Những người trẻ chẳng bao giờ thảnh thơi: Không phải cứ “bận lắm” là giỏi, tội tình gì lấy đó làm thước đo thành công?

Xã hội tôn vinh sự bận rộn như một con đường chắc chắn đưa người trẻ tới vinh quang và thành công. Bản thân những người trẻ không chắc về con đường đó lắm, nhưng thành công với nhiều người đơn giản là được xã hội công nhận. Và cứ vậy, họ đổ đầy cuộc sống bằng sự bận rộn, bất chấp vô nghĩa hay không. 

Tờ Financial Times có một bài viết với tựa đề: “Tại sao mọi người lại quá bận rộn như vậy?”. Bài báo đã chỉ ra một nghịch lý của cuộc sống hiện đại: Khi cả thế giới đang chuyển mình theo công nghệ, khi nhân viên đòi giảm giờ làm và tăng thêm ngày nghỉ, và thực tế hơn cả, khi chúng ta chẳng cần phải quá bận tâm cho một bữa trưa vì mọi thứ có thể giao sẵn hết, tại sao người ta vẫn kêu rằng không có thời gian và quá bận rộn?

Tôi không đọc hết bài báo vì quá dài nhưng trong đầu vang lên một giai điệu quen thuộc: 

“I’m busy doing nothing

Working the whole day through

Trying to find lots of things not to do”

(Tạm dịch: Tôi chẳng bận rộn gì cả/Cả ngày đều như vậy/Cố gắng tìm một điều gì đó để làm)

Sống với câu cửa miệng “tao bận lắm”, thế hệ trẻ lấy bận rộn làm thước đo của thành công - Ảnh 1.

Nếu hỏi rằng người trẻ chúng tôi có bận rộn thật không, tôi phải trả lời thành thật là có: Không phải ngẫu nhiên người ta viết hàng trăm bài về một thế hệ Millennial kiệt quệ, mệt mỏi. Nhưng chỉ cần đổi câu hỏi rằng: Sự bận rộn ấy có xứng đáng với cuộc sống này không?

Trong một xã hội coi trọng sự bận rộn và lấy đó làm kim chỉ nam cho những người thành công, đôi khi bạn không có lựa chọn nào ngoài việc bận rộn. Hoặc tỏ ra mình bận rộn.

Sống với câu cửa miệng “tao bận lắm”, thế hệ trẻ lấy bận rộn làm thước đo của thành công - Ảnh 2.

Hà Nội gắt gỏng trong cái oi bức mùa hè. Người ta tìm thấy nhau vui vẻ, thoải mái trong những quán bia sau giờ làm. Thỉnh thoảng có tiếng điện thoại, cậu thanh niên nào đó nhấc máy nhanh rồi nói: “Anh bận lắm, việc công ty nhiều nên ở lại muộn, em cứ ăn cơm trước đi”. Có cậu dí máy vào tận quạt “anh đang đi đường gió lắm, không nghe thấy gì đâu, khi khác nói chuyện nhé”.

Sống với câu cửa miệng “tao bận lắm”, thế hệ trẻ lấy bận rộn làm thước đo của thành công - Ảnh 3.

Có vô vàn lý do cho một cuộc sống bận rộn - những bận rộn “ảo tưởng” hay những thứ na ná sự bận rộn. Bạn tôi quá bận để trả lời tin nhắn điện thoại vì còn đang mải chơi nốt ván game, không lỡ thoát ra. Vài cô cậu học sinh tới lớp học trễ vì sáng còn bận ôm điện thoại cà kê cả nửa tiếng đồng hồ. Không muốn đi chơi: “Xin lỗi tao bận”. Không muốn đi học thêm: “Xin lỗi thầy con bận”. Quá lười để chui ra khỏi phòng điều hòa ra ngoài đường: “Mày ơi tao bận lắm, hôm khác gặp nhé”.

Bận rộn trở thành một cái cớ hoàn hảo để nhiều người thoái thác mọi điều. Chúng ta không ngừng than thở về việc không có thời gian cho bạn bè, gia đình và thậm chí là bản thân nhưng thời gian “bận rộn” lại dành cho Facebook, mạng xã hội, nhậu nhẹt hay những thứ vô nghĩa khác. Kỳ thực, không ai bận rộn đến như vậy cả, chỉ là những thứ đó không phải ưu tiên của mỗi người, dù họ có ra rả về việc: “Tôi muốn có thời gian nhiều hơn cho mình”.

Sống với câu cửa miệng “tao bận lắm”, thế hệ trẻ lấy bận rộn làm thước đo của thành công - Ảnh 4.

Người trẻ không bao giờ thảnh thơi vì chính sự bận rộn “ảo tưởng” của mình. Họ coi việc dành ra vài tiếng cho mỗi ngày trên mạng xã hội là một điều cần thiết, đi uống bia hay la cà quán xá cũng là một công việc cần đánh dấu đàng hoàng trong lịch. Không thể phán xét những thói quen đó là đúng hay sai nhưng rõ ràng, bạn có thể hoàn toàn bỏ nó khỏi cuộc sống bận rộn của mình mà chẳng mất mát gì cả. Chúng ta tưởng mình đang bận rộn nhưng hóa ra, chỉ là nuông chiều bản thân nhưng vẫn không thấy thỏa mãn.

Sống với câu cửa miệng “tao bận lắm”, thế hệ trẻ lấy bận rộn làm thước đo của thành công - Ảnh 5.

Đi cùng với sự bận rộn “ảo tưởng” luôn là một cái giá - những cơ hội vụt mất trong cuộc sống. Bạn có tự hỏi rằng mình được gì sau những bận rộn với Facebook hay ăn uống la cà? Bố mẹ vẫn chờ bạn về vào cuối tuần nhưng lâu rồi chỉ nhận được lời nhắn “Con bận lắm cuối tuần này con không về được”, những mối quan hệ bạn bè thực sự dần rời xa khi bạn vẫn tự hỏi “tại sao khi lớn người ta thường không chơi với nhau nữa”. 

Bạn có hàng trăm giờ lướt Facebook để hiểu về thế giới người khác, nhưng chẳng có lấy một vài phút ngắn ngủi để hiểu bản thân mình.

Ranh giới giữa bận rộn thực và sự nuông chiều bản thân đôi khi rất đỗi mong manh. Hãy thử một lần ngồi nhìn lại xem 24 giờ một ngày đã được chia cho điều gì khiến người trẻ luôn bận rộn: Phải chăng là 3 tiếng trên mạng xã hội, 10 tiếng ngủ và thời gian rảnh còn lại chỉ để nghĩ hôm nay ăn gì, chơi đâu, xem phim nào? Cái giá của sự bận rộn “ảo tưởng” không chỉ nằm ở việc chúng ta bỏ lỡ những trải nghiệm, cơ hội ý nghĩa hơn trong cuộc sống mà còn trong tư tưởng thỏa mãn: Tôi đã có quá đủ thời gian bận rộn rồi, chắc hẳn mọi thứ đã ổn thỏa, không cần thêm công việc hay một điều gì mới mẻ cả. Để được “bận rộn” như vậy, ắt hẳn đã là một “thành công”.

Sống với câu cửa miệng “tao bận lắm”, thế hệ trẻ lấy bận rộn làm thước đo của thành công - Ảnh 6.

Tôi nhớ tới công việc đầu tiên của mình hồi còn sinh viên: Viết các bài website sản phẩm với giá 10 nghìn/bài 1000 từ. Công việc không khó, nhưng “bận”. Mỗi ngày tôi phải viết cả hàng chục bài như vậy, ngày công cũng chỉ có vài trăm nghìn. Nghe có vẻ nhiều nhưng bạn phải nhoài người từ sáng tới tận tối mới có thể hoàn thành KPI. Đến bây giờ, tôi không còn bận với hàng chục bài như vậy mỗi ngày để đổi lại số tiền như vậy; một ngày chỉ cần một bài chất lượng, số tiền tôi kiếm được đã nhiều hơn vậy.

Sống với câu cửa miệng “tao bận lắm”, thế hệ trẻ lấy bận rộn làm thước đo của thành công - Ảnh 7.

Bỏ ngoài các yếu tố kinh nghiệm hay kỹ năng đã thay đổi, tôi chỉ muốn nhìn nhận về sự bận rộn. Nếu chúng ta thành công, đó không hẳn là vì chúng ta bận rộn. Thành công tổng hòa từ nhiều yếu tố và sử dụng thời gian hợp lý là điều kiện quan trọng. Đừng lấy tổng thời gian đem so với tổng thành quả khi thành công và bận rộn chưa bao giờ nằm trong cùng hệ quy chiếu.

Nếu ngày ấy cứ viết những bài theo kiểu xào xáo, 10 nghìn/ bài như vậy, đến giờ tôi vẫn mắc kẹt trong chiếc hố của sự bận rộn tuyệt vọng. Thế giới không vận hành hiệu quả vì chúng ta bận rộn; những kỳ tích xuất hiện khi chúng ta không ngừng thay đổi bản thân và làm việc một cách hiệu quả. Sự bận rộn đôi khi như một vùng an toàn mà không ai dám bước ra ngoài. Steve Jobs là một ví dụ điển hình cho những người luôn dấn thân ra khỏi vùng an toàn của mình. Hết lần này đến lần khác, ông đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới và cả những mô hình kinh doanh chưa từng có mà không cần qua bất kỳ một cuộc thử nghiệm nào trên thị trường. Không ai chắc chắn mỗi chiến dịch của ông đều thành công và nếu thất bại, ông có thể chịu một tổn thất rất lớn cả về tài chính lẫn hình ảnh, nhưng ông vẫn liều lĩnh trải nghiệm những điều mới. 

Vậy tại sao bạn không dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình? Hoặc bạn phải bước hẳn ra khỏi sự bận rộn ảo tưởng của mình để thực sự thành công, hoặc mở rộng vùng an toàn của mình với những điều bận rộn phù hợp. Bận rộn không hứa hẹn thành công cho bất cứ ai, chỉ khi bạn biết kiểm soát sự bận rộn của mình hiệu quả, những chênh vênh và vô vàn câu hỏi “tại sao lúc nào cũng bận rộn?”, “tại sao bận rộn mà không thành công” mới có lời giải. 

Còn trẻ, ai cũng có đầy thời gian, đừng đem sự bận rộn ra so đo với nhau làm chi. Hãy làm cuộc sống mình bận rộn một cách hiệu quả, dấn thân vào những vùng không an toàn để có những trải nghiệm thú vị hơn mỗi ngày. Và hơn hết là để khi về già bạn sẽ không hối tiếc vì tuổi trẻ đã không dấn thân làm điều mình thích.

Sống với câu cửa miệng “tao bận lắm”, thế hệ trẻ lấy bận rộn làm thước đo của thành công - Ảnh 8.
A.D
Nhật Ánh
Theo Trí Thức Trẻ09.07.2019