Sir Alex có xót xa khi đội ngũ kế nhiệm đã ném hơn 600 triệu bảng ra đường?

Dương Quảng, Theo Trí Thức Trẻ 16:36 11/11/2017

4 năm sau khi Sir Alex rời nhiệm sở, Man Utd đã xảy ra nhiều biến động. Có nhiều điều đã thay đổi theo chiều hướng… xấu đi. Thành tích giảm sút, lòng tin CĐV thuyên giảm. Nhưng có một điều không thay đổi, thậm chí còn tăng theo cấp số cộng: Tiền chuyển nhượng.

Kể từ khi Sir Alex ra đi, đã có 3 HLV lên thay là David Moyes, Louis van Gaal và Jose Mourinho. Họ đã chi ra cả thảy 630 triệu bảng và con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Vậy số tiền kia đã mua được những ai, và đóng góp của những con người này cho đội bóng là như thế nào?

Mùa 2013/14

Marouane Fellaini (27,5 triệu bảng, tới từ Everton)

Hợp đồng đầu tiên Moyes đem về Old Trafford không phải mẫu tiền vệ làm bóng thông thường như Cesc Fabregas. Anh ta là Maroune Fellaini.

Sir Alex có xót xa khi đội ngũ kế nhiệm đã ném hơn 600 triệu bảng ra đường? - Ảnh 1.

Fellaini là một gã tóc xù với lối chơi khô khan, xấu xí và xù xì hệt như vẻ bề ngoài. Nhưng sự cơ động và khả năng tác chiến độc lập của Fellaini lại là vũ khí mà bất kỳ HLV nào khao khát sở hữu. Fellaini có thể phá tan ý đồ tấn công của đội bạn và sắm vai tiền đạo cắm trong thế trận cần bàn thắng từ những quả bóng bổng.

Mourinho đã tuyên bố "Mua tôi còn dễ hơn Fellaini" trước lời chào mời của Galatasaray. Điều đó cho thấy giá trị và tầm ảnh hưởng của tiền vệ người Bỉ.

Chấm điểm: 7,5/10

Juan Mata (37,1 triệu bảng, tới từ Chelsea)

Đây có thể sẽ là mùa giải cuối cùng của Mata ở Old Trafford, nhưng trong suốt những năm chơi bóng tại nhà hát của những giấc mơ, tiền vệ người Tây Ban Nha luôn là món tài sản quý sản với các HLV.

Nhãn quan chiến thuật, kỹ năng cơ bản hoàn thiện và sự tinh tế hiếm thấy trong một tập thể toàn công nhân và máy chạy, Mata luôn đem đến những gam màu khác cho lối chơi của "Quỷ đỏ" Manchester.

Chấm điểm: 8/10

Mùa 2014/15

Ander Herrera (32,4 triệu bảng, tới từ Athletic Bilbao)

Herrera là tiền vệ toàn diện nhất trong đội hình của Man Utd. Anh tấn công tốt và cực kỳ miệt mài trên mặt trận phòng ngự, là mẫu tiền vệ con thoi Mourinho yêu thích.

Sir Alex có xót xa khi đội ngũ kế nhiệm đã ném hơn 600 triệu bảng ra đường? - Ảnh 2.

Hình ảnh Herrera bám Hazard như hình với bóng tại Old Trafford mùa trước là một minh chứng cho quan điểm của Mourinho về tiền vệ này: Thái độ quyết định kết quả.

Chấm điểm: 8/10

Luke Shaw (27 triệu bảng, tới từ Southampton)

Một trong những hậu vệ trái triển vọng của bóng đá Anh đã tới Manchester và có khả năng thích nghi tốt với nhiều loại chiến thuật khác nhau. Nhưng chấn thương gãy chân 9 tháng sau trận đấu ở Champions League (gặp PSV) đã đóng sập cánh cửa tới đội một của Shaw.

Thời gian ra sân bị hạn chế và phải làm việc với một HLV không có thói quen chờ đợi như Mourinho, Shaw sẽ bị đem cho mượn vào tháng Giêng năm sau.

Chấm điểm: 5/10

Marcos Rojo (16 triệu bảng, tới từ Sporting Lisbon)

Luôn có chỗ đứng dưới thời Van Gaal và Mourinho nhờ sự đa năng nhưng chấn thương dây chằng chéo thường xuyên khiến hậu vệ người Argentina phải ngồi ngoài.

Mourinho vẫn đang chờ đợi liệu Rojo có thể trở thành Nemanja Vidic phiên bản 2 hay không bởi ông tin rằng, Rojo là một cầu thủ cần thiết ở mọi đội bóng.

Chấm điểm: 6/10

Angel di Maria (60 triệu bảng, tới từ Real Madrid)

Sir Alex có xót xa khi đội ngũ kế nhiệm đã ném hơn 600 triệu bảng ra đường? - Ảnh 3.

Tới Man Utd là quyết định sai lầm nhất trong sự nghiệp của Di Maria. Anh là một cầu thủ giỏi nhưng không được đặt đúng chỗ, đúng thời điểm. Di Maria không phải kiểu cầu thủ tham gia vào thế trận tổng lực của Van Gaal và nhanh chóng nhận ra, rời Old Trafford là lối thoát duy nhất.

Chấm điểm: 3/10

Daley Blind (14 triệu bảng, tới từ Ajax)

Không một ai toàn năng hơn Blind. Anh đá được tất cả các vị trí từ hàng tiền vệ trở xuống, ở đâu Blind cũng tròn vai dù không quá nổi bật. Blind có khả năng đọc vị trí và kèm người cực tốt, cộng với cái lòng trong chân trái "rất ngoan" nên luôn được xoay tua trong đội hình của Van Gaal và Mourinho. Ở đâu thiếu người, ở đó có Blind.

Chấm điểm: 7/10

Victor Valdes (chuyển nhượng tự do)

Của rẻ là của ôi, Valdes đã bỏ lại những gì tinh túy nhất của mình ở lại Barcelona. Valdes từ chối tập với đội trẻ dù Man Utd đã chiếu cố ký hợp đồng khi anh còn dưỡng thương – đấy là lý do khiến thủ môn người Tây Ban Nha mất việc sau 18 tháng.

Chấm điểm: 2/10

Radamel Falcao (6 triệu bảng phí cho mượn từ Monaco)

Van Gaal đặt rất nhiều kỳ vọng vào tiền đạo người Colombia. Lúc ấy, "Mãnh hổ" vẫn là cái tên hot trên sàn giao dịch bất chấp việc anh vừa ngồi ngoài dưỡng thương 6 tháng.

Sir Alex có xót xa khi đội ngũ kế nhiệm đã ném hơn 600 triệu bảng ra đường? - Ảnh 4.

Tuy nhiên, câu chuyện của Falcao có lẽ giống Di Maria, bởi họ không thể làm công nhân khi mang trong mình trái tim của những nghệ sỹ. 4 bàn thắng là tất cả những gì Falcao làm được.

Chấm điểm: 3/10

Mùa 2015/16

Memphis Depay (25 triệu bảng, tới từ PSV)

Lối sống phức tạp ngoài sân cỏ và thói tự mãn đã làm hại Depay. Anh nhận lại chiếc áo số 7 huyền thoại, mang trong mình quá nhiều ẩn ức trở thành Cristiano Ronaldo và nhanh chóng bị cho ra rìa.

Khi Mourinho tiếp quản, ông tuyên bố "Tôi chẳng cần gì ở cậu ta" và bán Depay cho Lyon.

Chấm điểm: 3/10

Matteo Darmian (12,7 triệu bảng, tới từ Torino)

Giống Blind, Darmian có thể chơi được nhiều vị trí. Anh dễ dàng thích ứng ở hành lang cánh và dù chỉ chơi ở mức chấp nhận được nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với tấm vé thông hành giúp tuyển thủ Italia trụ lại qua hai đời HLV Man Utd.

Chấm điểm: 6/10

Bastian Schweinsteiger (6,5 triệu bảng, tới từ Bayern Munich)

Sir Alex có xót xa khi đội ngũ kế nhiệm đã ném hơn 600 triệu bảng ra đường? - Ảnh 5.

Bi kịch lớn nhất của Schweinsteiger là chấn thương. Bi kịch thứ hai của Schweinteiger là Van Gaal mất việc sớm hơn dự tính. Hai yếu tố này cộng vào khiến sự nghiệp đỉnh cao của nguyên thủ quân ĐT Đức kết thúc ở nước Anh. Schweini buộc phải "dối già" ở MLS, nơi phóng viên thể thao còn không phân biệt được giải VĐQG và… World Cup.

Chấm điểm: 5/10

Morgan Schneiderlin (25 triệu bảng, tới từ Southampton)

Khá nghịch lý ở chỗ, cứ khi nào Schneiderlin chấn thương hoặc không đá chính, Man Utd lại thua nhiều hơn lúc có anh trong đội hình. Nhưng xuất phát điểm của một tiền vệ cơ bắp, tới từ CLB nhỏ làm cơ hội ra sân của Schneiderlin giảm đi trông thấy.

Mourinho lại có Fellaini trong tay rồi nên tuyệt nhiên không thèm ngó ngàng gì tới tiền vệ người Pháp. Cuối cùng, anh phải tới Everton.

Chấm điểm: 5/10

Sergio Romero (chuyển nhượng tự do)

Cái bóng quá lớn của David de Gea không khiến thủ môn số 1 của ĐT Argentina nhụt chí. Anh luôn chắt chiu từng cơ hội và được Mourinho yêu quý vì thái độ cầu thị trong nghề nghiệp. Trong suốt chiến dịch Europa League năm ngoái, Romero là thủ môn chính của Man Utd, góp công lớn vào chiến công vô địch Cúp C3 châu Âu.

Chấm điểm: 7/10

Anthony Martial (58 triệu bảng, tới từ Monaco)

Hợp đồng hiếm hoi Van Gaal đem về phát huy tác dụng. Ở mùa đầu tiên, Martial là lựa chọn số 1 trên hàng công. Nhưng từ lúc Mourinho về cầm quân, anh phải dạt cánh và làm quen với vị trí chim mồi nhiều hơn.

Sir Alex có xót xa khi đội ngũ kế nhiệm đã ném hơn 600 triệu bảng ra đường? - Ảnh 6.

Cuộc hôn nhân đổ bể cũng là lý do khiến phong độ của Martial sa sút. Tuy nhiên, trong mùa giải này, anh lại sắm vai "gà son" và liên tục ghi bàn sau khi vào sân từ ghế dự bị.

Phẩm chất của Martial là kỹ năng đi bóng, qua người rồi cứa lòng tuyệt đỉnh – điều Rashford hay Lingard không thể làm được.

Chấm điểm: 7/10

Mùa 2016/17

Eric Bailly (30 triệu bảng, tới từ Villarreal)

Mẫu trung vệ ưa thích của Mourinho: Nhanh, mạnh, khỏe và quyết liệt. Bailly là sự bổ sung cần thiết cho hàng thủ mỏng manh và yếu đuối của Man Utd. Nếu không gặp vấn đề về sức khỏe, Bailly mặc nhiên chiếm suất đá chính.

Chấm điểm: 8/10

Zlatan Ibrahimovic (chuyển nhượng tự do)

Sir Alex có xót xa khi đội ngũ kế nhiệm đã ném hơn 600 triệu bảng ra đường? - Ảnh 7.

Đúng với đẳng cấp của mình, chân sút người Thụy Điển biết cách chinh phục mọi mặt trận. Ngay cả khi đã ở độ tuổi phải về hưu, Ibra vẫn cho thấy đẳng cấp vượt trội so với phần còn lại. Nếu không vì chấn thương đầu gối mùa trước (trong trận gặp Anderlecht), Ibra vẫn sẽ là quân bài chủ chốt của Mourinho. Anh sẽ trở lại vào đầu tháng 12 theo lịch dự kiến.

Chấm điểm: 9/10

Henrikh Mkhitarian (27 triệu bảng, tới từ Dortmund)

Gặp vấn đề về tâm lý ở 4 tháng đầu sau khi chuyển tới Old Trafford nhưng Mkhitarian đã tìm lại cảm giác quen thuộc khi được Mourinho trao gửi niềm tin. Cùng Mata, Mkhitarian là chất liệu giúp lối chơi của đội mềm mại hơn.

Chấm điểm: 7,5/10

Paul Pogba (89 triệu bảng, tới từ Juventus)

Sir Alex có xót xa khi đội ngũ kế nhiệm đã ném hơn 600 triệu bảng ra đường? - Ảnh 8.

Cái mác cầu thủ đắt giá nhất hành tinh làm Pogba có phần choáng ngợp. Dù vẫn thi thoảng tạo ra những khoảnh khắc diệu kỳ nhưng Pogba chưa thể tái hiện hình ảnh đáng sợ của mình ở Juventus. Anh cần chứng tỏ nhiều hơn để xứng đáng với con số gần 90 triệu bảng.

Chấm điểm: 7,5/10

Mùa 2017/18

Victor Lindelof (30 triệu bảng, tới từ Benfica)

Trung vệ người Thụy Điển chưa được trao nhiều cơ hội nên rất khó để đánh giá chính xác năng lực. Tuy nhiên, Mourinho hiếm khi mua sai trung vệ nên cần thêm thời gian để kiểm chứng mức đóng góp của Lindelof.

Chấm điểm: 6/10

Romelu Lukaku (75 triệu bảng, tới từ Everton)

Vì không mua được Morata nên Mourinho buộc phải quay sang Lukaku, nhưng hóa ra đó là hợp đồng thành công nhất thời điểm này của ông. Lukaku đã đóng góp tới 67% số điểm Man Utd có được mùa này và là mẫu tiền đạo phù hợp cho các mặt trận dài hơi.

Sir Alex có xót xa khi đội ngũ kế nhiệm đã ném hơn 600 triệu bảng ra đường? - Ảnh 9.

Có một điều, chân sút này vẫn chưa lên tiếng từ ngày 30/09. Anh cần sớm tìm lại phong độ khủng khiếp hồi đầu mùa, 11 trận ghi 10 bàn.

Chấm điểm: 9/10

Nemanja Matic (35 triệu bảng, tới từ Chelsea)

Thêm một hợp đồng thành công khác của Mourinho. Ông là người "khai quật" Matic ở nhiệm kỳ đầu tại Chelsea và đã làm việc với tuyển thủ người Serbia trong hai mùa giải ở nhiệm kỳ 2, ông hiểu quá rõ năng lực của học trò. Matic là trái tim của hàng tiền vệ Man Utd, là cây cầu nối hoàn hảo giúp đội chuyển từ thế trận phòng ngự sang tấn công nhanh nhất và ngược lại.

Cùng De Gea, Matic là cầu thủ chưa bỏ bất kỳ phút thi đấu nào ở Champions League và Premier League.

Chấm điểm: 8,5/10

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày