Còn gì đáng tự hào khi Man United đại chiến Liverpool?

Thái Học , Theo Trí Thức Trẻ 09:18 22/03/2015

Nếu Steven Gerrard không có tên trong đội hình xuất phát hôm nay, trận đại chiến giữa Liverpool và Man United sẽ xuất hiện một cột mốc rất buồn.


Liverpool vs Man United có thể vẫn nóng bỏng, kịch tính, nhưng đã không còn bản sắc.

1. Để có thể tự đưa ra một đánh giá về giá trị của cột mốc buồn nếu Steven Gerrard không xuất hiện, trước tiên hãy tham khảo một câu chuyện của quá khứ, xoay quanh mối thâm thù giữa 2 thành phố Liverpool và Manchester. 

Trong lịch sử cả trăm năm về trước, Liverpool và Manchester là hai thành phố cạnh tranh nhau tóe lửa vị thế uy quyền tối cao của vùng Tây Bắc. Tất nhiên, họ cạnh tranh về mặt kinh tế. 

Manchester nổi tiếng về năng lực sản xuất, trong khi đó Liverpool có lợi thế về địa lý đặc thù của một cảng trung chuyển hàng hóa. Để phá vỡ thế độc tôn này, chính quyền Manchester cho xây riêng cảng Manchester Ship Canal. Có nghĩa là hàng hóa thay vì qua trạm trung chuyển Liverpool, có thể chạy một mạch đến Manchester thông qua đường biển.

Mối thâm thù giữa 2 thành phố này bắt đầu bùng lên từ thời điểm đó, chính xác là năm 1894. Hàng loạt người lao động ở vùng cảng Liverpool mất việc làm vì số lượng tàu cập cảng giảm từng ngày. Tuy nhiên, dù mất việc làm, người Liverpool vào thời điểm đó nhất quyết không chịu hành hương đến Manchester kiếm miếng cơm. 

2. Trở lại câu chuyện với Gerrard. 

Nếu tiền vệ đội trưởng huyền thoại này không có tên trong đội hình xuất phát của The Kop thì đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Premier League, trận đại chiến giữa Liverpool và Man United không xuất hiện một cầu thủ bản địa nào. Yếu tố bản địa được xác định dựa trên định nghĩa “những cầu thủ sinh ra và lớn lên trong phạm vi 30 dặm xung quanh SVĐ của Liverpool và Man United”.

Trong quá khứ, ngoài Steven Gerrard, những cầu thủ đại diện cho tinh thần địa phương của 2 CLB có thể kể đến rất nhiều nhân vật nổi tiếng: Jamie Carragher, Steve McManaman, Robbie Fowler, Paul Scholes, Gary, Phil Neville, Nicky Butt hay mới nhất là Danny Welbeck. Họ chính là những đại diện cho lòng tự hào của 2 thành phố, giống hệt như câu chuyện ngày xưa, khi những công nhân dù mất việc cũng giữ niềm tự hào với thành phố của mình.

Nhưng dòng chảy bóng đá đã cuốn đi cả những niềm tự hào tưởng như là cơ bản nhất. Liverpool và Man United hôm nay sẽ đưa ra sân những cầu thủ thi đấu đơn thuần là vì điểm số, thứ hạng. Tất nhiên đó là những nhu cầu chính đáng, nhưng một trận đấu từng được coi là cuộc chạm trán đại diện cho sự phồn thịnh, cho bộ mặt của một nền bóng đá, thì những giá trị cạnh tranh không thể chỉ xoay quanh câu chuyện cơm, áo, gạo, tiền được.



Nó cần cả giá trị bản sắc nữa. Khi Liverpool gặp Man United trước đây, người ta sẽ nói về câu chuyện Steven Gerrard đưa CĐV đi tham quan nhà riêng của mình bằng máy quay. Anh quay bộ sưu tập áo đấu hoành tráng của mình, nhưng không có áo Man United ở trong đó. Người ta sẽ nói về màn ăn mừng bàn thắng như điên dại của Gary Neville trước đông đảo CĐV The Kop năm 2006.

Nếu không có trong mình dòng máu bản địa, sự tự hào với thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên, những cảm xúc đó sẽ không bao giờ tồn tại. Hôm nay, cho dù Juan Mata, Di Maria, Fellaini ghi bàn, họ có thể ăn mừng, nhưng không thể bằng cảm giác thỏa mãn cuộn chảy trong dòng máu.

Trận đại chiến hôm nay dù có thể hấp dẫn về mặt chuyên môn, khi Liverpool đang bay rất cao kể từ đầu năm 2015, nhưng nó sẽ mất đi chân giá trị còn quan trọng hơn gấp bội đối với một trận đại chiến: Bản sắc.