Sinh viên Khoa Quốc tế xuất sắc giành học bổng trao đổi tới Hoa Kỳ: “Rác thải còn cần được phân loại, huống chi là lựa chọn của bản thân chúng ta!”

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 30/07/2019

Nguyễn Thị Tuyết Lan, sinh viên năm thứ 3 ngành Quản lý (Marketing/Khởi nghiệp) tại Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ nhân học bổng danh giá Global UGRAD của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có những chia sẻ thú vị trước khi lên đường du học trao đổi 1 kì tại Mỹ ngay đầu tháng 8 tới.

Chúc mừng Lan đã dành được suất học bổng Global UGRAD! Em chia sẻ thêm về hành trình "săn" lấy suất học bổng giá trị này được không?

Em đã dành ra một tháng rưỡi để chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển học bổng Global UGRAD. May mắn là em đã nhận được sự tư vấn từ cộng đồng các anh chị cựu sinh viên và đặc biệt là GS Lynn Lanon và các giảng viên Khoa Quốc tế - ĐHQGHN. Quá trình tìm kiếm ý tưởng cho bài luận là khoảng thời gian rất đáng nhớ đối với em vì nhờ có nó mà em đã nghiêm túc ngồi lại và nhìn nhận, đánh giá về bản thân mình để có thể mô tả được hình ảnh chân thật nhất vào bài luận. Sau khi kết thúc chương trình trở về, em chắc chắn sẽ chia sẻ tri thức và kinh nghiệm ứng tuyển học bổng để nhiều bạn sinh viên Khoa Quốc tế nói riêng và sinh viên nói chung có thể trở thành những UGRADer (ứng viên nhận học bổng Glbal URAD) tương lai. Đây cũng chính là lời hứa của em với Đại sứ quán Hoa Kỳ trong vòng phỏng vấn.

Được biết Tuyết Lan là sinh viên rất năng động đã tham gia và đạt nhiều thành tích trong hoạt động ngoại khoá mà vẫn giữ được thành tích học tập đáng ghen tị. Bí quyết của em là gì vậy?

Việc cân bằng thời gian giữa nhiều mục tiêu khá áp lực đối với em, nhưng hoàn toàn có thể làm được nếu biết lập kế hoạch và quản lý thời gian hợp lý.

Thứ nhất, việc lên kế hoạch cho từng giai đoạn ngắn là vô cùng cần thiết. Việc học nên được ưu tiên hàng đầu. Sinh viên cần xem kỹ thời khoá biểu, lịch trình cũng như nội dung môn học khi bắt đầu mỗi học kỳ để ước lượng thời gian mình cần đầu tư vào việc học: nếu môn học nào là thế mạnh của mình thì có thể phân bổ thêm thời gian cho hoạt động xã hội, còn ngược lại, nếu gặp môn học "khó nhằn" thì nên tập trung dành thời gian học.

Thứ hai, cần phải có sự chọn lọc trong những hoạt động ngoại khoá mà mình sẽ tham gia. Hoạt động ngoại khoá có thể chia làm nhiều loại đa dạng và trải dài ở các lĩnh vực khác nhau như tình nguyện, các cuộc thi học thuật, nghiên cứu, đại sứ văn hoá, phát triển tiềm năng lãnh đạo...

Sinh viên Khoa Quốc tế xuất sắc giành học bổng trao đổi tới Hoa Kỳ: “Rác thải còn cần được phân loại, huống chi là lựa chọn của bản thân chúng ta!” - Ảnh 1.

Tuyết Lan chụp ảnh bên cạnh công trình nghiên cứu khoa học của nhóm mình

Em có nhắc đến việc cần phải chọn lọc khi lựa chọn các hoạt động để tham gia. Tại sao điều này lại quan trọng? Cá nhân em có tiêu chí gì khi lựa chọn các hoạt động ngoại khoá để tham gia không?

Theo em, các bạn sinh viên nên hiểu rõ bản thân mình muốn tham gia các hoạt động như thế nào để lựa chọn cho mình một nhóm hoạt động thích hợp. Hãy tối giản trong tư duy, tự tin với bản thân và tập trung vào việc bạn muốn làm. Đừng nhìn sang người khác để tham gia tất cả các hoạt động mà họ đã tham gia. Bởi rác thải còn cần được phân loại, huống chi là lựa chọn của bản thân chúng ta. Với cá nhân em thì em ưu tiên chọn các hoạt động với ba tiêu chí cụ thể.

Trước hết, đó là hoạt động phù hợp với tính cách và sở thích của bản thân. Thứ hai, em chọn hoạt động có thể giúp mình tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm phục vụ cho sự phát triển năng lực cũng như sự nghiệp của bản thân sau này. Ví dụ như em khá thích Giáo dục và Quản lý giáo dục nên có thiên hướng tham gia các hoạt động về giáo dục trải nghiệm, lãnh đạo và tăng cường tham gia các hoạt động giao lưu văn hoá – học thuật ở nước ngoài để có thể mở rộng tầm nhìn của mình về giáo dục. Thứ ba, hoạt động có liên quan tới các môn học trên lớp. Kỳ trước em có học môn học Kinh doanh quốc tế và Khởi nghiệp. Trong khoảng thời gian đó, em đã "tranh thủ" tham gia Mekong Business Challenge tại Campuchia và Hult prize regionals do Liên Hiệp Quốc tổ chức để vận dụng những gì được học vào các cuộc thi này, đồng thời em cũng có thể xin tư vấn từ giảng viên các môn học này. Thật là một công đôi việc đúng không ạ?

Là một người trẻ đa năng và bận rộn như vậy, có khi nào em cảm thấy mất cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và các hoạt động học tập, ngoại khoá không?

Có 3 thứ mà em luôn ưu tiên trong cuộc sống là học tập, trải nghiệm và cảm xúc. Em nghĩ rằng mình cần trí tuệ và kiến thức để có thể tư duy, suy nghĩ, từ đó biết tò mò, biết khám phá, biết đi tới những nền văn hoá khác nhau, tiếp xúc với những con người mới để trưởng thành hơn trong nhận thức. Bản thân em tự coi trọng cảm xúc cá nhân để mỗi suy nghĩ, mỗi trải nghiệm đều mang dấu ấn của riêng em. Dù nhiều khi áp lực vô cùng, nhưng em sẽ không quên về nhà ôm mẹ, hay về nấu cơm chờ bố. Các bạn sinh viên hãy nhớ dành cho các bạn là hãy dành thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè. Bởi khi bạn là người lạc quan, được gia đình yêu thương ủng hộ và bạn bè giúp đỡ thì việc gì cũng  thành công. Hãy luôn nhớ lưu trữ năng lượng tích cực cho bản thân mình nhé.

Sinh viên Khoa Quốc tế xuất sắc giành học bổng trao đổi tới Hoa Kỳ: “Rác thải còn cần được phân loại, huống chi là lựa chọn của bản thân chúng ta!” - Ảnh 2.

Tuyết Lan (thứ ba từ phải sang) tham gia Hội nghị mô phỏng hội nghị cấp cao ASEAN 2018" (AFMAM 2018)

Chuẩn bị bước sang đất nước xa lạ để học tập có thể coi như mở sang trang mới hoàn toàn với nhiều thử thách trước mắt. Lan có tự tin mình sẽ làm tốt không?

Trước đây khoảng 1 tháng em cũng có lo lắng thật. Tuy nhiên, bây giờ em rất tự tin là mình sẽ làm tốt. Bởi chương trình học bổng có thiết kế riêng một khoá học để giúp em chuẩn bị làm quen trước với môi trường giáo dục Hoa Kỳ. Và khá bất ngờ là nó rất thân thuộc, gần như giống 100% với những gì em đang trải nghiệm tại Khoa Quốc tế ở chương trình Cử nhân Khoa học Quản lý liên kết với đại học Keuka (Hoa Kì). Từ tinh thần học tập trên lớp, cách viết luận, cách sử dụng thư viện hay hệ thống đánh giá cũng như mối quan hệ giảng viên – sinh viên đều là những thứ em đã trải qua. Với em đây là một bước đệm vững chắc để em có thể tận dụng tối đa khoảng thời gian quý báu tại Mỹ, bỏ qua những bỡ ngỡ ban đầu để hoà nhập vào môi trường học thuật có thể nói là năng động nhất thế giới.

Về học bổng Global UGRAD: Global UGRAD là học bổng tài năng của Vụ Giáo dục và văn hoá thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đưa các lãnh đạo sinh viên xuất sắc từ các quốc gia trên thế giới sang Mỹ học tập từ 1-2 học kỳ. Sinh viên sẽ được học tại một trường đại học diện 4 năm được kiểm định tại Hoa Kỳ, tận dụng tối đa cơ hội tương tác và học tập với giáo viên và sinh viên bản địa, khám phá văn hóa giáo dục Hoa Kỳ. Đại sứ quán Hoa Kỳ lựa chọn ứng viên dựa trên khả năng lãnh đạo, kết quả học tập xuất sắc, sự đóng góp cho cộng đồng và các hoạt động ngoại khoá.

Nguyễn Thị Tuyết Lan

Sinh viên năm thứ 3 chương trình Cử nhân Quản lý (Marketing/Khởi nghiệp) liên kết giữa Khoa Quốc tế - ĐHQGHN và Đại học Keuka, Hoa Kỳ

Thành tích nổi bật:

Thủ khoa đầu vào toàn khóa năm 2016 của Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội

Đại biểu chính thức Hội nghị Mô phỏng ASEAN AFMAM 2018 tại Singapore

Phó trưởng ban Đối ngoại Hội nghị Mô phỏng ASEAN Việt Nam 2018

Trưởng ban Đối ngoại JOB FAIR 2018

Tham dự giải Tranh biện mở rộng tại Malaysia MDO 2018

Trưởng ban tổ chức Hanoi BP 2018

Điều hành trưởng giải Vô địch Tranh biện châu Á Vietnam UADC 2019

Giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Khoa Quốc tế 2019

Giải thưởng Blue Star cho sinh viên lãnh đạo xuất sắc ĐHQGHN 2019

Vào vòng chung kết cuộc thi Mekong Business Challenge 2019

Học bổng Global UGRAD 2019 - Hoa Kỳ cho sinh viên có năng lực lãnh đạo và đóng góp cho cộng đồng

Giải ba Hult Prize Hanoi Regional – Liên Hiệp Quốc với ý tưởng "Du lịch trải nghiệm"