phải đi liền với sự xê dịch. Với Mourinho, ở yên một chỗ mấy chục năm trời như Wenger thì chả khác gì... tra tấn.

Mourinho là “ông Vua bá đạo”, không ngừng nghĩ ra những chiêu trò mới, những lời nói sắc bén mới để châm chích và tấn công đối phương. Kinh nghiệm làm việc với nhiều cầu thủ ngôi sao, những bầu không khí đặc thù trong phòng thay quần áo đã khiến Mourinho trở nên thận trọng và lọc lõi về chính trị.

Ngày trở lại Chelsea, ông bán ngay Juan Mata, cầu thủ hay nhất Chelsea suốt những năm trước đó, như một cách thể hiện cái tôi và uy quyền. Ông đã tống khứ biểu tượng Raul Gonzalez của Real sang Đức, giam Iker Casillas lên ghế dự bị, trù dập Sergio Ramos và chửi bới Cristiano Ronaldo. Nhân đạo với quyền lực cầu thủ là tàn nhẫn với chính bản thân mình.

Còn Wenger thì theo phương châm “thà người phụ ta chứ ta không phụ người”. Từ sau Thierry Henry, cứ một đến vài năm là Wenger lại phải chia tay người thủ quân, chứng kiến cảnh “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Những Cesc Fabregas, Robin van Persie, Emmanuel Adebayor, Samir Nasri, Alexander Hleb, Alexander Song... đều đến Arsenal như những kẻ vô danh, nhưng đều rời bỏ Wenger để đi kiếm tìm danh hiệu.

Wenger như một người tình... già chung thủy, không một lời trách cứ. Ông cũng không vì thế mà cay nghiệt với những người ở lại. Ông kiên nhẫn với Aaron Ramsey dù anh bị gãy chân, ông vừa đề nghị Abou Diaby ký hợp đồng mới dù cả năm trời anh chả cống hiến được gì.

Mourinho và Wenger: cuộc thư hùng giữa 2 đối thủ hoàn toàn khác biệt và sự tương phản ấy chính là điểm nhấn của derby London!