Ca sỹ Hoàng Bách: "Công Phượng cần một chuyên gia tâm lý"

Thiên Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 07:55 26/03/2015

Ca sỹ Hoàng Bách đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở xung quanh Công Phượng, HAGL và Olympic Việt Nam trước thềm vòng loại U23 châu Á sắp diễn ra.

- Yêu mến và theo dõi sát sao bóng đá Việt Nam, anh có đánh giá như thế nào về bước chuẩn bị của Olympic Việt Nam dưới thời HLV Miura? 

- Trước những đối thủ ở vòng loại U23 châu Á như thế thì về mặt thời gian chuẩn bị, những trận đấu giao hữu như vậy thì tôi nghĩ là đủ. Nhưng đội tuyển Olympic Việt Nam với hơn 1/3 cầu thủ từ HAGL làm nòng cốt, bây giờ lại thay đổi một lối đá khác theo triết lý hoàn toàn khác của ông Miura. Các cầu thủ HAGL vốn đã chơi cùng nhau nhiều năm theo một lối đá đặc trưng, họ cũng chưa có nhiều thời gian để cọ xát với bên ngoài. Thế nên, tôi vẫn còn một nỗi lo lắng khi chứng kiến các cầu thủ HAGL chưa thể hòa nhập và thể hiện được nhiều cùng các cầu thủ khác. Lối chơi của đội tuyển lúc này cũng chưa được định hình một cách rõ ràng giữa phòng ngự - phản công. Kiểm soát bóng hay là đá biên. Đó là điều tôi còn lo lắng về đội tuyển  trước khi bước vào giải đấu chính thức. 

Ca sỹ Hoàng Bách cảm thấy có phần lo lắng khi đội tuyển Olympic Việt Nam vẫn chưa tạo dựng được lối chơi rõ ràng.

- Vậy theo anh, chúng ta nên xây dựng một đội tuyển dựa trên lối đá của HAGL và có sự bổ sung thêm của một số cầu thủ từ các CLB khác, thay vì triết lý bóng đá khác biệt như của ông Miura? 

- Đấy là lo lắng của tôi khi lối chơi của đội chưa được định hình vì lý do khách quan, chứ tôi hoàn toàn đồng ý khi các cầu thủ của HAGL cần phải được cọ xát trong một môi trường mới. Chúng ta không thể yêu cầu mười mấy cầu thủ ấy luôn đá cùng nhau, cũng không thể cứ bao bọc họ trong nhung lụa. Họ cần bước ra ngoài và đối mặt với những thử thách như thế mới thực sự cứng cáp và trưởng thành. Đây là điều ngay cả những người không làm chuyên môn cũng hiểu rõ. Chúng ta cần bình tĩnh và chấp nhận chờ đợi quãng thời gian các em còn bỡ ngỡ để hòa nhập với môi trường mới như lúc này. Các cầu thủ khi đá ở U19 sẽ khác với khi đá ở độ tuổi Olympic. Mọi người đều thấy, cầu thủ HAGL đã khó khăn như thế nào ở V.League vừa qua, bởi ở đấu trường bóng đá chuyên nghiệp khác hoàn toàn, và các cầu thủ phải làm quen với điều đó. 

- Anh từng ra tận sân Mỹ Đình để cổ vũ cho U19 Việt Nam ở giải U19 Đông Nam Á 2014. Anh đánh giá cao cầu thủ nào nhất, và theo anh khả năng hòa nhập của cầu thủ này ở đội tuyển Olympic Việt Nam như thế nào? 

Ngay tại sân Mỹ Đình hôm ấy, khi tất cả mọi người đều đánh giá cao Công Phượng, thì trả lời một kênh truyền hình lúc đó tôi đã chỉ ngay tiền vệ Tuấn Anh. Tôi nhìn thấy ở cầu thủ này tư duy bóng đá hiện đại. Tuấn Anh mang dáng dấp của cả Kaka lẫn Pirlo, và tôi tin cậu ấy sẽ có thể hòa nhập được với mọi môi trường bóng đá khác nhau. Tuấn Anh sẽ sớm vươn đến tầm của Minh Phương hoặc xa hơn thế nữa. 

- Còn về Công Phượng thì sao, có vẻ như cậu ấy vẫn chưa thể vượt qua được áp lực của dư luận? 

- Với một cầu thủ mới bước qua tuổi 20 như Công Phượng, thì áp lực dư luận quả thực ảnh hưởng rất lớn đến chuyên môn. Mọi người cần nhớ rằng, Công Phượng trước đó chỉ sống trong môi trường được bao bọc bởi HAGL, cậu ấy chưa biết gì về bên ngoài, nhưng khi vừa bước chân ra đã dính đủ thị phị trong 1 năm qua. Sức ép là rất nặng nề, và quả thực đôi lúc vượt quá sức chịu đựng của một cầu thủ còn trẻ. Tôi không dám đưa ra đề nghị hay lời khuyên gì nhưng đối với dư luận và người hâm mộ hãy yêu một cách văn minh, có chừng mực để các em tiếp tục cống hiến vì màu cờ sắc áo của bóng đá Việt Nam. Đừng thấy hôm nay em ấy đá hay, đá đẹp, rồi kỳ vọng mỗi khi ra sân em ấy phải trình diễn kiểu bóng đá như vậy. 


"Công Phượng cần một người quản lý, hoặc ông bầu, chuyên gia tâm lý bên cạnh giúp Phượng vượt qua khó khăn lúc này"

- Là một người hoạt động trong môi trường giải trí, vốn đầy rẫy thị phi. Anh có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ với cá nhân Công Phượng, để cậu ấy vượt qua được thời điểm khó khăn như lúc này? 

- Một số đồng nghiệp của tôi cũng gặp tình trạng như thế, đôi lúc cảm thấy muốn buông xuôi mọi thứ. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, phải nhắm mắt không để ý mà tập trung vào mục tiêu của mình. Công Phượng bây giờ phải xác định rõ ràng giữa 2 lựa chọn: Hoặc tiếp tục cống hiến vì đam mê của mình để thành cầu thủ chuyên nghiệp, hoặc là chấp nhận đầu hàng. Tôi tin, một cầu thủ được đào tạo bài bản, lại có phẩm chất chuyên môn hiếm có như Phượng sẽ tự biết cách vượt qua. Nhưng thời điểm này Phượng đang rất cần có một người quản lý, ông bầu hoặc chuyên gia tâm lý ở bên cạnh bảo vệ, chia sẻ và chỉ cho em cách làm như thế nào là tốt nhất. 

- Anh có kỳ vọng ở vòng loại U23 châu Á, thầy trò HLV Miura sẽ làm nên chuyện? 

- Tôi vẫn tin ở ông Miura, bởi những gì ông ấy đã làm được cùng ĐTQG. Ông ấy đã xây dựng cho đội tuyển một lối chơi đẹp mắt với ý đồ rõ ràng theo hướng của bóng đá hiện đại. Dẫu vậy, tôi nghĩ chúng ta không nên quá kỳ vọng vào thành tích ở giải đấu tới đây. Nếu như, đội tuyển có không vượt qua vòng loại và thất bại thì đó là chuyện bình thường. Bóng đá là cuộc đua đường dài, chứ không phải một, hai tháng, nhất là đội tuyển lúc này là đội tuyển trẻ và chỉ mới tập trung gần đây. Hãy nhìn xem, ở khu vực Đông Nam Á này có đội bóng nào thành công liên tục đâu. Ngay cả Thái Lan, sau thế hệ Kiatisuk, dù được đầu tư lớn và xây dựng có hệ thống bài bản, họ cũng mất tới 12 năm mới trở lại lên ngôi vô địch AFF Cup. Tôi nhớ, ngày trước Thái Lan có CLB Ngân hàng Nông nghiệp vô địch C1 châu Á đấy, nhưng rồi họ cũng có lần nào có thể vươn xa hơn được đâu.



- Sắp tới, khi các cầu thủ Olympic Việt Nam cứng cáp hơn sẽ kết hợp với những cầu thủ từng Asiad 17 như Hồng Quân, Hoàng Thịnh, Huy Hùng... anh có tin chúng ta có thể cạnh tranh HCV SEA Games 28 với Thái Lan? 

 - Thực ra, ngay cả khi không có sự bổ sung thì chúng ta vẫn có thể cạnh tranh được. Vì trình độ các nước trong khu vực Đông Nam Á là khá tương đồng, mà trong một giải đấu cụ thể, chỉ vỏn vẹn 1 tháng thì nhiều yếu tố quyết định đến thành công. 20 năm qua, tương quan lực lượng khi các đội gặp nhau trong khu vực vẫn chỉ là 50-50. Mà nói thật, tôi cũng chán nói về SEA Games hay AFF Cup. Chúng ta vô địch năm 2008, rồi sau đó thế nào. Điều quan trọng để thay đổi nền bóng đá là phải thay đổi tư duy, chứ không thể chỉ quẩn quanh trong "ao làng". 

Tôi nói ví dụ đơn giản thế này. Mỗi năm, các ông bầu, các CLB bỏ cả trăm tỷ đồng vào bóng đá, nhưng đến cái sân bãi cũng chất lượng kém, thậm chí nhiều sân còn thua sân đấu phong trào. Họ không tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, giáo dục cầu thủ... mà lại đi đầu tư hết vào trả tiền lương, thưởng, mua cầu thủ giá cao, thế thì làm sao bóng đá Việt Nam có thể chuyên nghiệp được. Muốn bóng đá Việt Nam thực sự vươn xa, không chỉ trông cậy vào thành tích của một thế hệ, hay chỉ kỳ vọng vào mỗi các cầu thủ U19. 

Tôi cho rằng, các cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh ... đã hoàn thành sứ mệnh truyền cảm hứng cho bóng đá Việt Nam, để mọi người thay đổi phần nào đó tư duy. Ngay cả với các cầu thủ đồng lứa, họ cũng phải suy nghĩ mình sẽ phải ra sân đá như thế nào cho phải. 

Xin cảm anh về cuộc trao đổi thú vị này!