Rợn người với nàng Mona Lisa trong tranh biết nói liến thoắng, hóa ra là nhờ một phép màu "ảo lòi"

Tuấn Hưng, Theo Trí Thức Trẻ 12:15 28/05/2019

Điều đáng nói là thuật toán này chỉ sử dụng một bức ảnh duy nhất để biến thành hình động cực kỳ chân thực.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Samsung ở Moscow đã phát triển ra một phương thức để tạo ra những "bức tranh sống" từ một kho dữ liệu vô cùng nhỏ - thậm chí là từ một bức ảnh duy nhất của hình mẫu.

Những nhà khoa học này có thể huấn luyện AI tạo ra những hình động vô cùng chân thực, sống động từ ảnh tĩnh chỉ với một bức ảnh. Với 8 đến 32 bức, trí thông minh nhân tạo này thậm chí còn cho ra được sản phẩm cực giống thật.

Rợn người với nàng Mona Lisa trong tranh biết nói liến thoắng, hóa ra là nhờ một phép màu ảo lòi - Ảnh 1.

Mona Lisa "chanh sả" ngày nào giờ cũng buôn chuyện như ai

Bởi hệ thống này chỉ cần một bức hình duy nhất, các nhà nghiên cứu đã có thể khiến những bức hoạ nổi tiếng như sống dậy, và kết quả thu được là những tấm hình chân dung như bước ra từ Harry Potter.

Nhà văn Fyodor Dostoevsky – người đã mất trước khi máy quay phim ra đời, giờ đây lại có thể cử động và trò chuyện với chúng ta. Nàng Mona Lisa "chanh sả," lạnh lùng ngày nào giờ đây cũng tám chuyện vanh vách với cô đào bốc lửa nhất nhì nước Mỹ Marilyn Monroe. Hoạ sỹ tài ba Salvador Dali chắc chắn sẽ khiến người xem phải bật cười vì biểu cảm khuôn mặt tấu hài "cực mạnh."

Rợn người với nàng Mona Lisa trong tranh biết nói liến thoắng, hóa ra là nhờ một phép màu ảo lòi - Ảnh 2.

Nhà văn đại tài Fyodor Dostoevsky hoá ra vẫn còn nhiều điều muốn nói

Vậy đâu là phép màu đằng sau sự biến đổi kỳ diệu này? Thuật toán AI này đã được huấn luyện bằng hàng loạt những video người nói chuyện, cụ thể hơn là bộ sưu tập hơn 7.000 hình ảnh của người nổi tiếng được trích xuất từ các video trên YouTube.

Chính bài tập này đã giúp hệ thống nhận diện được đâu là những đặc điểm của khuôn mặt như hình dạng mắt, miệng hay chiều dài của cánh mũi.

Rợn người với nàng Mona Lisa trong tranh biết nói liến thoắng, hóa ra là nhờ một phép màu ảo lòi - Ảnh 3.

Cô đào nước Mỹ Marilyn Monroe chắc là đang tám với "mụ" Mona Lisa đây mà

Đây cũng là điều khiến công nghệ này vượt xa các thuật toán khác như DeepFake. Thay vì việc dậy cho trí tuệ nhân tạo cách ghép mặt người này vào cơ thể người khác nhờ các biểu cảm khuôn mặt, thuật toán này sẽ phát hiện các bộ phận trên mặt người rồi điều chỉnh theo ý muốn.

Ứng dụng của công nghệ mới này có thể được mang lên màn ảnh với hiệu ứng kỹ xảo, hay dùng để làm ảnh đại diện động khi gọi video, chơi game, …

Cùng xem AI này đổi trắng thay đen, biến người này thành người khác chỉ với vài tấm ảnh tĩnh

Theo Vice