Sau ngày thi THPT đầu tiên, kết quả dù thấp hơn kỳ vọng bạn cũng không được phép bỏ cuộc

hangcham, Theo Trí Thức Trẻ 00:07 23/06/2017

Nếu môn thi đầu không tốt hãy nỗ lực cho môn thi thứ hai. Nếu môn thi đầu chủ quan, môn thi thứ hai càng phải thận trọng... Khi đó bạn càng phải chiến đấu mạnh mẽ, hết mình như một chiến binh không còn gì để mất.

Để bước tới những ngày thi THPT đang diễn ra này, mỗi thí sinh đều có cho mình những sự chuẩn bị rất kĩ càng từ kiến thức đến tâm lý. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những thiếu sót sẽ không xảy ra. Bởi đơn giản, không chỉ trong những kỳ thi mà còn trong cuộc sống, yếu tố bất ngờ luôn xảy ra, có thể theo hướng tích cực hoặc ngược lại mà bạn không lường trước được. Vậy nên mới có chuyện, những sĩ tử dù bước vào kì thi với hừng hực khí thế, tự tin vì đã ôn luyện đầy đủ nhưng khi ra khỏi phòng thi lại chán nản và buồn rầu vì kết quá không được như mục tiêu đề ra. Vậy chuyện gì đã xảy ra? Vì sao tình thế thay đổi khi bạn bắt đầu vào bài thi? 

Kết quả không được như mong muốn, có thể do yếu tố "bất ngờ"?

Sau ngày thi THPT đầu tiên, kết quả dù thấp hơn kỳ vọng bạn cũng không được phép bỏ cuộc - Ảnh 1.

Hãy cứ học hành tử tế, hãy cứ chăm chỉ và nỗ lực hết mình, đừng quá lo lắng về kết quả và suy sụp bởi những ý nghĩ tiêu cực và những điều chưa xảy ra.

Có thể do yếu tố tâm lý, bạn mất bình tĩnh, tim đập chân run và tốn khá nhiều thời gian để ổn định trước khi làm bài. Cũng có thể bạn quá chủ quan mà nộp bài nhanh, không kiểm tra lại kĩ càng. Hoặc vì rằng, trong buổi thi Toán hôm qua, bạn đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi quên mang máy tính... Tất cả những điều này, dù ít dù nhiều đều sẽ ảnh hưởng đến kết quả bài thi. Lúc ấy hẳn tâm trạng của các bạn hẳn sẽ chán nản, hối hận, đổ lỗi cho bản thân, cảm thấy con đường phía trước trở nên mù mờ... Đây là tâm lý chung nếu chúng ta rơi vào hoàn cảnh này. Nhưng nó sẽ không thể trở thành lý do để bạn cho phép mình "buông xuôi" những bài thi tiếp theo. Một môn không được như kỳ vọng không có nghĩa là những môn còn lại chịu chung số phận. Những vấn đề tâm lý, những sai lầm của bạn trong ngày thi hôm nay ai bảo rằng sẽ là dấu chấm hết cho một kỳ thi thấy bại?

Đã cố gắng hết sức, kết quả không khả quan - Ít nhất điều này đã phản ánh năng lực của bạn tại thời điểm hiện tại 

Không nằm trong số những trường hợp trên và đã nỗ lực hết sức, nhưng cảm thấy bài thi của mình sẽ không đạt điểm cao thì cũng đừng quá buồn vì chuyện này nhé các sĩ tử. Vì ít nhất điều này đã phản ánh năng lực, kiến thức của bạn ở thời điểm hiện tại. Thí sinh nào đi thi chẳng muốn đạt điểm tối đa, nhưng lượng kiến thức của mỗi người khác nhau, có thí sinh thêm vài phần trăm may mắn nếu đề thi vào phần kiến thức sở trường của mình, có người không... Chỉ là mong bạn hiểu rằng, mọi thứ không tuyệt vọng như bạn nghĩ. Hãy cứ học hành tử tế, hãy cứ chăm chỉ và nỗ lực hết mình, đừng quá lo lắng về kết quả và suy sụp bởi những ý nghĩ tiêu cực và những điều chưa xảy ra.

Và dù vì lý do nào đi nữa, bạn cũng không được phép bỏ cuộc

Tôi cũng từng trải qua kỳ thi đại học, từng trải qua cảm giác cầm đề Sử trên tay mà "hoa mắt chóng mặt" sau đó gục đầu xuống bàn và tự xác định được kết quả trượt 100% kỳ thi năm đó. Gục mặt xuống bàn khoảng gần 1 tiếng đồng hồ (thời điểm đó môn Sử thi trong 180 phút), tôi bỗng suy nghĩ đến rất nhiều điều, thậm chí bật khóc. Vì sao ư? Tôi nghĩ đến mẹ tôi, vượt hàng trăm cây số đưa con đi thi với số tiền ít ỏi dành dụm. Tôi nghĩ đến việc bản thân trong phòng thi buông xuôi tất cả, còn mẹ tôi ngoài kia giữa cái nắng gay gắt, đôi mắt khắc khổ đang cầu nguyện cho con làm bài tốt. Tôi còn nghĩ về những ước mơ... Ở thời điểm đó, những mục tiêu, ước mơ giúp tôi có thêm động lực, quyết tâm làm bài. Ở thời điểm đó, những nghĩ suy về người thân, gia đình buộc tôi phải cố gắng. Chính những áp lực tự tạo ra cho mình này đã trở thành động lực khiến bản thân không có gì phải tiếc nuối cả. Kỳ thi năm đó, môn Sử của tôi đạt 4,75 điểm - không phải điểm liệt, 2 môn còn lại đạt điểm số tương đối bù vào. Không đỗ NV 1, nhưng đỗ NV2, vào khoa mà tôi yêu thích. Hiện tại, được làm công việc đúng chuyên ngành. 

Sau ngày thi THPT đầu tiên, kết quả dù thấp hơn kỳ vọng bạn cũng không được phép bỏ cuộc - Ảnh 2.

Đừng mất quá nhiều thời gian cho sự lo lắng và sợ hãi.

Từ câu chuyện của bản thân, tôi chỉ muốn nói với bạn, đừng bao giờ bỏ cuộc, đừng bao giờ để mình hối hận, hổ thẹn với bản thân vì chưa sống trọn cho mục tiêu đề ra. Nếu năm đó tôi nộp giấy trắng thì mọi thứ sẽ ra sao? Tôi sẽ thất bại! Thất bại trước hết vì đã bỏ cuộc, thất bại vì đã không chiến đấu hết mình... Bởi vậy, đứng trước bước ngoặt quan trọng của đời học sinh, áp lực căng thẳng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để có một kỳ thi thành công và đánh giá đúng năng lực của bản thân, những suy nghĩ lo lắng ấy chỉ nên xuất hiện trong một vài khoảnh khắc nào đó. Đừng đánh mất thời gian cho sự lo lắng và sợ hãi. 

Nếu môn thi đầu không tốt hãy nỗ lực cho môn thi thứ hai. Nếu môn thi đầu chủ quan môn thi thứ hai càng phải nhắc nhở bản thân thận trọng... Khi đó bạn càng phải chiến đấu mạnh mẽ, hết mình như một chiến binh không còn gì để mấtTin tôi đi, nếu bạn "hết mình" với kì thi THPT đang đến gần, đương nhiên nó cũng sẽ "mỉm cười" với bạn!