"Scandal" trong giáo dục: Hãy để con em chúng ta được thò đầu ra cửa sổ như Tottochan!

Nga Levi, Theo Thời Đại 07:05 22/02/2017

Giống như Tottochan, hãy để lũ trẻ có cơ hội được cười đùa với những người hát rong, trò chuyện với đôi chim nhạn và nhận ra ngăn kéo bàn học ở trường là cả một thế giới thú vị.

Chuyện buồn về những "scandal" giáo dục Việt

Ở Việt Nam đã từ rất nhiều năm nay giáo dục luôn là chủ đề nóng với người dân, và Táo Giáo dục 30 Tết nào cũng có kha khá đất diễn trong chương trình Gặp nhau cuối năm.

Những ngày tháng Hai này, người ta xôn xao nói về cô Hiệu trưởng của trường Tiểu học nọ che giấu việc đi ô tô vào trường làm gãy chân một em học sinh. Một clip thầy giáo và nữ sinh cấp 3 ở miền Tây dùng sách vở "đánh nhau" ngay trong lớp học được tung lên mạng. Ở một trường mầm non khác ở Hà Nội, nữ giáo viêncầm dép đánh liên tiếp vào đầu trẻ nhỏ.

Dư luận phẫn nộ, hoài nghi và mất niềm tin. Chưa bao giờ mà mọi sự quan ngại lại đổ dồn về giáo dục nhiều như hiện nay.

Hoặc, những vấn đề đó vốn vẫn tồn tại như một mầm bệnh chỉ chờ ngày bùng phát.

Liệu chúng ta đã nhìn nhận đúng về bản chất của giáo dục?

Cách đây vài năm các phương tiện truyền thông đại chúng đã thống kê những con số giật mình về điểm chuẩn đầu vào của ngành Sư phạm, nơi đào tạo ra những người có nhiệm vụ xây dựng thế hệ tương lai của đất nước: mức điểm của ngành này thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Ở thời điểm hiện tại họ có thể đã trở thành những người đứng trên bục giảng ở khắp nơi trên cả nước. Liệu có ai muốn con em mình được giảng dạy bởi một cô giáo, thầy giáo nào đó mà sự nghiêm túc với tri thức không đạt ở mức trung bình so với xã hội?

Không khó để nhận ra ở những ngôi trường tiểu học, trung học ngay tại những thành phố lớn vẫn có những giáo viên nói ngọng hay viết sai chính tả. Cùng với sự đi xuống của chuyên môn là những câu chuyện buồn về đạo đức nghề giáo.

Scandal trong giáo dục: Hãy để con em chúng ta được thò đầu ra cửa sổ như Tottochan! - Ảnh 1.

Người ta nói rằng nguyên nhân là do sự thiếu hấp dẫn trong đãi ngộ của ngành giáo dục. Nhưng phải chăng lí do thực sự nằm ở chính cách nhìn nhận sai lầm về định nghĩa "giáo dục" của cả những người trong nghề lẫn phần còn lại của xã hội?

Giáo dục hẳn nhiên không dừng lại ở việc cắp sách đến trường. Đó chỉ là một hình thức bề ngoài của giáo dục, cùng với rất nhiều hình thức khác, như tự học tại gia, học qua sách, học online...

Ý nghĩa quan trọng nhất của giáo dục là "khơi gợi và khai phá tiềm năng phát triển" (theo Mark K. Smith - YMCA George Williams College). Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Báo Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Phạm Toàn thuộc nhóm Cánh Buồm - đơn vị thực hiện bộ sách giáo khoa mở cùng tên cho rằng "Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc." Tức là bên cạnh việc trao cho người học những công cụ và tri thức vốn có của nhân loại (1), giáo dục còn có nhiệm vụ nuôi dưỡng những khả năng tiềm ẩn để họ sáng tạo ra những nhận thức mới (2). Giáo dục ở Việt Nam hiện nay mới chỉ đang làm điều thứ nhất theo một cách máy móc.

Đáng buồn thay, bản chất quan trọng này của giáo dục bị lãng quên bởi chính những người thầy và các bậc cha mẹ.

Scandal trong giáo dục: Hãy để con em chúng ta được thò đầu ra cửa sổ như Tottochan! - Ảnh 2.

Vì cho rằng giáo dục là dạy lại những điều sẵn có, một số thầy cô giáo của chúng ta hàng ngày lên bục giảng chỉ để lặp đi lặp lại lý thuyết sách giáo khoa. Người thầy không thể truyền được sự tò mò và tình yêu tri thức cho con trẻ - điều vốn là cốt lõi của giáo dục - đơn giản có thể bởi họ cũng từng là nạn nhân của một quy trình đào tạo kiểu "gà công nghiệp" sản xuất hàng loạt. Lũ trẻ ngày nay học bài vì sợ điểm kém, thay vì muốn hiểu về cách thức sinh trưởng của một cái cây, thích thú với một con tính hay hào hứng với một bài thơ.

Vì cho rằng tất cả những gì liên quan tới giáo dục đều nằm ở trường học, các bậc phụ huynh đổ mọi tội lỗi lên đầu các thầy cô giáo và nhà trường - trong khi gia đình cũng đóng một phần quan trọng trong việc định hình nhân cách con trẻ. Những đứa trẻ trong thời buổi ăn sung mặc sướng biết dùng iPhone trước khi biết mở miệng chào người lớn tuổi, ăn còn làm vãi nhưng đã biết bắt nạt thầy cô vì bố mẹ chúng sẵn sàng lên "kiến nghị" bất cứ lúc nào.

Trẻ con không chỉ cần học chữ, chúng cần học cách làm người. Chúng ta có đang quên mất điều đó?

Ngẫm về triết lý thực sự của việc "trồng người"

Năm 1939 ở Tokyo (Nhật Bản), có một cô bé 6 tuổi bị đuổi khỏi trường Tiểu học vì quá nghịch ngợm: hay thò đầu ra cửa sổ, liên tục làm trái quy định lớp học và "đầu têu" đủ các trò khiến cô giáo bó tay.

May mắn thay, người mẹ giàu tình yêu thương và lòng vị tha của cô đã quyết định chuyển con gái mình tới một trường học phù hợp hơn. Nếu không ngày nay chúng ta đã không thể có một nữ minh tinh Nhật Bản, ngôi sao truyền hình, đại sứ WWF, tác giả của một trong những cuốn sách bán chạy nhất xứ sở anh đào "Tottochan, cô bé bên cửa sổ".

Nếu như năm 6 tuổi Tetsuko Kuroyanagi (Tottochan) không được nhận một nền giáo dục đầy tính nhân văn trong ngôi trường Tiểu học cởi mở ấy, sự sáng tạo và những ý tưởng đột phá của bà đã không bao giờ có cơ hội phát huy sau này. Bởi vì "dạy học" và "giáo dục" là hai khái niệm khác biệt.

Ở Việt Nam đã xuất hiện những ngôi trường được đầu tư ngàn tỉ với cơ sở vật chất hiện đại và các chương trình ngoại nhập, điều này đang tạo ra cơ hội tiếp cận với một nền giáo dục tiên tiến hơn cho trẻ em ở những gia đình khá giả. Nhưng với đại bộ phận người dân, con em họ chỉ có thể trông chờ vào cái tâm của mỗi người thầy, nếu nền Giáo dục vẫn chưa định hình được giá trị cốt lõi của mình.

Con em chúng ta cần được học, được cảm nhận tình yêu cuộc sống và được phát triển. Giống như Tottochan, hãy để lũ trẻ có cơ hội được cười đùa với những người hát rong, trò chuyện với đôi chim nhạn và nhận ra ngăn kéo bàn học ở trường là cả một thế giới thú vị.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày