Smartphone chẳng cần camera 3D cũng chụp được ảnh 3D, vậy lợi ích thực sự của chúng trên smartphone là gì?

Việt Đức, Theo Trí Thức Trẻ 16:30 09/03/2019

Ứng dụng Facebook Mobile có thể giúp chúng ta tạo ra ảnh 3D dù smartphone không trang bị camera 3D. Nếu vậy, camera 3D trên smartphone phải chăng là công nghệ thừa?

Dave Haynie, một kỹ sư máy tính, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cho rằng camera 3D trên smartphone chỉ là chiêu trò quảng cáo. Giống như ở quá khứ người ta từng tung hô TV 3D là công nghệ tương lai nhưng đến bây giờ chỉ là dĩ vãng.

Camera trên smartphone ngày nay khác camera 3D chúng ta biết ngày xưa

Về bản chất, camera 3D là công nghệ ám chỉ một hệ thống camera gồm 2 hoặc nhiều cảm biến có thể ghi lại hình ảnh lập thể, tức là 2 hoặc nhiều hình ảnh đan xen lẫn nhau. Chúng mang đến cái nhìn khác biệt cho mỗi bên mắt, mà bộ não của chúng ta - một siêu máy tính đẳng cấp thế giới có thể cảm nhận được hình ảnh có chiều sâu.

Nhưng camera 3D trên smartphone ngày nay có thực sự là kiểu camera 3D như vậy không? Câu trả lời là không. Công nghệ camera trên nhiều mẫu smartphone hiện nay có thể cho ra kết quả tương tự như camera 3D nhưng cách thức hoạt động lại hoàn toàn khác. Điều này liên quan đến thủ thuật phần mềm, không nhất thiết phải phụ thuộc vào phần cứng.

Các điện thoại đời mới có nhiều khả năng sẽ được trang bị thêm một camera đo chiều sâu, bên cạnh các camera có chức năng chính là chụp ảnh. Nghe có vẻ hơi giống camera 3D cũng cần nhiều hơn 1 camera, nhưng thực ra có một chút khác biệt.

Smartphone chẳng cần camera 3D cũng chụp được ảnh 3D, vậy lợi ích thực sự của chúng trên smartphone là gì? - Ảnh 1.

Nhiều điện thoại ngày nay được trang bị thêm camera đo chiều sâu (Depth Camera).

Lấy ví dụ từ chiếc điện thoại Samsung phía trên, camera chính và camera đo chiều sâu có thể ghi nhận hình ảnh cùng một lúc. Camera đo chiều sâu thường có chất lượng thấp hơn bởi nó chỉ có tác dụng tạo ra một bản đồ xác định độ nông/sâu của từng vật thể xuất hiện trong ảnh.

Sự khác biệt về độ nông/sâu thay đổi theo khoảng cách từ điện thoại tới các vật thể và được gọi là thị sai. Dựa vào thông tin này, phần mềm chụp ảnh sẽ tính toán và ước tính được sự thay đổi cho mỗi pixel hoặc nhóm pixel trong ảnh khi góc nhìn thay đổi. Kết quả là một hình ảnh 3D như bên dưới.

Smartphone chẳng cần camera 3D cũng chụp được ảnh 3D, vậy lợi ích thực sự của chúng trên smartphone là gì? - Ảnh 2.

Camera 3D trên smartphone ngày nay còn nhiều lợi ích hơn nữa

Không phải tự nhiên người ta lại làm vấn đề trở nên phức tạp như vậy. Thay vì bỏ công sức phát triển phần mềm, xây dựng thuật toán xử lý hình ảnh cao cấp, lẽ ra chỉ cần dùng 2 camera giống hệt nhau, đặt cách nhau vài cm và chụp ảnh cùng một lúc rồi dùng thuật toán ghép ảnh đơn giản đã có thể tạo ra ảnh 3D rồi. Lý do là vì hầu hết những điều thú vị sau đây cách làm đơn giản không thể có được.

Một kiểu ảnh khá phổ biến, được nhắc đến nhiều trong nhiếp ảnh di động những năm gần đây đó là ảnh chân dung khỏa nền (hay còn gọi là xóa phông). Làm thế nào để tạo ra nó khi mà điện thoại thông minh có ống kính tiêu cự rất, rất ngắn, có nghĩa là độ sâu trường ảnh rất lớn. Điều đó có nghĩa là mọi thứ trong ảnh đều sắc nét, chẳng có gì được làm nổi bật.

Các hãng điện thoại đang tận dụng bản đồ độ sâu điểm ảnh để phân vùng xử lý ảnh. Nếu bạn chụp một người phụ nữ làm chủ thể trong bức ảnh, những điểm ảnh không có cùng độ sâu với người phụ nữ sẽ bị làm mờ đi. Điểm ảnh nào càng sâu thì mức độ xử lý mờ càng mạnh và điểm ảnh nào càng nông thì mức độ xử lý mờ càng nhẹ. Kết quả sẽ giống như ảnh dưới đây, bức ảnh cho thấy sự khác biệt trước và sau khi xử lý ảnh chân dung khỏa nền.

Smartphone chẳng cần camera 3D cũng chụp được ảnh 3D, vậy lợi ích thực sự của chúng trên smartphone là gì? - Ảnh 3.

Một số hãng điện thoại đã làm rất tốt, điển hình là Apple. Ảnh chân dung chụp từ những mẫu iPhone đời mới chẳng kém là bao so với máy ảnh ống kính rời chuyên nghiệp.

Smartphone chẳng cần camera 3D cũng chụp được ảnh 3D, vậy lợi ích thực sự của chúng trên smartphone là gì? - Ảnh 4.

Một lợi ích khác từ công nghệ camera 3D dựa trên cảm biến đo chiều sâu đó là hỗ trợ tăng cường thực tế ảo. Đây là một lĩnh vực phát triển rất tiềm năng đối với điện thoại thông minh. Ý tưởng pha trộn đồ họa máy tính với hình ảnh ghi nhận từ thế giới thực tạo ra nhiều ứng dụng hấp dẫn và nó thực sự thu hút người dùng. Bằng chứng là thành công vang dội của tựa game Pokemon Go.