Sadako vs. Kayako - Khi Ma Nữ Đại Chiến, nỗi sợ nhân đôi

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 00:15 06/11/2016

Sadako vs. Kayako là phần mới nhất của hai tượng đài kinh dị nổi tiếng nhất Nhật Bản, càng đặc biệt hơn khi cả hai ma nữ cùng xuất hiện với nhau trong một không gian.

Ring và Ju-On là hai thương hiệu kinh điển của dòng phim kinh dị Nhật Bản. Ma nữ tóc dài xuất hiện trong cuốn băng video bị nguyền rủa và hai mẹ con đầy oán khí hoành hành trong căn nhà là nỗi ám ảnh của rất nhiều khán giả yếu tim qua bao nhiêu năm tháng. Những con ma đáng sợ này đều đã được Hollywood làm lại với tên The Ring và The Grudge với nhiều phần liên tiếp.

Và rồi từ một lời nói đùa ngày Cá tháng Tư, đạo diễn Koji Shiraishi đã biến điều mà mọi khán giả "yêu mến" hai ma nữ này phải bất ngờ thành hiện thực: cho họ xuất hiện trong cùng một bộ phim và đánh nhau. Nghe có vẻ mông lung như một trò đùa, nhưng những gì mà Ma Nữ Đại Chiến đã thể hiện ít nhiều khiến người hâm mộ hài lòng.

Câu chuyện trong Ma Nữ Đại Chiến có thể xem là phần mới nhất của hai loạt phim. Khi mà những giai thoại về Sadako và mẹ con Kayako đều đã trở thành những câu chuyện truyền miệng thiếu tính thực tế. Giáo sư kiêm tác giả tiểu thuyết kinh dị Morishige (Masahiro Komoto) đã bảo với học trò mình rằng sẽ trả giá rất cao cho ai tìm được cuốn băng video bị Sadako nguyền rủa. Tất nhiên, chẳng ai tin vào câu chuyện ma nữ chui ra từ chiếc tivi hay gọi điện thoại cho nạn nhân khiến họ mất mạng, trừ vị giáo sư kia luôn ước ao một lần được diện kiến Sadako kia.

Trong một lần đến cửa hiệu đồ cổ để mua một đầu máy video, hai nữ sinh Yuri Kurahashi (Mizuki Yamamoto) và Natsumi Ueno (Aimi Satsukawa) vô tình mang luôn cả cuộn băng "huyền thoại" ấy về nhà. Vì một nguyên nhân bất ngờ mà chỉ một mình Natsumi xem cuộn băng rồi nhận được điện thoại từ ma nữ. Hoảng hốt trước lời nguyền được cảnh báo, Natsumi và Yuri tìm đến giáo sư Morishige để tìm cách cứu lấy bản thân trong hai ngày định mệnh.

Sadako vs. Kayako - Khi Ma Nữ Đại Chiến, nỗi sợ nhân đôi - Ảnh 2.

Cùng lúc đó, Suzuka Takagi (Tina Tamashiro), một cô nữ sinh khác đang buồn bực vì phải chuyển nhà chuyển trường theo lịch công tác của bố và bị ám ảnh bởi căn nhà bỏ hoang bên cạnh. Bất chấp nhiều lời đồn đại về hai mẹ con ma nữ độc ác (Kayako và Toshio) sẽ giết chết tất cả những ai bước vào căn nhà đó, Suzuka vẫn vào một cách bất đắc dĩ vì một vụ mất tích của 4 bé trai. Trước tình cảnh hai ma nữ hoành hành quấy phá, một pháp sư bí ẩn tên Keizo (Masanobu Ando) cùng cô nhóc phụ tá Tamao (Mai Kikuchi) đã nghĩ ra một kế sách hoàn hảo - để hai ma nữ đối đầu và giết nhau. Nhưng, kế hoạch của Keizo có thật sự hoàn hảo khi đã có quá nhiều người mất mạng?

Những khán giả chưa từng biết đến Ring và Ju-On, hay Sadako và mẹ con Kayako, vẫn có thể theo dõi được bộ phim dễ dàng. Tất nhiên đối với những khán giả từng biết về hai loạt phim này thì sẽ thấy thú vị hơn. Đặc biệt là việc tái hiện một số chi tiết nho nhỏ. Nếu như ở Ju-on là cảnh Toshio ngồi trong tủ áo cùng con mèo đen hay xuất hiện bất thình lình với tiếng kêu ghê rợn thì ở Ring là chi tiết quyển tiểu thuyết của Morishige. Trong bộ phim gốc Ring (1998) và bản tiểu thuyết của Suzuki Koji, phóng viên Arakawa (trong phim là nữ còn trong truyện là nam, nhưng cùng họ) chính là người đã viết lại cuốn tiểu thuyết Ring sau khi trải qua vụ việc và thoát chết.

Việc đưa chi tiết quyển tiểu thuyết xuất hiện trở lại trong Ma Nữ Đối Đầu sẽ khiến nhiều khán giả thấy thích thú, dù tác giả của hai tiểu thuyết này khác nhau. Bởi vì ngoại trừ cuốn băng video thì quyển tiểu thuyết chính là thứ mà Sadako rất "xem trọng" vì sự phát tán mà nó có (muốn hiểu rõ có thể tìm xem Rasen - Vòng Xoáy Chết, phần 2 của bộ truyện). Tất nhiên, với một diễn biến mới ở thời hiện đại, muốn một cuốn băng video xuất hiện hợp lý là cả một vấn đề. May mắn thay biên kịch - đạo diễn Koji đã làm khá tốt khâu phát triển tình huống này. Càng thông minh hơn khi ở phần sau của phim, ma nữ Sadako còn xuất hiện cả trên internet. Hiểm họa được lan rộng theo chiều hướng rất thực tế và nguy hiểm. Do đó mà khán giả dễ dàng chấp nhận nguyên nhân Sadako "đánh nhau" với Kayako ở phần sau.

Sadako vs. Kayako - Khi Ma Nữ Đại Chiến, nỗi sợ nhân đôi - Ảnh 4.

Tuyến truyện của Yuri và Natsumi được phát triển tốt hơn hẳn so với tuyến truyện của Suzuka. Diễn biến tâm lý lẫn mật độ nhân vật trong tuyến truyện về Sadako cũng nhiều hơn, khiến đạo diễn xử lý những chi tiết mượt mà hơn. Bù lại, tuyến truyện về mẹ con Kayako có nhiều cảnh đáng sợ hơn hẳn với tần suất hù dọa rất trực diện và dồn dập, làm sống dậy cái không khí kinh hoàng mà loạt phim Ju-On gieo rắc suốt bao nhiêu năm qua.

Có thể thấy đạo diễn Koji chắc chắn phải là một "fan" của cả hai loạt phim này khi chọn cách xây dựng hai tuyến truyện như đã nói. Nỗi sợ hãi mà Sadako gây ra trong Ring bản Nhật khác hẳn The Ring của Hollywood. Nó không phải là những cảnh hù dọa đơn thuần bằng sự ma quái hay bất ngờ mà tạo ra từ sự ám ảnh về những cái chết và sự hy sinh.

Sadako vs. Kayako - Khi Ma Nữ Đại Chiến, nỗi sợ nhân đôi - Ảnh 5.

Trong phiên bản tiểu thuyết còn miêu tả rõ nét hơn về nhân vật cô gái Sadako này, sự thương tâm của cuộc đời cô đã biến thành những oán niệm lâu dài khiến cô muốn làm cho mọi người "phát tán" nó trên diện rộng. Do đó, phần truyện của hai nữ sinh khi tìm được cuốn băng video với khá nhiều nhân vật, nhiều tình tiết và diễn biến cũng như nội tâm được miêu tả khá kĩ là một ý đồ có tính toán của đạo diễn. Nhưng ở phiên bản này, những hình ảnh từng gây hoang mang một thời trong The Ring của Hollywood cũng được tái hiện như cảnh Sadako bỏ ra từ tivi.

Vì thế mà Sadako vẫn chiếm ưu thế về phần "truyện" nhiều hơn trong phim, Kayako và Toshio thì nghiêng về phần "dọa". Điều này khiến cho câu chuyện của Suzuka được phát triển lỏng lẻo. Mối quan hệ giữa cô với cậu nhóc tiểu học không rõ ràng, tính cách của Suzuka cũng mơ hồ hơn nhiều so với Yuri và Natsumi.

Sadako vs. Kayako - Khi Ma Nữ Đại Chiến, nỗi sợ nhân đôi - Ảnh 6.

Phần hìhh ảnh trong phim vẫn đảm bảo được chất kinh dị của Nhật Bản bao lâu nay. Tuy cũng là jump-scared nhưng tần suất và phương thức xuất hiện có phần ép-phê hơn phim kinh dị Hollywood. Diễn xuất "căng thẳng" của các diễn viên cũng góp phần không nhỏ vào việc gây sợ, làm không khí trong phim lúc nào cũng căng như dây đàn. Tuy nhiên điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mạch phim, quá nhiều cảnh quay đặc tả vào biểu cảm nhân vật làm mạch phim trở nên ì ạch. Hay nói chính xác hơn là đạo diễn câu giờ để hai ma nữ gặp nhau ở khúc cuối. Đây cũng là một chi tiết đáng chê trách khi đến tận gần cuối phim khán giả mới được xem hai ma nữ đối đầu. Cả tình huống để Keizo liên kết được hai vụ ma ám lại với nhau cũng không được thuyết phục.

Sadako vs. Kayako - Khi Ma Nữ Đại Chiến, nỗi sợ nhân đôi - Ảnh 7.

Nhân vật thú vị nhất trong phim có lẽ là vị giáo sư Morishige, tâm lý của nhân vật này được xây dựng nhất quán, diễn xuất của Masahiro Komoto cũng rất thú vị. Ba nữ sinh xinh đẹp trong phim trừ Natsumi là một nhân vật nhiều mâu thuẫn, yếu đuối thì cả Yuri lẫn Suzuka đều chính là "final girl" - những cô gái sống sót đến cuối.

Sadako vs. Kayako - Khi Ma Nữ Đại Chiến, nỗi sợ nhân đôi - Ảnh 8.

Thực ra cả Yuri lẫn Suzuka có thực sự sống đến cuối hay không đành phải để các bạn đến rạp kiểm chứng, nhưng xét về mặt tinh thần và quyết tâm thì Yuri lẫn Suzuka đều là những "nữ anh hùng". Nhân vật bí ẩn nhất chính là Keizo và Tamao, năng lực cũng như xuất thân của hai nhân vật này đều gây tò mò cho khán giả, rất có thể là một mồi câu cho phần thứ hai?

Bài học đạo đức trong Ma Nữ Đại Chiến cũng khá cũ và sáo mòn, không có gì đột phá. Việc phải xào nấu một lúc hai con ma (thật ra là bốn nếu tính luôn ma nhóc con và ma mèo) đã khiến cho nhiều giá trị cốt lõi của hai loạt phim bị mất đi. Nhưng với những gì phim đã làm được về mặt hình ảnh và không khí kinh dị thì vẫn tốt. Đây vẫn là một tác phẩm nên xem với những tín đồ phim kinh dị, đặc biệt là những người từng yêu mến Ring và Ju-On.