Chặng đường cải cách 12 năm để lên đỉnh vinh quang của người Đức

Tuyết Ngọc, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 17/07/2014

Sau 2 thất bại liên tiếp ở Euro 1998 và World Cup 2002, người Đức đã thực hiện một cuộc cách mạng bóng đá và sau 12 năm, những nỗ lực không ngừng của dân tộc ấy đã được đền đáp xứng đáng.

Cách đây 12 năm trước, người Đức đã gục ngã ở trận Chung kết World Cup trước đội bóng xứ sở Samba hùng mạnh khi đó. World Cup 2006 trên sân nhà, Những cỗ xe tăng lại để thua nghiệt ngã trước kình địch Ý bằng những bàn thắng ở hiệp phụ cuối cùng. Bán kết World Cup 2014, trên sân vận động Helo Hirozonte, Đội tuyển Đức khiến cả thế giới bàng hoàng khi đả bại đội chủ nhà Brazil với tỷ số không tưởng 7-1. Mùa hè 2014, Die Mannschaft cuối cùng cũng giành được chiếc cúp vàng danh giá. Đức bước lên đỉnh thế giới. Vậy đâu chính là nguyên nhân khiến người Đức quay trở lại ngôi vương của bóng đá thế giới?
 
Đội tưởng Philipp Lahm nâng cao chiếc cúp vàng của Đội tuyển Đức sau 24 năm chờ đợi.

Sau khi vô địch Euro 1996, bóng đá Đức rơi vào khủng hoảng, 2 giải đấu lớn liên tiếp sau đó là World Cup 1998 và Euro 2000, họ thi đấu bạc nhược và bị loại sớm. Đó thực sự cú đánh mạnh cảnh tỉnh người Đức. Họ cần phải thay đổi! 

Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đã đi tìm hiểu cách làm bóng đá khắp thế giới và họ nhận ra rằng, đầu tư cho công tác đào tạo tài năng trẻ chính là chìa khóa để thành công. 

Hàng loạt những thay đổi đã được đưa ra. Hơn 1.000 trung tâm huấn luyện cầu thủ trẻ trên khắp nước Đức được xây dựng. Bất cứ đội bóng thi đấu chuyên nghiệp nào cũng phải có lò đào tạo riêng. Hàng loạt những cải cách thay đổi nhưng tính kỷ luật vẫn được đặt lên hàng đầu. Triết lý bóng đá cũng được đổi mới, Jurgen Klinsmann lên nắm quyền huấn luyện viên trưởng của Đội tuyển Đức, với ý tưởng xây dựng lối đá tấn công mềm mại. Hình ảnh Những cỗ xe tăng lầm lì đã hoàn toàn được trút bỏ.

Jurgen Klinsmann và Joachim Loew tại World Cup 2006.

Người tiếp nối con đường của Klinsmann Joachim Loew, một huấn luyện viên hoàn toàn vô danh và thậm chí còn đang thất nghiệp khi được gọi làm trợ lý của Klinsmann. Những giải đấu sau đó, Đội tuyển Đức tiếp tục không có danh hiệu khi chỉ về nhì, về ba nhưng họ không từ bỏ con đường mà mình đã lựa chọn. Lối chơi đẹp nhưng không mang đến danh hiệu thì không còn ý nghĩa. Sau Euro 2012, Loew lại phải nhận hàng loạt chỉ trích, nhiều người lo lắng cho vị trí của ông. Loew không cá tính như Mourinho cũng chẳng cáo già như Van Gaal, điều ông đã tốt nhất đó là tiếp nhận ý kiến và thay đổi lối chơi hợp lý hơn.

Đội tuyển Đức nhiều lần vấp ngã nhưng họ đã đứng lên và kiên định với con đường của mình.

Cuộc cách mạng bóng đá của Đức đã mang lại quả ngọt. Những tài năng của họ lần lượt khẳng định tên tuổi. Khi Philipp Lahm, Bastian Schweinsteiger, Lukas Podolski... còn chưa già thì lớp cầu thủ tài năng trẻ như Thomas Muller, Mesut Ozil, Mats Hummels... đã vào độ chín. Những ngôi sao mới nổi khác như Andre Schurrle, Mario Gotze, Reus... cũng bước ra thế giới. 

Giờ đây có đội bóng nào là không thèm khát những tài năng của bóng đá Đức? Cầu thủ Đức chơi bóng với kỹ thuật và sự sáng tạo, nhưng cũng không kém phần kỷ luật. Đội tuyển Đức có lối đá mềm mại, hoa mỹ không kém bất cứ đội bóng nào. Và danh hiệu World Cup 2014 của Đức, như nhiều chuyên gia nhận xét, rất có thể chỉ là sự bắt đầu cho kỉ nguyên thống trị của bóng đá Đức, thay thế vị trí của Tây Ban Nha với lối đá tiki-taka đã lỗi thời.

World Cup 2014 sẽ là sự bắt đầu cho kỉ nguyên của người Đức?

Cuộc cách mạng của người Đức đã mang lại thành công, và chúng ta sẽ cùng chờ xem Đội tuyển Đức trong tương lai có thể lặp lại điều kì diệu của những huyền thoại Tây Đức đã làm được hay không.