Sinh viên làm part-time xuyên đêm: Không chỉ trải nghiệm mà còn cả rủi ro, nguy hiểm!

Anh Nguyễn, Theo Thời Đại 07:03 09/08/2017

Công việc part-time là trải nghiệm thú vị của sinh viên ĐH. Thay vì làm ngày, nhiều bạn tìm sự hứng khởi ở những ca đêm tại các quán cafe, cửa hàng tiện lợi... Tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn rủi ro.

Hà Nội có những quán cafe "không ngủ" nằm "chễm chệ" ở phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm) với đặc điểm mở bán xuyên đêm vẫn tấp nập khách ra vào như ban ngày. Có những hôm nếu lỡ chậm chân tí thôi, thay vì quay về nhiều người vẫn nán lại đợi, mong thử cảm giác ở một quán cafe từ xuyên đêm đến sáng là như thế nào.

Với những ca làm đêm từ 22h30 tối hôm trước đến 7h sáng hôm sau, nhân viên trong quán luôn tay luôn chân, phục vụ hết sức nhanh nhẹn để đem lại sự thoải mái nhất cho khách hàng. Ở những quán cà phê như thế này, người ta bắt gặp phần đa nhân viên part - time là sinh viên, không kể nam hay nữ. Nhiều bạn quan niệm, làm đêm không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn trải nghiệm những cảm giác mới.

Sinh viên làm part-time xuyên đêm: Không chỉ trải nghiệm mà còn cả rủi ro, nguy hiểm! - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên lựa chọn công việc ca đêm ở những quán cafe xuyên đêm ở Hà Nội.

Sinh viên làm việc ca đêm không chỉ vì thu nhập mà còn vì đam mê và trải nghiệm

Phần lớn sinh viên thường tìm đến các quán cafe xin việc vì công việc khá nhẹ nhàng và không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng. Ngoài ra nhiều bạn còn chọn cho mình những ca đêm phục vụ ở những cửa hàng tiện lợi hay quán game. Không đơn thuần chỉ làm việc đơn độc 1 mình, có những nhóm sinh viên 5-6 bạn rủ nhau cùng tìm một công việc part - time chung để cùng thử thách bản thân.

Anh Hoàn (25 tuổi), hiện là quản lý hai quán game ở Hà Nội cho hay, các nhân viên làm ca đêm trong quán của anh trải từ sinh viên năm nhất đến năm 4, trong đó, sinh viên hai năm cuối chiếm phần đông.

Thanh Nguyên (22 tuổi) hiện là nhân viên phục vụ bàn ca đêm ở 1 quán cafe đã được nửa năm chia sẻ: "Mình đi học nguyên ngày nên chỉ còn buổi đêm là rảnh rỗi nên tranh thủ làm thêm. Dù có hơi mệt nhưng tính chất công việc này khá giống với mong muốn của mình, không quá nặng nhọc lại được tiếp xúc với nhiều người".

Sinh viên làm part-time xuyên đêm: Không chỉ trải nghiệm mà còn cả rủi ro, nguy hiểm! - Ảnh 2.

Thanh Nguyên trong giờ làm việc.

Nhìn chung sinh viên chọn làm thêm ca đêm vì đó là khoảng thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày. Ngoài ra, thu nhập cao hơn ca ngày hoặc muốn trải nghiệm cũng là những yếu tố khiến nhiều bạn cân nhắc.

Ở một số nơi như quán game, lương ca đêm "nhỉnh" hơn ca ngày vì thời gian làm việc dài hơn. Nhân viên quán anh Hoàn được trả 15.000 đồng/giờ. Theo anh, số tiền này cao hơn so với mặt bằng chung của các quán game, nhân viên ở chỗ khác có thể chỉ được nhận 12.000- 13.000 đồng/giờ, thậm chí chỉ 10.000 đồng/giờ.

Trung Kiên (SN 1994) làm cùng chỗ với Nguyên, chia sẻ lý do làm việc ca đêm có phần đặc biệt: vừa là vì đam mê vừa muốn… cai nghiện game. "Trước đây mình thường chơi game đến 4h sáng nhưng sau đó muốn bỏ nên tìm việc làm thêm. Mình hiện đang làm pha chế trong bar là vì sở thích, đam mê".

Lương nhân viên quầy bar của Kiên vào khoảng 21.000 – 22.000 đồng/giờ, cộng thêm 25% khi làm ca đêm. Chàng sinh viên quê Nghệ An cũng thẳng thắn chia sẻ bản thân không quá quan trọng về lương vì hàng tháng vẫn được bố mẹ chu cấp.

Sinh viên làm part-time xuyên đêm: Không chỉ trải nghiệm mà còn cả rủi ro, nguy hiểm! - Ảnh 3.

Quán cafe xuyên đêm, nơi Nguyên và Kiên làm việc mỗi đêm.

Những giờ làm việc ca đêm tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí là nguy hiểm!

Làm đêm đồng nghĩa với việc thức trắng 7 – 8 tiếng/ngày, xấp xỉ giờ làm hành chính của nhân viên công sở. Chưa kể đối với sinh viên, ngày hôm sau lại phải tiếp tục bận rộn với bài vở trên giảng đường nên nhiều bạn không tránh khỏi tình trạng đảo lộn đồng hồ sinh học khi mới bắt đầu trải nghiệm làm ca đêm.

Thanh Nguyên kể lúc đầu vì chưa quen với nhịp làm việc nên cô bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, thậm chí có hôm còn ngủ gục trong giờ. Sau khi kết thúc ca làm việc vào 7h sáng, Nguyên lái xe máy về Đại học Nông nghiệp, cách đó tầm 20 phút và lên giảng đường luôn. Hôm nào buổi chiều được nghỉ học thì thoải mái tí, còn không cứ tiếp tục guồng quay vừa học vừa làm đến hết cả ngày.

Tuy vậy, để không làm giảm hiệu quả công việc, các nhân viên trong quán cafe nơi Nguyên làm việc có thể xin phép chợp mắt từ 10 đến 15 phút để lấy lại năng lượng.

Sinh viên làm part-time xuyên đêm: Không chỉ trải nghiệm mà còn cả rủi ro, nguy hiểm! - Ảnh 4.

Phút chợp mắt hiếm hoi giữa ca đêm của bạn nhân viên part-time.

Không chỉ thiếu ngủ, ảnh hưởng tới kết quả học tập trên trường, nhiều sinh viên còn phải đối mặt với những rủi ro, thậm chí là những nguy hiểm từ những giờ làm ca đêm. Những sự cố như khách quên trả tiền đồ uống, say xỉn quá chén,... bản thân Nguyên cũng từng có lần phải đền tiền vì tai nạn kiểu này.

"Có lần khách đi bar về say xỉn, nôn mửa và còn làm đổ rượu, tụi em phải dọn hết, thậm chí còn cần sắp xếp chỗ cho khách ngả lưng. Nhưng may mắn em chưa gặp khách nào bất lịch sự quá", Nguyên chia sẻ.

Trong khi đó nhân viên trông quán game ca đêm lại khá vất vả khi chỉ có một mình, đồng thời phải kiêm nhiều nhiệm vụ như theo dõi toàn bộ hoạt động của quán, tính tiền, phục vụ đồ uống cho khách…

Anh Hoàn cho biết nhân viên ngủ quên là... chuyện thường tình, bên cạnh đó không tránh khỏi những sự cố nguy hiểm như gặp cướp hay những người dùng chất kích thích, xăm trổ gây gổ, mua thẻ điện thoại mà không trả tiền. Những rủi ro nói trên thực sự không nhiều nhưng nếu nhân viên ca đêm ở quán game gặp phải thì cũng đành im lặng rồi hôm sau báo công an.

Sinh viên ưa trải nghiệm tự học cách thích nghi với môi trường làm việc ca đêm

Tuy có nhiều bất lợi nhưng làm việc ca đêm cũng là cơ hội để sinh viên tăng khả năng thích nghi với cuộc sống, mở rộng hiểu biết và hiểu hơn về chính bản thân mình.

Thu Huyền, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hiện đang làm thêm tại một cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 gần trường chia sẻ, qua công việc này cô bạn rèn luyện được đức tính kiên nhẫn.

"Với ca đêm, khách hàng thường đông từ 22h đến 1 - 2 h sáng hôm sau. Vì muộn, nhiều người hay thúc giục, mình phải nói sao cho họ bình tĩnh lại. Làm thu ngân cũng giúp mình tính toán nhanh hơn, giao tiếp có phần cởi mở hơn". Hơn 4h sáng, cô bạn vẫn nhanh nhẹn vừa xúc mỳ đổ vào khuôn vừa quay ra tính tiền cho khách.

Trong khi đó, dù làm ca đêm bị một vài người dị nghị, Nguyên vẫn tìm ra cách để "sống khỏe" với những hiểu lầm. Mẹ Nguyên từng lên tận nơi để xem con gái làm gì suốt đêm, chủ nhà trọ cũng từng hỏi lý do cô thường xuyên đi đêm không về. Nhờ kiên trì giải thích, Nguyên cũng chứng minh được rằng công việc mình làm rất văn minh và có ích.

Sinh viên làm part-time xuyên đêm: Không chỉ trải nghiệm mà còn cả rủi ro, nguy hiểm! - Ảnh 5.

Một quán game "không ngủ" ở Hà Nội.

Còn với Kiên, biết phải làm ca đêm, cậu chọn cách ngủ bù từ 15h chiều đến 23h đêm. Ngày nào cũng vậy, lâu thành thói quen. Cậu kể không khí làm việc về đêm ở quán vui vẻ, nhân viên thân nhau trong công việc cũng như ngoài cuộc sống.

Thực ra nếu biết sắp xếp mọi việc, nắm bắt điều kiện sức khỏe và hiểu được những lợi ích của công việc, sinh viên có thể thích nghi tốt với làm việc ca đêm, thậm chí còn có phần thú vị hơn.

Mọi sự trải nghiệm đều tốt, chỉ là cách bạn chấp nhận nó như thế nào mà thôi. Biết cách biến những rủi ro thành những kỹ năng giải quyết vấn đề cùng là một bài học mà không phải trường học nào cũng dạy các bạn. Đối với sinh viên, các bạn thường quan niệm 4-5 năm nên có ít nhất một công việc part - time, nếu không ngại, bạn có thể thử vài tháng ngân nga ở những quán cafe, cửa hàng tiện lợi,... "không ngủ" như thế này!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày