So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng "tốc độ" trên màn ảnh

Nguyễn Vân, Theo Trí Thức Trẻ 13:00 22/11/2017

Hai Quicksilver, hai Flash nhưng ai mới là người có tốc độ nhanh nhất và tạo ra ấn tượng lớn nhất trong lòng khán giả?

Trên trang giấy, hai hãng truyện tranh Marvel và DC Comics đều có riêng cho mình một nhân vật sở hữu siêu năng lực "ù té chạy". Đó là Quicksilver của Marvel và Flash của DC Comics. Nhưng vì nhiều lí do khách quan, khán giả phim ảnh lại được chứng kiến tới 4 phiên bản khác nhau dựa trên hai nhân vật thú vị này.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 1.

Vẫn giữ nguyên tên gọi và nguồn gốc nhân vật nhưng tùy vào nội dung chính của phim cùng sự giới hạn về bản quyền mà các siêu anh hùng tốc độ ở mỗi phiên bản lại có những điều chỉnh. Và diễn viên, người thể hiện vai diễn trên màn ảnh, chính là nhân tố quan trọng đem lại sự khác biệt giữa các nhân vật tưởng quen mà lạ này.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 2.

Quicksilver và Flash - Ai chạy nhanh hơn vẫn là câu hỏi gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng hâm mộ các siêu anh hùng. Theo tính toán của Rhett Allan trên The Wire, Quicksilver là người nhanh hơn

Pietro Maximoff - Quicksilver

Theo nguyên tác, Quicksilver có tên thật là Pietro Maximoff – con trai của dị nhân có khả năng điều khiển kim loại - Magneto và là anh em song sinh với Scarlet Witch. Nhân vật này xuất hiện lần đầu tiên trong truyện tranh X-Men #4 (phát hành vào tháng 3/1964) và được sáng tạo bởi Stan Lee và Jack Kirby.

Như vậy, siêu sức mạnh mà Quicksilver có được phụ thuộc vào yếu tố di truyền. Nhân vật này được cho là có khả năng chạy nhanh từ khi ra đời (345 m/s). Qua thời gian, khả năng này đã ngày một nâng cao như: chạy vòng quay thế giới với thời gian 91s, chạy vượt tốc độ âm thanh, vỗ tay để bay ở khoảng cách ngắn, chạy trên tường và mặt nước. Thậm chí, là anh có thể thực hiện những rung động phân tử để đi xuyên thời gian.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 3.

Quicksilver là nhân vật "xài chung" của Fox lẫn Marvel

Vì Quicksilver là thành viên của cả hai nhóm X-Men và Avengers nên anh cũng là một trong số ít nhân vật được 20th Century Fox và Marvel sử dụng chung trên màn ảnh. Với điều kiện đặt ra là, không hãng nào được nhắc đến sự liên quan của nhân vật với hãng còn lại.

Quicksilver trong X-Men - Evan Peters

Năm 2014, Qicksilver lần đầu tiên được giới thiệu trên màn ảnh rộng khi xuất hiện trong bộ phim X-Men: Days of Future Past. Do nắm giữ bản quyền X-Men, nên Fox cũng có lợi thế hơn trong việc giữ nguyên những tình tiết quan trọng trong xuất thân của nhân vật.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 4.

Tạo hình cá tính của Quicksilver X-Men

Pietro Maximoff trong phim được xác nhận là con trai của Magneto nhưng hiện tại, anh chàng vẫn sống cùng mẹ ở vùng ngoại ô. Tuy nhiên, sự xuất hiện của người chị em sinh đôi Scarlet Witch vẫn còn là một dấu hỏi chưa có lời giải đáp.

Về tính cách, Quicksilver phiên bản X-Men là một thanh niên mê công nghệ, có khả năng ứng biến trong thời gian ngắn và cũng khá mồm mép, hay đặt ra những câu hỏi làm người đối diện bối rối. Tuy nhiên, tâm lý của nhân vật không được khai thác sâu mà chỉ được xem như là nhân tố tác động đến cốt truyện. Phần lớn thời lượng Quicksilver xuất hiện chỉ để giải cứu hoặc cướp ngục.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 5.

Nhân vật này luôn xuất hiện trong cảnh cứu người và ăn một món gì đó

Về diễn xuất, Evan Peters thể hiện tròn vai một nhân vật lém lỉnh, thông minh nhưng cư xử hơi khác người. Tất cả cũng là do Quicksilver luôn mất kiên nhẫn với người khác, khi họ quá chậm còn anh thì lại quá… nhanh.

Điểm ấn tượng nhất của Quicksilver phiên bản X-Men chính là phân đoạn quay chậm "Time in the Bottle" nổi tiếng. Tính cách nghịch ngợm, sự thông minh và siêu sức mạnh của anh chàng được gói gọn trong vài phút ngắn ngủi nhưng vô cùng đẹp mắt, độc đáo.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 6.

Đây cũng là khoảnh khắc giúp cho phiên bản Quicksilver của X-Men "vượt" mặt phiên bản của chính "mẹ đẻ" Marvel

Trường đoạn của Quicksilver trong "X-Men: Days of Future Past" (Nguồn: YouTube)

Quicksilver trong Avengers: Age of Ultron (2015) - Aaron Taylor-Johnson

Năm 2015, Marvel cũng cho ra mắt phiên bản Quicksilver của riêng mình. Vai diễn này do tài tử người Anh Aaron Taylor-Johnson thể hiện. So với tạo hình ngổ ngáo của Evan Peters, nhân vật Quicksilver của Aaron lại có phần hiền lành, lãng tử và… đẹp trai hơn.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 8.

Siêu anh hùng tốc độ "soái ca" nhất trên màn ảnh

Điểm khác biệt nhất trong phiên bản Marvel chính là nguồn gốc sức mạnh của Quicksilver. Do không thể đề cập tới Magneto nên Marvel đã chỉnh sửa lại xuất thân của nhân vật, biến anh trở thành một người thường. Theo phim, Pietro vì oán hận Tony Starks mà tham gia vào thí nghiệm bí mật của Hydra rồi sở hữu năng lực siêu tốc. Bù lại, phim có đề cập nhắc đến gốc tích Đông Âu và mối quan hệ thân thiết giữa anh với người em Scarlet Witch.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 9.

Nhưng cũng là người có cái kết ngớ ngẩn nhất

Tuy nhiên, mỗi khi nhắc đến chàng Quicksilver đẹp trai này, khán giả lại thở dài ngao ngán trước cái cách Marvel cho nhân vật này ra đi. Dẫu biết rằng, Quicksilver chỉ là người thường được ban cho sức mạnh nhờ sự can thiệp của khoa học nhưng chưa kịp thể hiện gì nhiều, thì anh chàng đã qua đời vì làm bia đỡ đạn cho Hawkeye.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 10.

Và anh đã trở thành "trò cười" cho thiên hạ sau bấy nhiêu năm

Không có màn trình diễn năng lực ấn tượng, bị "khai tử" bằng một viên đạn tầm thường, cho đến nay, Quicksilver của Marvel vẫn bị khán giả đem ra làm trò cười mỉa mai. Diễn xuất của cựu Kick-Ass Aaron Taylor-Johnson là không tệ nhưng đáng tiếc, nhân vật của anh lại trở thành siêu anh hùng có kết cục ngớ ngẩn vì quyết định kỳ lạ của Marvel.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 11.

Thiên hạ đi giữa làn đạn, còn anh thì "ăn đạn"

Barry Allen - The Flash

The Flash là "người đàn ông nhanh nhất" trong thế giới truyện tranh DC Comics. So với Pietro, cuộc đời của Barry phải trải qua khá nhiều sóng gió. Cha bị kết án vì liên quan đến cái chết của mẹ khi Barry còn nhỏ. Điều đó khiến cho Barry luôn nung nấu quyết tâm phải trả lại sự trong sạch cho cha.

Barry có niềm đam mê lớn dành cho hóa học. Khi trưởng thành, anh trở thành nhân viên pháp y của Sở Cảnh sát Central City. Nhưng một ngày nọ, khi đang ở trong phòng thí nghiệm, Barry bị một tia sét đánh trúng và ngã vào các bình hóa chất. Tai nạn này khiến cho Barry Allen từ một người bình thường bỗng trở thành siêu anh hùng có khả năng phản xạ cùng tốc độ cực nhanh. Đặc biệt, anh còn có thể quay trở về quá khứ và tạo ra tác động làm thay đổi nó. Flash chính là người đã tạo ra sự kiện Flashpoint nổi tiếng, làm biến đổi hoàn toàn vũ trụ DC Comics.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 12.

Ezra từng bị phản đối vì ngoại hình có phần nữ tính

The Flash do hai họa sỹ Gardner Fox và Harry Lampert sáng tạo ra và nhân vật này xuất hiện lần đầu tiên trong Flash Comics # 1, phát hành vào ngày 1/1940. Danh hiệu The Flash được kế thừa bởi 4 người, nhưng nổi tiếng và quen thuộc nhất với khán giả là nhân vật Barry Allen. Hình tượng Barry Allen/Flash đã được đưa lên truyền hình lẫn điện ảnh khá nhiều lần (John Wesley Shipp năm 1990, Kenny Johnston năm 1997). Nhưng hiện tại, có hai phiên bản Flash đang tồn tại song song trên màn ảnh.

Series The Flash (2014 - nay) - Grant Gustin

Năm 2014, nhận thấy Barry Allen khá được yêu thích khi xuất hiện trong vài tập phim Arrow, đài truyền hình CW quyết định làm riêng một phim về nhân vật này với Grant Gustin đóng chính.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 13.

Series "The Flash" được yêu thích vì bám khá sát nhiều chi tiết trong truyện tranh

Trải qua 4 mùa phim, Flash của Grant Gustin vẫn duy trì sức hút ổn định với khán giả truyền hình. Tuy nhiên, công lớn tạo nên sức hấp dẫn này phần lớn là nhờ khả năng "thay đổi dòng thời gian" càng lúc càng điêu luyện của Barry Allen. Điều đó khiến cho nội dung phim trở nên khó đoán hơn. Ngược lại, tính cách của nhân vật chính Barry lại khá nhạt nhòa cũng như sự rối rắm trong chuyện tình giữa anh với Iris West khiến cho nhiều khán giả cảm thấy mệt mỏi.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 14.

Nhưng Grant Gustin không để lại dấu ấn đặc biệt khi vào vai Barry

Diễn xuất của Grant Gustin cũng là một điểm trừ lớn. Gương mặt của Grant có thể rất đẹp nhưng lại không thể hiện được đủ độ cảm xúc hay diễn biến tâm lý của nhân vật – đặc biệt là với một người sống nội tâm và chịu nhiều đau khổ như Barry.

The Flash trong Justice League (2017) - Ezra Miller

Khi Ezra Miller được DC/Warner Bros. chọn vào vai Barry Allen phiên bản chính thức của Vũ trụ Điện ảnh DC, có nhiều khán giả đã bày tỏ sự không hài lòng. Đơn giản vì họ quen với hình ảnh Flash do Grant Gustin đem lại và không hình dung được, một diễn viên "ngổ ngáo" như Ezra làm sao có thể phù hợp với Barry Allen mang nhiều tâm tư.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 15.

Barry của Ezra là một thanh niên "không hề nghiêm túc"

Nhưng Ezra Miller đã chứng minh bản thân là một Flash hoàn hảo qua màn diễn xuất tuyệt vời trong Justice League. Trong phim, nhân vật Flash của anh là người đảm nhận yếu tố "hài hước", giúp cho không khí phim giảm bớt sự căng thẳng. Ezra cũng chia sẻ suy nghĩ của mình khi tìm hiểu và tiếp cận nhân vật này:

"Barry là một gã kỳ quặc, thậm chí có một chút thần kinh nữa. Anh ta luôn bị bao bọc bởi cảm giác lo lắng, căng thẳng. Trí óc anh ta luôn suy nghĩ một cách khoa học, nhưng nó cũng thường tự ‘độc thoại’ và làm anh ta trông như một gã khùng. Và tôi nghĩ, buồn cười chính là phản ứng của Barry – nếu anh ta thật sự tồn tại trong hiện thực này".

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 16.

Nhưng vẫn có đủ nghiêm nghị và tạo ra khoảng lặng cần thiết cho nhân vật

Diễn xuất của Ezra đem đến cho Barry Allen sự hài hước duyên dáng về tính cách nhưng cũng thể hiện được một phần góc khuất trong tâm lý – nhất là những phân cảnh mà Barry gặp lại cha trong ngục tù.

Kết

Các cảnh slow-motion phô diễn khả năng chạy nhanh của Flash trong Justice League không thật sự ấn tượng như Quicksilver trong X-Men. Nhưng về mặt tính cách cũng như tâm lý, có thể khẳng định phiên bản Flash xuất hiện trong Justice League là nổi trội hơn cả. Hơn nữa, khả năng biến hóa đa dạng của Ezra Miller giúp cho nhân vật trở nên chân thực, sống động hơn. Tuy là nhân vật phụ, nhưng Flash vẫn thể hiện được nét riêng, không bị nhạt nhòa khi đứng chung với các đàn anh đàn chị như Batman, Superman hay Wonder Woman.

So sánh 4 phiên bản siêu anh hùng tốc độ trên màn ảnh - Ảnh 17.

Đây chính là siêu anh hùng tốc độ thú vị nhất trên màn ảnh hiện nay

Và sau Justice League, khán giả lại càng mong chờ được gặp lại Barry Allen phiên bản Ezra Miller trong phim riêng sắp tới của The Flash. Khi Quicksilver của Marvel đã chết, sự nhạt nhòa thiếu sáng tạo của Quicksilver phiên bản X-Men trong Apocalypse và diễn xuất kém linh hoạt của Grant Gustin trong Flash phiên bản truyền hình, có lẽ Flash của Ezra Miller mới là siêu anh hùng tốc độ duy nhất khiến chúng ta háo hức được khám phá nhiều hơn.