Sau khi tạo nên những hiện tượng Vpop, vì sao các sản phẩm tiếp theo của Orange và Osad không thành công như mong đợi?

Nguyệt Kiều, Theo Trí Thức Trẻ 21:42 28/12/2018

Không thể phủ nhận thành công của "Người lạ ơi" hay "Người âm phủ", nhưng dựa hơi những ca khúc này để cho ra một sản phẩm na ná lại không phải là một bước đi đúng đắn ở thời điểm này của Orange và Osad.

Thời gian qua, những nghệ sĩ underground gần như đã chiếm sóng Vpop với hàng loạt những bản hit có lượt xem Youtube lên đến hàng chục, hàng trăm triệu và liên tục đứng top ở những bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến. Dựa vào sức nóng của ca khúc trước đó để thu hút sự chú ý cho lần trở lại tiếp theo là một điều đúng đắn, tuy nhiên việc sản xuất một sản phẩm không thoát được cái bóng của quá khứ lại là nước cờ thiếu khôn ngoan. "Tình nhân ơi" (Orange, Binz) và "Em có thể" (OSAD, VRT), hai sản phẩm mới nhất của những nghệ sĩ đến từ giới underground là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Từ những ca khúc thành hiện tượng…

"Người lạ ơi" là bài hát đình đám của năm 2018, không chỉ đối với giới underground mà còn có sức ảnh hưởng lớn tại Vpop. Ngay từ khi vừa mới phát hành, bài hát đã trở thành một hiện tượng trên khắp các trang mạng xã hội. "Người lạ ơi" được yêu thích nhờ phần rap nặng tình cảm, điệp khúc bắt tai và có "killing part" dễ dàng trở thành trích dẫn của hàng loạt dòng trạng thái trên Facebook. Giọng hát đầy nội lực của Orange cũng là một điểm cộng rất lớn, chưa kể đến chủ đề "người lạ" đánh trúng tâm lý tò mò của giới trẻ.

Sau 11 tháng phát hành, ca khúc này đã có tới gần 170 triệu lượt xem trên Youtube. Cũng chính "Người lạ ơi" đã đưa tên tuổi của Orange trở nên phổ biến, dẫn đường cho cô đến với giải thưởng "Best New Asian Artist" tại lễ trao giải MAMA 2018.

Người Lạ Ơi - Karik, Orange, Châu Đăng Khoa

Nếu "Người lạ ơi" là một ca khúc phù hợp với tâm trạng cô đơn, buồn bã thì "Người âm phủ" (OSAD) lại là "thánh ca thả thính" thành công nhất của năm nay. Điểm mạnh của "Người âm phủ" nằm ở ca từ gần gũi, duyên dáng, rất nhiều câu trong bản rap nổi tiếng này cũng đã trở thành câu nói cửa miệng của giới trẻ trong một thời gian dài. 70 triệu lượt xem Youtube cho một bản audio trên Youtube đã là một con số khủng, cộng với 10 triệu lượt xem cho MV chính thức và vô số những bản cover của các hotboy, hotgirl với số lượt xem lên đến hàng triệu, thành tích mà "Người âm phủ" đạt được là niềm mơ ước của bất cứ nghệ sĩ Vpop nào.

Orange và Osad - hai hiện tượng Vpop loay hoay sau cú chạm đỉnh: Hãy sáng tạo giá trị mới nếu không muốn bị rớt đài - Ảnh 2.

Sự kết hợp cùng Karik và SuperBrothers đã giúp Orange trở thành một hiện tượng Vpop đầu 2018, sở hữu sản phẩm vượt mặt nhiều tên tuổi lớn.

Giải mã cho sự thành công của "Người lạ ơi" và "Người âm phủ", yếu tố mới lạ là đáp án đầu tiên. Karik là một cái tên nổi tiếng từ lâu, nhưng sự nổi tiếng của anh chỉ giới hạn ở cộng đồng underground, còn Orange và OSAD đều là những gương mặt mới lần đầu xuất hiện trước công chúng. Thể loại âm nhạc mà những nghệ sĩ này theo đuổi cũng không hề cũ kĩ, nếu như "Người lạ ơi" là sự kết hợp "mẫu mực" trong rap – hip hop bao gồm phần rap và phần giai điệu, thì "Người âm phủ" lại lần đầu tiên trình làng thứ nhạc rap có flow đơn giản theo kiểu… đọc thơ, tâm sự.

Trở lại thời điểm đầu năm nay, khi mà nhạc Việt vẫn còn chạy theo những bản ballad buồn thì sự có mặt của phần rap trong ca khúc là một điều hoàn toàn mới mẻ. Sự cộng hưởng của một gương mặt mới, một thể loại âm nhạc mới đã khiến cho phản ứng của khán giả càng bùng nổ hơn, đưa hai bài hát "Người lạ ơi" và "Người âm phủ" trở thành những bản hit quốc dân mà kể cả những người không mấy quan tâm đến nhạc Việt cũng có thể vô tình nghe qua ít nhất một lần.

Người Âm Phủ - OSAD x VRT | OFFICIAL VERSION

Nếu như sự mới lạ là chìa khóa cho sự thành công của "Người lạ ơi" và "Người âm phủ", thì chính nó cũng đặt ra một thách thức không hề nhỏ cho chủ nhân của những bản hit này. Chưa nói đến bài toán làm sao để những sản phẩm sau có thể vượt qua thành công quá lớn của sản phẩm trước, thách thức đầu tiên nằm ở việc thỏa mãn sự tò mò và kì vọng của khán giả. Kì vọng sau một sản phẩm âm nhạc thành công không nhất thiết phải là một sản phẩm bùng nổ hơn, nổi tiếng hơn mà đôi khi chỉ cần là việc khẳng định được hướng đi lâu dài, một sự tìm tòi, khám phá ra những giá trị mới mẻ nhưng vẫn giữ được bản sắc cá nhân đã làm nên thành công trước đó.

Orange và Osad - hai hiện tượng Vpop loay hoay sau cú chạm đỉnh: Hãy sáng tạo giá trị mới nếu không muốn bị rớt đài - Ảnh 4.

Thành công của hiện tượng "Người Âm Phủ" đưa Osad bước ra ánh sáng, với loạt ca khúc thả thính thương hiệu của mình.

… đến phản ứng không như kì vọng của những sản phẩm "ăn theo"

Trở về từ MAMA 2018, Orange đã kết hợp với rapper Binz để cho ra mắt ca khúc "Tình nhân ơi". "Tình nhân ơi" có công thức tương tự với "Người lạ ơi", cùng một chủ đề và thể loại RnB, đều có cấu trúc bao gồm phần rap và phần giai điệu. Điểm khác biệt lớn nhất giữa "Tình nhân ơi" và "Người lạ ơi" nằm ở chỗ phần giai điệu của "Tình nhân ơi" chiếm ưu thế hơn so với phần rap và gần như có thể tách ra thành một bài hát riêng biệt.

Ngoài âm nhạc, phần nhìn của MV "Tình nhân ơi" cũng được đánh giá là giống với "Người lạ ơi". Từ bối cảnh cho đến màu sắc, nội dung… đều khá giống với bản hit trước đó của Karik và Orange, và tiêu đề bài hát cũng có liên hệ chặt chẽ với nhau.

MV "Tình nhân ơi" - Orange x BinZ

Orange đã thuyết phục được khán giả không chỉ ở trong nước mà còn là khán giả quốc tế qua màn trình diễn đầy nội lực tại sân khấu MAMA, sự chú ý của công chúng dồn về cô lúc này là tương đối lớn. Cộng thêm hiệu ứng từ "Người lạ ơi" và đánh giá khách quan rằng "Tình nhân ơi" là một ca khúc hay, thu hút, "Tình nhân ơi" được kì vọng như một bước đi đưa tên tuổi của Orange đến gần hơn nữa với công chúng.

Tuy nhiên, sau 2 ngày ra mắt, MV chính thức của "Tình nhân ơi" chỉ đạt được thành tích khiêm tốn là 1,6 triệu lượt xem và cũng không có thứ hạng cao trên top trending. Đem so với thành tích trong những ngày đầu của "Người lạ ơi", "Tình nhân ơi" rõ ràng kém xa ("Người lạ ơi" đạt đến 4 triệu lượt xem trong 48 giờ đầu tiên và bám trụ khá lâu ở top 1 trending Youtube). Khán giả không có phản ứng quá tích cực với ca khúc, hiệu ứng từ các trang mạng xã hội đều không bùng nổ như "Người lạ ơi", dù "Người lạ ơi" ra mắt không kèn không trống và không hề dựa vào bất cứ ca khúc nào làm tiền đề.

Đánh giá điều này, có thể nói chủ đề tình nhân không còn quá mới mẻ, giai điệu có phần lê thê hơn "Người lạ ơi" được cho là 2 lý do chủ yếu khiến "Tình nhân ơi" không gây đột phá. Đặc biệt, phần ca từ đắt giá nhất và được bố trí tại "điểm rơi" gây nghiện nhất: "bên anh đã tạnh chưa/ trời bên em vẫn mưa/ anh đã có yêu thêm ai nữa/ em thì vẫn chưa" lại quá quen thuộc và phổ biến với những bạn trẻ nghiện ngôn tình – điều này khiến cho mức độ chia sẻ và lan truyền nội dung của bài hát giảm đi khá nhiều.

Orange và Osad - hai hiện tượng Vpop loay hoay sau cú chạm đỉnh: Hãy sáng tạo giá trị mới nếu không muốn bị rớt đài - Ảnh 6.

"Tình nhân ơi" không nhận được nhiều phản ứng tích cực như "Người lạ ơi" dù có công thức tương tự

Dù ekip của Orange không đặt mục tiêu "Tình nhân ơi" có thể lặp lại được thành công của "Người lạ ơi", nhưng với điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" mà Orange và đứa con tinh thần của mình đang có, "Tình nhân ơi" đem lại sự hụt hẫng không hề nhỏ.

Tương tự với trường hợp của "Tình nhân ơi" là "Em có thể" (OSAD, VRT). Vào ngày 20/12 vừa qua, chủ nhân của bản hit "Người âm phủ" đã tung ca khúc mới có tên là "Em có thể". Tiếp tục phát huy sở trường là phần lời rap gần gũi với giới trẻ, OSAD đã có thêm một ca khúc "thả thính" dễ thương. Tuy nhiên, nếu đặt hai ca khúc này cạnh nhau, có thể thấy một sự trùng hợp về ý tưởng lẫn cách trình bày bài hát.

MV "Em có thể" - OSAD

Đối với OSAD và "Em có thể", tình hình lại càng ảm đạm hơn. Ca khúc hiện tại đã nhận được 2 triệu lượt xem trên Youtube sau 6 ngày ra mắt và không được nhắc đến quá nhiều trên mạng xã hội như cú bùng nổ trước đó mà rapper này làm được. Bên cạnh những góp ý về việc chất giọng của OSAD không thật sự phù hợp với mảng rap và không mang nặng cái "chất" của giới underground, rất nhiều bình luận của khán giả đều cho rằng "Em có thể" là một sản phẩm ăn theo thành công của "Người âm phủ", và sự ăn theo này khiến khán giả cảm thấy đây là một món ăn cũ kĩ. Flow rap theo kiểu "đọc thơ" của OSAD từng là điểm nhấn đáng chú ý, tuy nhiên cách gieo vần và nhịp điệu của "Em có thể" không có sự biến hóa mà giữ nguyên như trong "Người âm phủ" đã làm điểm số của ca khúc này giảm đi rất nhiều.

Orange và Osad - hai hiện tượng Vpop loay hoay sau cú chạm đỉnh: Hãy sáng tạo giá trị mới nếu không muốn bị rớt đài - Ảnh 8.

Những ca khúc "thả thính" đã thành thương hiệu của OSAD. Tuy nhiên đến sản phẩm mới, anh bị đánh giá một màu.

Nghệ sĩ hãy sáng tạo nên những giá trị mới, đừng nên "ăn mày quá khứ"

Âm nhạc Việt Nam ngập tràn các bài hát ballad, mỗi một nghệ sĩ đều chọn ballad làm phương án an toàn nhất nếu muốn nâng cao độ phổ biến của mình trong đại chúng, thế nhưng rất ít khán giả phản ứng với công thức chung an toàn này. Lý do vì sao âm nhạc của giới underground mà hai trường hợp nhãn tiền là "Tình nhân ơi" (Orange, Binz) và "Em có thể" (OSAD, VRT) lại không khiến khán giả mặn mà và nhanh chóng bị gắn cái mác "rập khuôn", dù là sản phẩm ăn theo thành công của chỉ một sản phẩm đã phát hành trước đó?

Lý do đầu tiên phải nhắc đến là độ nổi tiếng của những "bản gốc". "Người lạ ơi" và "Người âm phủ" đã có một khoảng thời gian dài "tung hoành" trên khắp mọi ngách cùng ngõ hẻm, từ mạng xã hội cho đến đời thực. Sự nổi tiếng này khiến cả những khán giả không quan tâm đến cũng phải nghe đi nghe lại không ít lần, dần dần ý tứ của bài hát và giai điệu đã trở nên quen thuộc đến mức nhàm chán.

Như đã nói ở trên, thành công của "Người lạ ơi" và "Người âm phủ" được quyết định bởi một yếu tố đặc biệt quan trọng là sự mới mẻ. Đối với "Tình nhân ơi" và "Em có thể", lợi thế mới mẻ này gần như đã mất hẳn, buộc nghệ sĩ phải tìm hướng đi mới chứ không chỉ là làm ra một phiên bản na ná với sản phẩm đã có của mình.

Vốn là những nghệ sĩ underground nhưng sau thành công của "Người lạ ơi" và "Người âm phủ", Orange và OSAD đều hoạt động không khác gì những nghệ sĩ mainstream. Đến lúc này, yêu cầu của khán giả đặt ra với những nghệ sĩ underground này cũng cao hơn. Ca khúc không còn truyền đến tai khán giả một cách vô tình mà là do khán giả chủ động tìm nghe, nên khán giả cũng có quyền đánh giá khắt khe hơn một khi ca khúc không được như kì vọng.

Song song với lý do này, thể loại và cá tính âm nhạc mà giới underground lựa chọn cũng là một nguyên nhân rất lớn khiến cho so sánh và liên tưởng của khán giả càng thêm rõ ràng. Những ca khúc "thả thính" của OSAD không thể bắt gặp ở bất cứ nghệ sĩ nào khác, tương tự, cách xây dựng phân đoạn trong bài hát của Orange với Karik và Binz cũng đã thành thương hiệu.

Có cá tính riêng nhưng lại không thể sáng tạo ra được một sản phẩm hoàn toàn mới là một điều đáng thất vọng, khiến cho khán giả đánh giá thấp sức sáng tạo – điều làm nên sự khác biệt và là thế mạnh của giới underground.

Orange và Osad - hai hiện tượng Vpop loay hoay sau cú chạm đỉnh: Hãy sáng tạo giá trị mới nếu không muốn bị rớt đài - Ảnh 9.

Osad và Orange - Hai tân binh được đánh giá cao trong năm 2018 nhờ các hit lớn. Tuy nhiên, sản phẩm sau này của họ không nên đi theo lối mòn, như vậy mới khẳng định được sự sáng tạo trong âm nhạc.

Nhìn chung, hai ca khúc "Tình nhân ơi" (Orange, Binz) và "Em có thể" (OSAD, VRT) vẫn nhận được nhiều lời khen vì đánh trúng tâm lý của người nghe mà nhất là các bạn trẻ. Nhưng về lâu dài, khi tiếng vang trước đó của "Người lạ ơi" và "Người âm phủ" đã hoàn toàn nguội lạnh mà "Tình nhân ơi" và "Em có thể" lại không thể bật lên, rất có thể Orange hay OSAD sẽ phải chật vật để tìm ra một con đường khác thoát khỏi cái bóng của loạt sản phẩm na ná nhau. Điều đáng ngại hơn đó là những sản phẩm sau này của các nghệ sĩ underground nói trên rất có thể sẽ không được khán giả hào hứng chờ đợi như ở trong "thời điểm vàng" hiện tại.

Một khán giả yêu mến Orange đã nhận xét: "Mặc dù mang sẵn tâm lý coi "Tình nhân ơi" là "Người lạ ơi 2", nhưng tôi cảm thấy nó… giống "Người lạ ơi" quá, thậm chí giai điệu nó khá lê thê. Rất có thiện cảm với Orange sau MAMA nên hình ảnh rập khuôn của Orange trong "Tình nhân ơi" làm tôi khá thất vọng. Với năng lực của Orange, cô ấy cần một bước tiến mới, nếu không biết tận dụng cơ hội mà "dậm chân tại chỗ" lâu dần sẽ bỏ lỡ thời điểm phát triển. Hi vọng sản phẩm tiếp theo của Orange không phải là "Người quen ơi" hay là "Người yêu cũ ơi"".

Nhìn lại một cái tên rất nổi bật trong giới underground là Justatee, có thể thấy được sự tìm tòi, sáng tạo trong âm nhạc đã giữ cho sự nổi tiếng và kì vọng của khán giả đối với anh luôn ở mức cao. 5 năm trước, bản hit "Forever alone" của Justatee là một cú nổ lớn trong làng nhạc Việt không khác gì "Người lạ ơi" hay "Người âm phủ" trong thời điểm hiện tại, nhưng Justatee không ra thêm bất cứ sản phẩm nào giống với "Forever alone" sau khi bài hát này đã quá thành công. Từ những bản hit "Bâng khuâng" cho đến "Mặt trời của em", "Vì đã lỡ yêu em nhiều"và gần đây nhất là "Thằng điên", Justatee luôn không ngừng đổi mới trên nền tảng được định hình sẵn là phong cách nhẹ nhàng và thể loại pop pha RnB. Dù Justatee luôn khẳng định mình là một nghệ sĩ underground nhưng khán giả từ lâu đã coi anh như một nghệ sĩ mainstream với chất lượng âm nhạc ổn định, chưa bao giờ gây thất vọng vì cố gắng lặp lại thành công của chính mình.

Thằng Điên là một thành công nối tiếp JustaTee sau chuỗi hit trước đó. Màu sắc âm nhạc của sản phẩm này cũng thoát khỏi cái bóng lớn để mang lại sự mới mẻ trong mắt khán giả.

Từ những cái tên được mong chờ cho đến hai sản phẩm gần đây nhất không gây được ấn tượng mạnh với công chúng như trước, Orange, OSAD hay những nghệ sĩ underground đã có trong tay những bản hit lớn nên nhìn lại điều gì khiến những sản phẩm trước của mình trở nên phổ biến trong công chúng. Không nhờ một bàn đạp nào khác, những bản hit của giới underground cần chinh phục khán giả bằng sự độc đáo có một-không-hai của mình.