Sinh viên Ngoại Thương hào hứng tranh luận về đề tài minh bạch trên giảng đường

Q.P, Theo Trí Thức Trẻ 08:52 23/09/2016

Quay cóp, gian lận, đi thầy để qua môn,… là những đề tài đã được sinh viên Ngoại Thương hào hứng tranh luận trong buổi talkshow mới đây.

Mới đây, câu lạc bộ Kỹ Năng Sống thuộc trường ĐH Ngoại Thương – Hà Nội đã có một buổi Free Talk với chủ đề minh bạch trên giảng đường. Nối tiếp buổi giao lưu gần đây nhất về chủ đề "Không đi thầy, thì đừng mong qua môn", talk show minh bạch trên giảng đường cũng thu hút sự tham gia và tranh luận đông đảo của các bạn sinh viên.

Phát hiện ra bạn quay cóp, gian lận trong thi cử, bạn khác làm bài giống mình nhưng lại có điểm số cao hơn, bạn đi thầy để mong "cải thiện" điểm số trong khi thực lực không hơn mình,… các sinh viên sẽ lựa chọn hành động thế nào, lên tiếng tố cáo, hay im lặng cho qua? Đó là câu hỏi được đặt ra và cũng chính là câu chuyện không-phải-ai-cũng-dám-nói ở chốn giảng đường thường ngày.

Tham gia buổi tranh luận này cùng các sinh viên là 2 diễn giả, cũng là 2 giảng viên của trường ĐH Ngoại Thương là cô Nguyễn Hoàng Ánh (người từng khiến cư dân mạng xôn xao bởi phát ngôn bênh vực hoa hậu Kỳ Duyên sau scandal hút thuốc lá) và thầy Hoàng Xuân Bình.

Sinh viên Ngoại Thương hào hứng tranh luận về đề tài minh bạch trên giảng đường - Ảnh 2.

Sinh viên tham gia buổi giao lưu được chia làm 2 nhóm: nhóm lên tiếng (sẽ dám nói, đưa ra lời khuyên nhủ hay nặng hơn là tố cáo trước những hành động thiếu minh bạch ở giảng đường) và nhóm im lặng (sẽ làm lơ xem như không biết). Cuộc tranh luận giữa 2 nhóm này với rất nhiều những lý lẽ, dẫn chứng thuyết phục được đưa ra từ những góc nhìn khác nhau khiến cho talkshow trở nên lôi cuốn hơn bao giờ hết.

Mở đầu buổi trò chuyện là phần bàn luận về mối quan hệ giữa thầy cô và sinh viên, sự khác nhau giữa mối quan hệ này ở ngôi trường cấp 3 và giảng đường đại học. Chính từ sự khác nhau đó mới dẫn tới những tình huống minh bạch, hay thiếu minh bạch ở việc dạy và học. Tình huống đầu tiên được đặt ra là trong giảng đường, nếu phát hiện ra một tình huống thiếu minh bạch, bạn sẽ lên tiếng hay im lặng?

Sinh viên Ngoại Thương hào hứng tranh luận về đề tài minh bạch trên giảng đường - Ảnh 3.

Nhóm Lên Tiếng đưa ra quan điểm của mình rằng mình cần phải dám nói để bảo vệ lẽ phải "vì nó là hành động đúng đắn, lên tiếng là công nhận sự cố gắng và năng lực của những người xứng đáng, lên đem lại sự công bằng cho tất cả các sinh viên, đem lại một môi trường học tập bền vững, phát triển, nghiêm minh cho nền giáo dục. Đây cũng là hành động để cảnh tỉnh tất cả những người có suy nghĩ hành động thiếu minh bạch. Ngăn chặn được phần nào hiện trạng tham nhũng học đường sẽ xảy ra trong tương lai." – Một sinh viên phát biểu.

Sinh viên Ngoại Thương hào hứng tranh luận về đề tài minh bạch trên giảng đường - Ảnh 4.

Trong khi đó, nhóm im lặng lại có cái nhìn được cho là "khôn ngoan" hơn. Một sinh viên phản pháo: "Tôi im lặng vì điều này có thể ảnh hưởng tới các lợi ích của mình. Không những thế, nó còn có thể phá vỡ các mối quan hệ xung quanh. Im lặng cũng vì sợ những ánh mắt kì quái mọi người dành cho mình nếu như mình lên tiếng. Trong một môi trường mà đôi khi tham nhũng học đường gần như đã trở thành một nét văn hóa xấu, im lặng lại là một lựa chọn an toàn. Đôi khi, dù cho có muốn lên tiếng thì suy nghĩ "một mình mình lên tiếng thì cũng chẳng thay đổi được gì" lại càng thôi thúc họ quyết định im lặng."

Sinh viên Ngoại Thương hào hứng tranh luận về đề tài minh bạch trên giảng đường - Ảnh 5.

Sinh viên Ngoại Thương hào hứng tranh luận về đề tài minh bạch trên giảng đường - Ảnh 6.

Liên tiếp nhiều ý kiến phản pháo, kèm theo dẫn chứng cụ thể được đưa ra, vừa hài hước nhưng tính thuyết phục cũng cực kỳ cao. 2 diễn giả chính cũng đã khiến sinh viên tâm phục khẩu phục với những câu chuyện chia sẻ sâu sắc sau nhiều năm làm nghề giáo của mình.

Sinh viên Ngoại Thương hào hứng tranh luận về đề tài minh bạch trên giảng đường - Ảnh 7.

Kết thúc buổi giao lưu, cô Hoàng Ánh đã đưa ra một câu tổng kết cô đọng nhất trong toàn cuộc trò chuyện: "Trong cuộc sống, có rất nhiều tình huống khiến chúng ta phải lựa chọn, trở thành một người tốt hay làm trái với lòng mình vì mục đích trước mắt. Đó là quyền lựa chọn của mỗi người và mỗi sự lựa chọn đều có cái giá của nó". Việc lựa chọn được cô ví von như một con tàu trở hàng hóa nặng đang vượt qua cơn bão tố lớn, người chủ con tàu cho rằng ông ta sẽ vứt bỏ bớt một vài hàng hóa đi, sau khi cập bến rồi, trời quang mây tạnh thì sẽ quay lại lấy. Nhưng khi tàu cập bến rồi, sẽ có 2 tình huống xảy ra, liệu ông có đủ can đảm mạnh mẽ để quay trở lại chỗ đã vứt bỏ hàng hóa, và nếu có quay lại và vớt vát được thì số hàng hóa đó cũng đã ướt hết rồi. Giống như lòng người vậy, làm nhiều những hành động thiếu minh bạch sẽ khiến con người ta dần dần bị tha hóa, rồi một ngày nhìn lại thì chính mình cũng không còn nhận ra mình nữa.