SEA Games 29: Khi những nữ siêu anh hùng giương cao lá cờ tổ quốc

Minh Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 08:56 31/08/2017

Ánh Viên, Tú Chinh, Nguyễn Thị Oanh, Dương Thúy Vi… Họ là những cô gái vàng, những nữ siêu nhân, những VĐV mà có thể nhiều người trong chúng ta chưa từng nghe tên. Nhưng những lần lá cờ tổ quốc bay lên tự hào nhất tại SEA Games 29 đều nhờ họ.

1. Nếu chưa từng biết tới bộ phim tài liệu của hãng HBO: Kick like a girl, tốt nhất hãy thử search google và xem nó một lần. Bộ phim nói về một đội bóng đá nữ, gồm toàn những cô bé dưới 10 tuổi, tham gia vào một giải đấu dành cho những… bé trai cùng lứa tuổi.

SEA Games 29: Khi những nữ siêu anh hùng giương cao lá cờ tổ quốc - Ảnh 1.

Hình ảnh trong bộ phim tài liệu "Kick like a girl" của hãng HBO

Và ngạc nhiên thay, những bé gái đã chiến thắng phần lớn các trận đấu trước những cậu bé trai. Bộ phim truyền tải nhiều thông điệp tùy cảm nhận của người xem. Có người cho rằng sự ăn ý và thấu hiểu lẫn nhau giúp các bé gái tạo thành một tập thể mạnh. Có người sâu sắc hơn thì nghĩ rằng: Ở cùng một lứa tuổi thuộc dạng tiềm năng, phụ nữ cho thấy họ giỏi hơn cả đàn ông trong lĩnh vực mà vài trăm năm trước người ta từng cho rằng nó "không dành cho nữ".

Vẫn có nhiều luận điểm cho rằng, thể thao được tạo ra bởi đàn ông và khi đàn ông tạo ra một thứ gì đó, họ xây dựng quy chuẩn "dành cho đàn ông". Thực tế thì cho đến tận thế kỷ 19, việc phụ nữ chơi thể thao ở Mỹ vô cùng hạn chế. Chơi thể thao sẽ kích thích hóc môn phát triển và phá đi vẻ nữ tính trời phú của phụ nữ.

Thế nhưng trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, đàn ông phải ra trận, phụ nữ ở hậu phương và họ giết thời gian bằng những trận bóng chày. Đó là thời điểm nhiều phụ nữ nhận ra rằng, thể thao không phải đặc quyền của nam giới. Bất chấp rất nhiều luận điểm khoa học sau đó chỉ ra, phụ nữ không nên chơi thể thao chuyên nghiệp.

SEA Games 29: Khi những nữ siêu anh hùng giương cao lá cờ tổ quốc - Ảnh 2.

Những người phụ nữ giải trí bằng môn bóng chày trong thế chiến thứ 2.

Họ gặp quá nhiều bất lợi như tỷ lệ chấn thương cao hơn nam giới, thiếu sự đầu tư, thu nhập không ổn định, mất vẻ nữ tính, không thể tập luyện đều đặn vì chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng… Trang Toptenz của Mỹ thậm chí còn từng viết một bài "10 lý do phụ nữ không nên chơi thể thao".

Tuy nhiên, càng liệt kê ra nhiều khó khăn, chúng ta càng thấy khâm phục hơn những thành công của nữ giới - mà cụ thể là của những cô gái vàng Việt Nam tại SEA Games 29 lần này.

2. Kình ngư Ánh Viên không có đối thủ, được vô số những tờ báo nước ngoài khen ngợi. Những cầu thủ nữ thi đấu trên SVĐ chẳng có lấy mống khán giả, không được nước chủ nhà truyền hình trực tiếp, chịu sự áp bức từ trọng tài, vẫn xuất sắc mang về tấm HCV lịch sử.

SEA Games 29: Khi những nữ siêu anh hùng giương cao lá cờ tổ quốc - Ảnh 3.

Bốn cô gái vàng phá kỷ lục SEA Games trên đường chạy 4x100m.

Nữ VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh sau khi chạm vạch đích cự ly 5.000 mét, đã chạy lại đỡ đồng đội cùng ăn mừng chiến thắng. 4 cô gái vàng: Lê Tú Chinh, Đỗ Thị Quyên, Lê Thị Mộng Tuyền và Nguyễn Thị Oanh vừa giành HCV SEA Games nội dung 4x100m, đồng thời phá luôn kỷ lục SEA Games.

Trong 4 nữ siêu anh hùng này, Lê Tú Chinh chỉ lần đầu thi đấu tại SEA Games, trải qua quá trình tập luyện gian khổ và thiếu thốn hơn rất nhiều so với những đồng nghiệp nam ở các môn thể thao khác, được ra nước ngoài luyện tập và chăm bẵm đúng nghĩa với khái niệm "niềm hy vọng vàng".

Tất cả nên nhớ rằng, dù mang trong mình dòng máu chiến binh, dù là những VĐV chuyên nghiệp, nhưng họ đều là con gái. Trong cuộc sống đời thường, một VĐV nam có thể bắt gặp những ánh mắt đầy ngưỡng mộ khi khoe ra cơ bắp của mình. Nhưng thân con gái, đôi khi muốn điệu một chút cũng giật mình nhớ tới nghĩa vụ phất lá cờ tổ quốc trên đấu trường SEA Games, lại cắn răng tập luyện.

SEA Games 29: Khi những nữ siêu anh hùng giương cao lá cờ tổ quốc - Ảnh 4.

Lê Tú Chinh trong lần đầu tiên tham dự SEA Games đã được mệnh danh là "nữ hoàng tốc độ mới" của Đông Nam Á.

Dưới cái nắng như đổ lửa ở sân Thống Nhất, đến đàn ông như tôi còn say xẩm mặt mày, mà biết bao nữ VĐV vẫn phơi mình tập luyện. Tóc cháy vàng, da đen sạm, gương mặt thô ráp, thân hình cuồn cuộn cơ bắp. Họ nhỏ nhắn, khiêm nhường và có chút rụt rè khi bắt gặp ánh mắt người lạ. Nhưng rồi, không chỉ 90 triệu người dân Việt Nam, mà toàn Đông Nam Á đã phải ngắm nhìn họ cùng với những tấm huy chương, hay cao hơn là những kỷ lục tồn tại cả chục năm nay đã được phá.

Vẫn biết thế giới đã phải mất cả trăm năm để xóa đi lằn ranh giới tính, nhưng trong thời khắc chứng kiến những cô gái sẵn sàng hy sinh nhan sắc và tuổi thanh xuân của mình để lá cờ Việt Nam bay trong niềm tự hào, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng: SEA Games 29 thành công nhờ vào họ.