“School 2017” liệu có thật sự “dở” như bạn vẫn nghĩ?

Hoàng Yến, Theo Trí Thức Trẻ 14:03 28/07/2017

Có bao giờ bạn từng có những điều ước ngốc nghếch như: "Ôi, ước gì ngày mai trường cháy nhỉ?" để không phải thi cử hay làm một bài kiểm tra môn bạn ghét chưa? "School 2017" sẽ tái hiện lại những suy nghĩ nông nổi ấy của những năm tháng học trò.

Bất chấp gây nhiều tranh cãi từ trước khi lên sóng, rating của 3 tập phim School 2017 (Trường học 2017) lên sóng đài truyền hình KBS2 vào khung giờ thứ Hai, thứ Ba gần đây liên tục giữ vững ở con số 4,2% (theo AGB Nielsen), không tăng cũng không giảm chứng tỏ phim vẫn có những người xem "trung thành". Vậy điều gì đã giữ chân những khán giả ấy ở lại tiếp tục chặng đường với School 2017?

“School 2017” liệu có thật sự “dở” như bạn vẫn nghĩ? - Ảnh 1.

Có lẽ điểm cộng đầu tiên của School 2017 chính là sự gần gũi mà nó mang đến cho khán giả. Nếu School 2013 làm nên tên tuổi của Lee Jong Suk và Kim Woo Bin, đánh mạnh vào vấn nạn bạo lực học đường, School 2015 lại là một câu chuyện tình yêu phức tạp của 2 chị em song sinh có khuôn mặt giống nhau như đúc thì School 2017 khai thác một thực trạng xã hội không mới song vẫn chưa bao giờ ngừng là đề tài nóng sốt – áp lực thi cử và học hành đè nặng lên đôi vai của những em học sinh năm cuối cấp. Những kì vọng của ba mẹ và thầy cô, định kiến của xã hội ép buộc các em phải từ bỏ những giây phút tận hưởng năm cuối cùng của đời học sinh nếu không muốn trở thành kẻ rớt đại học – kẻ bị người đời chê cười và phỉ nhổ.

Xem School 2017, ta lại nhớ đến bộ phim God Of Study từng khuấy động màn ảnh nhỏ của Hàn Quốc năm nào, cũng là một nhóm những học sinh bất trị và những trăn trở suy tư cũng như áp lực nặng nề năm cuối cấp ấy. Song khác với God Of Study, School 2017 tiếp cận khán giả bằng một câu chuyện hài hước hơn, vui tươi hơn. Ở đây, nữ chính Ra Eun Ho không cần phải học giỏi, cô nàng hoàn toàn có thể đậu vào đại học Hàn Quốc chỉ bằng tài lẻ vẽ webtoon của mình. Ở đây, Ra Eun Ho lúc nào cũng là một cô nàng lạc quan rạng rỡ tươi sáng, khiến khán giả xem phim luôn được giữ đầu óc trong trạng thái thoải mái.

“School 2017” liệu có thật sự “dở” như bạn vẫn nghĩ? - Ảnh 3.

Trong School 2017, thế lực phản diện được cụ thể hóa thành "thầy hiệu trưởng" của trường. Trong một ngôi trường trung học đầy những quy tắc bất công và vô lý, cổ vũ bạn bè phản bội nhau thì "kẻ phá trường" X xuất hiện như là hiện thân của mong ước thầm kín nhất của tất cả các học sinh năm cuối vậy. Có bao giờ bạn từng có những điều ước ngốc nghếch như: "Ôi, ước gì ngày mai trường cháy nhỉ?" để không phải thi cử hay làm một bài kiểm tra môn bạn ghét chưa, hay chỉ đơn giản là để được nghỉ một buổi hôm đó thôi? Hay có khi nào bạn cảm thấy bất công và ức chế với những quy định vô lý thầy cô đặt ra? "Kẻ phá trường" X chính là hiện thực hóa của những suy nghĩ nông nổi của tuổi học trò ấy.

“School 2017” liệu có thật sự “dở” như bạn vẫn nghĩ? - Ảnh 4.

Trong School 2017, X chính là "người hùng" của các học sinh, đòi lại công bằng cho toàn thể học sinh trong trường. Xem School 2017, bạn sẽ phải bật cười vì cốt truyện thật là trẻ con ngây ngô này, nhưng đồng thời đâu đó trong thâm tâm cũng sẽ cảm khái, ước gì những năm tháng học trò của mình cũng có một "siêu nhân" giống vậy, khuấy động những năm tháng tẻ nhạt chỉ biết vùi đầu vào sách vở ấy.

Có lẽ vì cái kịch bản quá sức là hoang đường và trẻ con như thế, School 2017 vẫn vấp phải những luồng ý kiến tiêu cực. Rất nhiều khán giả cảm thấy phim hết sức vớ vẩn, không "cảm" được cái hay hay bài học nhân văn gì được rút ra. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng phim dở tệ so với kịch bản của School 2013 hay School 2015. Thật ra đôi khi, xem phim chỉ là một hình thức giải trí mà thôi. Hãy xem School 2017 như một trò chơi thư giãn đầu óc sau những giây phút căng thẳng thì khán giả sẽ có những đánh giá khách quan hơn về bộ phim.

“School 2017” liệu có thật sự “dở” như bạn vẫn nghĩ? - Ảnh 6.

Quan trọng hơn, theo những tình tiết đã được phát triển, School 2017 sẽ không đơn thuần chỉ là một bộ phim "trả thù đời" của những học sinh năm cuối cấp mà còn đào sâu vào tình bạn, tình cảm gia đình cũng như tình yêu khi phim dần dần hé lộ mối quan hệ phức tạp của các nhân vật trong phim, ai cũng có quá khứ đau buồn của riêng mình.

Tất nhiên, bộ phim cũng có những điểm trừ nhất định mà không ai có thể phủ nhận. Khiếm khuyết to đùng đầu tiên chính là dàn cast nam già khú đế và có phần hơi "xí" của School 2017. Đối với nền công nghiệp giải trí phim ảnh Hàn Quốc thì từ lâu đã có một suy nghĩ thâm căn cố đế, bất di bất dịch ở trong lòng khán giả - đó chính là diễn viên phải "xinh đẹp như hoa như ngọc". Ngoại trừ nữ ca sĩ Se Jeong của nhóm nhạc Gugudan trong vai Ra Eun Ho tạm "duyệt" phần nhìn thì 2 bạn nam đóng chung với cô nàng bị đánh giá ngoại hình cực thấp. Song, diễn xuất của dàn cast của School 2017 dù là lính mới Se Jeong thì cũng không đến nỗi phá hỏng nhân vật hay gây khó chịu cho khán giả. Chưa kể, trong School 2017 sắp tới sẽ có sự xuất hiện của Rowoon - thành viên điển trai của nhóm nhạc SF9 làm cameo sẽ bù đắp phần nào "chỉ số ngoại hình trung bình" của dàn cast đối với khán giả.

“School 2017” liệu có thật sự “dở” như bạn vẫn nghĩ? - Ảnh 8.

Ro Woon của nhóm nhạc SF9 trong "School 2017"

Ngoài ra, đề tài học đường cũng là một đề tài khá "nhàm" trong màn ảnh nhỏ Hàn. Không chỉ School 2017 chịu cảnh rating lẹt đẹt, những mùa trước của School rating cũng tàng tàng khoảng đó, hay thậm chí những bộ phim hay về học đường như Moorim School hay Sassy Go, Go cũng chịu chung số phận.

“School 2017” liệu có thật sự “dở” như bạn vẫn nghĩ? - Ảnh 9.

“School 2017” liệu có thật sự “dở” như bạn vẫn nghĩ? - Ảnh 10.

Đón xem bộ phim School 2017 vào thứ Hai, thứ Ba hàng tuần trên kênh truyền hình KBS2.