Sài Gòn: những hàng ăn của các ông bà cụ "gần đất xa trời" vừa gây xúc động vừa cho thấy lao động là vinh quang

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 13:52 26/03/2019

Mặc dù nhận được nhiều sự đồng cảm và giúp đỡ của cộng đồng, nhưng cụ ông cụ bà vẫn thích bươn chải để cầm được đồng tiền tự tạo ra do lao động chân chính. Nếu có dịp, bạn hãy ghé ủng hộ nhé!

Có đôi khi đi trên đường, ta bất chợt chạnh lòng khi nhìn thấy một cụ ông, cụ bà bên gánh hàng rong tần tảo mưu sinh. Nhìn đôi bàn tay gầy gò nâng niu từng cái bánh nhỏ, từng ly nước, nhìn thân hình lom khom nhưng hãy còn nhanh nhạy, thạo việc mà xào nấu, bên cạnh sự xúc động ta còn cảm thấy một nỗi ngưỡng mộ vô bờ. Bởi vì dù là lý do gì, thì những cụ công, cụ bà "gần đất xa trời" này vẫn ngày ngày chăm chỉ lao động, chăm chỉ làm ra những món ngon mà phục vụ cộng đồng.

Thậm chí, có những cụ vốn không cần phải vất vả đi bán, nhưng vẫn cứ đi "vì bọn trẻ con thích" hay "mình không bán thì người ta chẳng có mà ăn". Những chiếc bánh nhỏ, những cái kẹo chẳng đáng giá là bao, nhưng được bỏ vào đấy vô vàn công sức và tâm tình. Vì thế, khi nào có dịp, hãy ghé thăm và ủng hộ những cụ ông, cụ bà này nhé!

Kẹo bông gòn Ông ngoại

Hơn 60 năm đi bán kẹo bông gòn, "lãi" được một đống cháu ngoại, chính là câu chuyện của ông Huỳnh Văn Bảy hơn 90 tuổi. Hai chữ ông ngoại thân thương trở thành "thương hiệu" của ông vốn chỉ xuất phát từ cách gọi gần gũi của những đứa trẻ hay mua kẹo. Bán kẹo từ những năm 1975, xe kẹo của ông ngoại đã nhìn không biết bao nhiêu lớp trẻ Sài Gòn trưởng thành. Có những lúc ông nghĩ muốn về hưu, vì tuổi tác quá lớn, làm không nổi nữa, thì lại bị giọng nói non nớt của các "cháu" làm mủi lòng: "Ông ngoại đừng nghỉ bán, ông ngoại đừng chết nha,  ông ngoại chết là tụi con không có kẹo ăn nữa..."

Sài Gòn: những hàng ăn của các ông bà cụ gần đất xa trời vừa gây xúc động vừa cho thấy lao động là vinh quang - Ảnh 2.

Kẹo bông gòn của ông như ông nói, là "chẳng có gì lạ", cũng có mùi milo, mùi dâu, mùi trái cây... song lại đầy ắp chứa chan tình cảm, là một phần tuổi thơ của không biết bao nhiêu thế hệ Sài Gòn. Năm nay ông đã 93 tuổi, mà thời gian thì không chờ đợi ai, nên nếu có dịp gặp được, hãy ủng hộ ông để nếm thử hương vị tuổi thơ của biết bao đứa trẻ Sài Gòn nhé!

Địa chỉ: Trường tiểu học Trương Định (Q.12), THCS Quang Trung (Q.4), THCS Sương Nguyệt Ánh (Q.8)... mỗi trường ông ngoại chỉ bán khoảng 1 tuần rồi lại xoay vòng. Tuy nhiên dạo gần đây sức khoẻ ông đã không còn như trước, nên không còn bán mỗi ngày.

Hủ tiếu xào Ngô Nhân Tịnh

Trên đường Ngô Nhân Tịnh (Q6) có một cụ ông bán hủ tiếu xào hơn 80 tuổi. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ 2 giờ chiều là người dân khu này lại thấy ông cần cù đẩy chiếc xe hủ tiếu ra bày hàng. Hủ tiếu ông bán không có gì đặc biệt, chẳng có đến một miếng thịt nhưng lại được người dân xung quanh ủng hộ rất nhiều. Một đĩa hủ tiếu cụ bán chỉ 10 nghìn, mỗi ngày có thể lời khoảng 120 nghìn đồng vừa đủ để trang trải tiền nhà và sinh hoạt. Song, số tiền ít ỏi này lại chỉ là "muối bỏ bể" mỗi khi bệnh tật tuổi già đeo bám. Đối với cụ, may mắn là khi bán được hết sớm để về nhà, còn hôm nào không bán được, cụ có thể phải ngồi đến khuya. Bạn nào sống gần khu vực này có thể đến ủng hộ cụ qua địa chỉ sau:

Địa chỉ: 114 Ngô Nhân Tịnh, Q.6 (5h chiều trở về sau).

Kem ốc quế ông cụ

Nhắc đến xe kem ốc quế của ông cụ Đỗ Mộng Điệp (quận Bình Thạnh), người ta không kiềm được xúc động khi biết rằng cụ ông 70 tuổi ngoài vẫn ngày ngày tần tảo bán kem để nuôi vợ bị bệnh tim. Mỗi ngày, ông dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị kem đi bán đến hơn năm giờ chiều mới về. Ông cụ sống cùng vợ mình trong nhà tình thương, hai vợ chồng nương tựa lẫn nhau suốt bao nhiêu năm qua, cùng chiếc xe bán kem cũ kỹ mua lại từ vựa ve chai.

Kem ốc quế của ông rẻ mà ngon, là thức quà khoái khẩu của hội trẻ em trong khu phố, chỉ với 3 nghìn cho một chiếc ốc quế và 5 nghìn cho một ổ bánh mì kẹp kem. Người xưa nói, "thất thập cổ lai hi", người già ngoài 70 là rất hiếm nên cần chăm sóc cẩn thận. Tuy nhiên ông cụ vẫn không dựa dẫm vào ai mà chỉ từ chiếc xe kem cũ kỹ, vẫn lo lót được cho người vợ của mình hơn ba mươi năm nay.

Bạn có thể tìm thấy xe kem của cụ ở: khu vực phường 22, quận Bình Thạnh.

Bà cụ bán nước thông thạo 4 thứ tiếng

Góc ngã ba Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo (Q.1) là "căn cứ" của cụ bà Trần Thị Định (SN 1928). Quán nước nhỏ của bà đã ở đây được 38 năm, người dân cùng khu vẫn quen gọi bà bằng cái tên thân mật là "Bà Ba". Bà Ba bán nước được xem như là "nghệ danh" của cụ. Đặc biệt, cụ còn nổi tiếng với tài năng nói được 4 thứ tiếng là tiếng Anh, Pháp, Campuchia và tiếng Hoa. 

Trong thực tế, nhiều người không chỉ đến vì nước cụ bán, mà còn đến vì những câu chuyện thú vị mà cụ đã trải qua. Nếu thích, cụ còn có thể kể lại chuyện xưa bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Cụ cho hay, quán nước là niềm vui tuổi già của cụ, sẽ bán đến khi nào không bán được nữa thì thôi.

Địa chỉ: Góc ngã ba Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, đối diện công viên 23.9 (Q1).

Bánh bò bông

Người dân sống trên đường Võ Văn Ngân (Q. Thủ Đức) cho hay, cứ hễ nghe tiếng "bíp... bíp..." là ai nấy cũng biết, ông cụ bán bánh bò bông đang trên đường "vi hành". Hơn 30 năm nay, xe bánh bò bông của cụ ông Nguyễn Văn Đạo hơn 80 tuổi đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân nơi đây. Cụ ông tuổi đã cao, nhưng ngày nào cũng dậy từ 2 giờ sáng làm bánh, đến 6 giờ 30 là đã xuất hiện trước các cổng trường, xưởng may và các khu chợ. Hôm nào bán chạy, bánh hết sớm thì sau 12 giờ trưa là ông đã có thể về nghỉ ngơi. Hôm nào còn dư nhiều, ông lại ghé qua các trường đại học nhờ sinh viên mua giúp, hoặc về ăn cơm rồi lại đi bán tiếp.

Bánh bò của ông có công thức riêng, được ông khẳng định rằng "cho trăm triệu cũng không truyền nghề". Những chiếc bánh trắng phau, mềm mại không có chút phẩm màu đã là món ăn quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Có những người đã tốt nghiệp, đi làm đôi khi vẫn nhớ ông và những chiếc bánh, vẫn thi thoảng quay lại chuyện trò đôi câu và mua ủng hộ. Thậm chí, có người còn chở con mình đến ăn.

Địa chỉ: Đường Võ Văn Ngân, Quận Thủ Đức.

Tạm kết:

Thật ra, ở Sài Gòn vẫn còn rất nhiều, rất nhiều các cụ ông, cụ bà dù đã gần đất xa trời, nhưng vì nhiều lý do mà vẫn bươn chải kiếm sống. Có người do hoàn cảnh, cũng có người do đam mê, do quyến luyến với nghề và với các thế hệ thực khách mà không nỡ "rửa tay chậu vàng". Dù là gì thì thật sự cũng rất đáng quý. Nếu có dịp, khi đi đường hãy dừng lại ủng hộ những người lao động này một cái bánh, một ly nước. Đối với bạn đó có lẽ chỉ là vài nghìn đồng, nhưng đối với họ là những hạnh phúc bé nhỏ, là nguồn sống mỗi ngày đấy.