Sinh viên làm thêm gì chẳng được, không ăn bám là được, tại sao phải làm cho Start Up trả lương thấp mà đòi hỏi cao

Nam Long, Theo Helino 10:14 06/12/2018

Câu chuyện tại sao sinh viên chấp nhận đi làm những công việc chân tay như bán hàng, phục vụ, chạy xe ôm mà không chịu ngồi phòng máy lạnh làm việc cho các Start Up đang là chủ đề tranh cãi nóng hổi và không có hồi kết.

Những quan điểm trong bài viết Sinh viên giờ đua nhau bán hàng, chạy xe ôm kiếm vài triệu 1 tháng chứ không chịu làm việc cho các Start Up đã thực sự tạo nên một cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Bên cạnh những ý kiến bênh vực Start Up và cho rằng sinh viên quá thụ động, chỉ thích những công việc chân tay, không phải suy nghĩ đầu óc thì nhiều quan điểm nói rằng tại sao sinh viên lại phải cống hiến cho các Start Up trong khi ở đó môi trường không chuyên nghiệp, một người phải gánh vác công việc của cả team mà lương lại thấp. Hơn thế nữa, làm thêm các công việc bán hàng, chạy xe ôm hay phục vụ đều mang lại những kinh nghiệm, những bài học quý chứ không nên đánh đồng đó là việc nhàn hạ, kém cỏi.

Sinh viên làm thêm gì chẳng được, không ăn bám là được, tại sao phải làm cho Start Up trả lương thấp mà đòi hỏi cao - Ảnh 1.

Những bài viết tuyển dụng nhân viên bán trà sữa, đứng quầy với mức lương 2 - 3 triệu thì rất nhiều người ứng tuyển, thậm chí tranh nhau, tại sao lại như vậy?

Tại sao sinh viên phải làm việc cho Start Up trong khi môi trường ở đó không chuyên nghiệp, tương lai công ty không rõ ràng?

Một điều chắc chắn không cần bàn cãi là các công ty Start Up trả lương cho nhân viên thấp, nhưng khối lượng công việc lại quá lớn. Các công ty khởi nghiệp mọc ra như nấm, nhiều nơi thậm chí chỉ thích người ta cống hiến cho mình mà không có nhu cầu ghi nhận. Tên tuổi không rõ ràng, tương lai mơ hồ chính là nguyên nhân khiến đa phần mọi người ngán Start Up.

Từ khi làm thêm hay ngay cả lúc mới ra trường, nhiều sinh viên băn khoăn chọn giữa công ty lớn và công ty mới khởi nghiệp. Làm việc cho Start Up tức là bạn bắt đầu từ một số 0 tròn trĩnh, sẽ chẳng có ai training, hướng dẫn bạn từ đầu chí cuối vì họ còn bận làm những công việc khác và công ty cũng chẳng đủ người để phân việc chứ nói gì đến cử người giúp bạn. Cái lợi nhất là được thoả sức sáng tạo, thoả sức thể hiện khả năng của bản thân, làm việc không chịu nhiều áp lực, sức ép từ sếp nhưng đối với sinh viên thì đó không phải là điều lý tưởng. Vì khi còn ngồi trên ghế nhà trường hay vừa ra trường, kiến thức, kỹ năng họ không đủ để tự lực cánh sinh.

Bao giờ Start Up trả lương công bằng, không lừa đảo, có tương lai rõ ràng thì sẽ hút được nhiều sinh viên vào làm.


Làm việc cho Start Up tức là bạn chấp nhận làm thêm ngoài giờ, làm những công việc không được đặt tên vì các công ty mới phải chạy đua với thời gian, chạy đua với các công ty khác để khẳng định tên tuổi trên thị trường. Start Up là những nơi khát tiền nhất, bạn sẽ làm việc đến điên cuồng, như một con thiêu thân để hoàn thành KPI.

Nhiều người còn nghĩ làm Start Up sẽ nhanh chóng được thăng quan tiến chức, nên nắm các vị trí điều hành, quản lý nhưng thực ra trong 1 công ty khởi nghiệp, người sáng lập sẽ nắm giữ hết, họ cũng chẳng đủ niềm tin để trao các vị trí quan trọng cho một người mới vì đó là tiền tài, cơ đồ của họ.

Một sự thực phũ phàng nữa là 80% Start Up sẽ thất bại, cơ hội để cống hiến ở đó là không nhiều, không lâu dài và mơ hồ. Sinh viên đi làm một nơi mà cứ canh cánh sợ năm sau công ty phá sản, mình sẽ thất nghiệp thì có ai đủ bản lĩnh để làm không?

Start Up không cạnh tranh nhân sự được với mấy quán trà sữa với cà phê vì cái mà người làm ở Start Up nhận về quá nhỏ bé trong khi công việc phải làm thì chất núi

Sinh viên làm thêm gì chẳng được, không ăn bám là được, tại sao phải làm cho Start Up trả lương thấp mà đòi hỏi cao - Ảnh 4.

Start Up không cạnh tranh được với các quán cafe, trà sữa vì thứ mà họ mang lại cho nhân viên mơ hồ, không rõ ràng

Bán hàng, bồi bàn, phục vụ, xe ôm... không phải là những công việc thấp hèn, thụ động!

Hãy ngưng suy nghĩ đánh đồng những công việc chân tay là dành cho những người thụ động, lười biếng, không thích hoạt động đầu óc. Làm việc gì cũng cần đầu óc hết. Vì sao sinh viên đa số làm công việc chân tay, vì họ còn phải học, thời gian còn lại họ dành để nghiên cứu, học hỏi kiến thức nên nếu làm những việc văn phòng sẽ thêm mệt mỏi.

Những sinh viên chấp nhận những việc làm như bưng bê, chạy xe ôm đa phần là những bạn khá chịu khó và cần tiền để trang trải cuộc sống nên họ cần những công việc thực, rõ ràng và nhận được đồng tiền thực chứ không phải là những hứa hẹn mà các Start Up thường nói.

Sinh viên chọn công việc ở một quán cafe với mức lương không quá 15.000 đồng/giờ thay vì đi làm ở một công ty Start Up với mức lương tối thiểu 20.000 đồng/giờ vì quán cafe trả đủ 15.000 đồng/giờ còn Start Up hiếm khi nào trả đủ 20.000 đồng/giờ, thậm chí còn không trả.

Tại sao sinh viên thường chọn bán hàng, phát tờ rơi, PG, bán hàng dù lương không cao? Vì những công việc đó rất cụ thể, họ hiểu rõ phải làm thế nào, họ được làm thực, trải nghiệm thực. Trong khi những công ty Start Up thì khác, ở đó mơ hồ, chẳng ai hiểu mình phải làm gì và nhận được gì. Giữa một công việc rõ ràng, cụ thể, nhận lương đều hàng tháng và một công việc mơ hồ, sinh viên dĩ nhiên chọn công việc thứ nhất.

Sinh viên làm thêm gì chẳng được, không ăn bám là được, tại sao phải làm cho Start Up trả lương thấp mà đòi hỏi cao - Ảnh 5.

Sinh viên làm thêm và việc chính của họ là học, họ đi làm việc chân tay chỉ là tạm thời trong thời gian còn học để trang trải cuộc sống, tích luỹ kiến thức. Khi học xong, đủ lông đủ cánh họ sẽ biết cách chọn những việc trí óc phù hợp hơn.

Sinh viên là lực lượng lao động có kiến thức, có nhiều chất xám và những công việc như chạy xe ôm, bán hàng, bồi bàn đều phải dùng chất xám để làm chứ không phải mang cái đầu không não làm việc.

Còn nếu nói làm những công việc như bán hàng là kém cỏi thì bạn đã nhầm. Chính Forbes đã chỉ ra rằng, một nhà lãnh đạo tuyệt nhất chính là người có khả năng bán hàng xuất sắc. Nhiều người thành công cũng khuyên rằng muốn làm lớn nên bắt đầu từ việc bán hàng. Tiếp xúc với đủ thể loại khách hàng sẽ dạy bạn kỹ năng thuyết phục, kỹ năng đàm phán, sẽ hiểu rõ rằng làm kinh doanh không phải lúc nào cũng tuân theo những điều hợp lý, không phải lúc nào mọi việc cũng thuận lợi.

Tóm lại, sinh viên làm nghề gì cũng được, họ phá hoại, không ăn bám là được. Mỗi nghề đều có những giá trị riêng, không có nghề nào là đáng bị xem thường. Tất cả các công việc đều phải vận dụng đầu óc, đều học được những điều ý nghĩa, đều có cơ hội giúp rèn luyện kỹ năng, học hỏi nhiều thứ.