Reply
2019
Chớp mắt đã 30
năm qua 3 thế hệ Kpop,
đế chế trên bờ vực thẳm,
BTS và BLACKPINK có cứu nổi
giấc mơ vươn ra thế giới?
kpop
emagazine
“Kpop bắt đầu từ khi nào?”, đó là câu hỏi hàng triệu fan trên toàn thế giới vẫn luôn tò mò. Gen 1 là người tiên phong, Gen 2 kế thừa và tiếp nối, Gen 3 tiếp tục học hỏi từ cái cũ và lập nên những kỳ tích dẫn đầu thế hệ mới. Ai sẽ kế thừa ngai vàng Kpop? Hãy để thời gian trả lời.
september
2918
Tíc tắc, tíc tắc, tíc tắc... RENGGG!!!
Lớp trưởng: “Cả lớp đứng dậy, chào cô giáo!”
...
Năm 1997, trong một lớp học nhỏ, Sung Shi Won và cô bạn cùng lớp chạy thục mạng lên bục giảng với 2 cuốn băng dày cộp còn nhòe nhoẹt dấu mực trên tay, thi nhau nhét bằng được album của Sechskies và H.O.T vào đầu băng TV.
Sung Shi Won “Này, Eun Dokki (tên gọi fan của Eun Ji Won nhóm Sechskies)! Cậu định nghe nhạc của nhóm chưa có nổi 1 nghìn fan à?”
Eun Dokki “Này Ahn Phu nhân! (tên gọi fan của Tony Ahn nhóm H.O.T), cậu không biết Kpop top 10 tuần này Sechskies đã giành chiến thắng hay sao?”
Sung Shi Won “Cậu nói thử xem nhóm đó giành cúp vàng khi nào? Trong concert Speed 0112 chẳng có nổi mấy fan của Sechskies xuất hiện. Màu bóng vàng cũng đã bị hòa tan trong màu bóng trắng rồi. Sechskies mãi vẫn chỉ là hàng nhái của H.O.T thôi!”
- Trích “Reply 1997” -
“Kpop bắt đầu từ khi nào?”, đó là câu hỏi hàng triệu fan trên toàn thế giới vẫn luôn tò mò. Có lẽ ngay cả những chuyên gia đầu ngành, những nhà phân tích âm nhạc hay những “ông lớn” luôn dõi theo Kpop hơn 3 thập kỷ qua cũng khó mà tự tin đặt bút viết ra một con số cụ thể. Sở dĩ tôi quyết định trích lại một phân đoạn thoại trong bộ phim “Reply 1997” vì nó là thước phim rõ nét nhất về Kpop thuở sơ khai. Theo những hình ảnh được biên kịch Lee Woo Jung khắc họa trong tác phẩm truyền hình “Reply 1988”, “Reply 1994”, “Reply 1997”, thời kỳ thai nghén của Kpop đã bắt đầu xuất hiện từ những năm 1988-1990. Chỉ là chẳng ai ngờ được rằng, suốt 30 năm qua, Kpop vẫn luôn tồn tại như một bức tranh nguyên bản, có khởi đầu, biến thiên, kế thừa rồi quay vòng theo quy luật thời gian.
Vẫn là hình ảnh rực rỡ của các nhóm nhạc Kpop trên sân khấu như một giấc mơ không có thật, những sắc màu đại diện cho mỗi fandom, những trận khẩu chiến gay gắt, cuốn album được cất giữ như kho báu, bảng xếp hạng, cúp vàng, những giai điệu thuộc nằm lòng và điệu nhảy gây nghiện. Dù sinh năm 1986, 1993 hay 2000, có lẽ bạn, tôi và hàng triệu fan Kpop ngoài kia cũng dễ dàng thấy được hình ảnh chính mình trong câu chuyện của cô bé học sinh Sung Shi Won. 30 năm, 3 thế hệ đi qua. Vừa mới ngày hôm qua, họ là thần tượng, tôi là fan, họ là họ và tôi là tôi xa cách nhường nào. Ấy vậy mà nay, họ và tôi đã trở thành chúng ta. Chúng ta đều đã trưởng thành, cùng nhìn lại toàn bộ bức tranh 3 thế hệ mang tên Kpop và giật mình nhận ra, thế hệ thứ nhất và thứ 2 đã lụi tàn, đã đến lúc họ phải nhường đường cho thế hệ thứ 3 vươn mình ra thế giới.
Trong những năm 1988-1990, sự hình thành và phát triển của làng nhạc Kpop nói riêng và làng giải trí Hàn nói chung lệ thuộc rất nhiều theo guồng quay của thời đại. Thời kỳ kinh tế châu Á còn chưa phát triển, Kpop cũng chỉ mang hình hài của một cái kén nhỏ. Kpop bắt đầu nhen nhóm từ góc nhỏ ngõ làng, vang vọng qua những chiếc radio cũ mà cha mẹ ta thường gọi là loa đài thời bao cấp. Kpop thế hệ thứ nhất bắt đầu được khai phá từ 8 huyền thoại gồm Seo Taiji and Boys, H.O.T., Sechskies, G.O.D, Turbo, Fin.K.L, S.E.S, Shinhwa. Họ là những cái tên trên bảng vàng, đặt nền móng sơ khai cho đế chế Kpop và dựng lên bức tượng sừng sững lạc vào giấc mơ của mọi đứa trẻ: idol/thần tượng. Kpop thế hệ thứ nhất đi từ yếu tố nguyên bản nhất nhưng vẫn mang màu sắc rất riêng: giai điệu và vũ đạo gây nghiện cùng những phong cách lạ lùng tạo nên xu hướng mới. Giới trẻ thời đó đua nhau chạy theo thần tượng, buộc tóc hai bên rồi lại vuốt tóc thẳng đứng và diện những bộ đồ thùng thình, không rủ nhau trốn bố mẹ đi tập vũ đạo thì cũng lén lút “tậu” về cuốn băng trân quý.
Kpop thuở sơ khai bập bẹ từ những bước đầu tiên, sáng tạo và thử nghiệm, thành công thì ít và thất bại thì nhiều, đó là điều mà nghệ sĩ thời đó phải chấp nhận. Lợi thế của việc đi từ con số 0 là có thể bắt đầu bằng những yếu tố không quá phức tạp, thỏa sức sáng tạo và không bị cái cũ bó buộc quá nhiều, nhưng lại bất lợi ở chỗ phải phá tan khái niệm cố hữu để thuyết phục khán giả chấp nhận dòng nhạc mới. Hình ảnh nhân vật Sohee trong “Reply 1994” bất chấp nhảy theo vũ đạo của “Last Festival” (Seo Taiji & Boys) giữa ánh mắt miệt thị của các cô các chú yêu mến dòng nhạc Trot (loại nhạc Pop chịu ảnh hưởng của Nhật và Triều Tiên, tồn tại lâu đời nhất tại Hàn Quốc) đã khắc họa rõ nét tầm ảnh hưởng và những khó khăn Gen 1 phải đối mặt.
Gen 1 đã làm được gì? “Candy” của H.O.T đã trở thành bản hit quốc dân, “I know” của Seo Taiji and Boys còn khiến cả làng nhạc Hàn rung chuyển dù không được giới chuyên môn đánh giá cao vì quá mới lạ. Seo Taiji và The Boys là nghệ sĩ đầu tiên đưa công nghệ MIDI (Giao diện kỹ thuật số dành cho nhạc cụ) và yếu tố âm nhạc phương Tây như rap, rock, techno vào âm nhạc, mở ra một thời kỳ hiện đại hóa và đổi mới dòng nhạc đã cũ. Không phải tự nhiên mà các nhóm nhạc thành công hàng đầu hiện nay như Big Bang, BTS, EXO, SNSD, T-ara, TWICE, Wanna One... đều thuộc nằm lòng và cover lại những ca khúc huyền thoại của Gen 1. Điều họ làm được không chỉ là xây nền móng cho nền âm nhạc nước nhà, mà còn trở thành tuổi thơ, ước mơ của những đứa trẻ và idol thế hệ sau.
Nếu Gen 1 chỉ dừng lại ở giấc mơ giản đơn, Kpop Gen 2 lại tỏ rõ tham vọng leo lên ngai vàng và bành trướng với quy mô rộng lớn hơn: thị trường châu Á. Có quá nhiều thứ để nói về thế hệ thứ 2 vì đây là giai đoạn hoàng kim của làng nhạc Hàn. BoA, DBSK, Big Bang cho đến Super Junior, SNSD, T-ara, Kara, 2AM và 2PM, SHINee, f(x), miss A, SISTAR... là những đại diện tiêu biểu cho giai đoạn này. Bắt đầu từ hiện tượng, kỳ tích của làng nhạc châu Á BoA - người đứng giữa 2 thế hệ, kế thừa và cũng là người đầu tiên đưa Kpop ra ngoài lãnh thổ Hàn Quốc. Sau sự thành công đến ngỡ ngàng tại Nhật Bản và Trung Quốc của cô ca sĩ với khả năng đa ngôn ngữ vượt ngoài sức tưởng tượng, công ty giải trí lớn như SM, JYP và YG Entertainment đã mở rộng mạnh mẽ mạng lưới ra các nước lân cận. Nhận thấy nguồn lợi nhuận khổng lồ từ các chuyến lưu diễn ở xứ sở hoa anh đào và đất nước tỷ dân, không lý nào các “ông lớn” không tìm mọi cách để có được miếng mồi béo bở, cơ hội bành trướng theo quy mô châu lục.
Tại sao lại gọi Gen 2 là thời kỳ rực rỡ nhất của Kpop? Bởi đây là lúc Kpop thoát ra khỏi cái kén đỡ đầu và dang rộng đôi cánh rực rỡ nhất. Cái mới dồn dập kéo đến, quá nhiều nhân tài xuất hiện, làng nhạc xứ Hàn và làn sóng Hallyu song hành trở thành xu hướng mới. Trước thời điểm 2009, số nhóm nhạc Kpop ra đời không nhiều nhưng lại toàn là những huyền thoại tiên phong. BoA và DBSK đặt ra tiêu chuẩn mới cho khái niệm biểu diễn kết hợp nhuần nhuyễn với vũ đạo trên sân khấu, Super Junior và SNSD khơi mào cho xu hướng nhóm nhạc đông dân, SNSD và đối thủ Kara thống trị đế chế girlgroup, Big Bang trở thành nhóm nhạc đầu tiên của Gen 2 tạo nên sự khác biệt với dòng nhạc nguyên bản và khiến cả châu Á nhìn nhận lại về Hip Hop. Cho đến năm 2009, một cơn bão khổng lồ mang tên “nhóm nhạc Kpop” đã càn quét đường đua âm nhạc, mang về số lượng lớn nhân tố “hay ho”. After School, 2NE1, 4Minute, f(x), Secret, T-ara, Rainbow, B2ST, CNBLUE, MBLAQ... ra mắt trong sự tò mò của khán giả. Hàng loạt bản hit mới lạ đến từ những nhóm nhạc tân binh đầy chất lượng góp phần không nhỏ tô điểm thêm vào bản giao hưởng vốn đã quá hoành tráng của Kpop.
8x, 9x chắc hẳn là những thế hệ gắn bó nhất với giai đoạn này của làng nhạc xứ Hàn. Có một cụm từ luôn xuất hiện nơi đầu môi của bất kỳ fan Kpop thế hệ thứ 2 nào, đó chính là “thanh xuân”. Bên cạnh đế chế nhạc US-UK hay nhạc Hoa, sức ảnh hưởng của làn sóng Hallyu, Kpop đối với những thế hệ này lớn đến mức trở thành một phần ký ức không thể quên. Chùm ca khúc Kpop để đời như “Mirotic” - DBSK, "Sorry Sorry" - Super Junior ,"Gee" - SNSD, "Heartbreaker" - G-Dragon, "I Don't Care" - 2NE1, "Time To Love"- T-ara, "Abracadabra" - Brown Eyed Girls, "Ring Ding Dong" - SHINee... vẫn vang vọng trong tiềm thức của mỗi người hâm mộ. Ngẫu hứng bật lên một bản hit năm xưa, fan Kpop 8x, 9x chắc chắn vẫn có thể ngân nga và nhún nhảy theo như bản năng vốn có.
Đi liền với công nghệ và thời đại số hóa là sự phát triển mạng xã hội, truyền thông, báo chí. Kpop phát triển hùng mạnh hay không phần lớn phụ thuộc vào sự tiếp nhận của công chúng. Và công nghệ đã giúp Kpop thay da đổi thịt, rút ngắn khoảng cách hữu hình, vô hình với người hâm mộ. Vào những năm 2000, fan thế hệ thứ 2 được tiếp xúc nhiều với Kpop hơn nhờ TV, băng đĩa, tranh ảnh. Trong khi giới trẻ Hàn đổ xô đi mua album, làm quen với khái niệm “trả phí cho các sản phẩm âm nhạc” và cùng nhau phủ kín các thánh địa như Tokyo Dome thì các fan Kpop Việt cũng bắt đầu tiếp cận với nền tảng nghe nhạc trực tuyến. Chiếc radio cũ rỉ năm xưa đã được đổi thành đĩa nhạc, USB, máy nghe đĩa và sau đó là Ipod. Còn nhớ vào khoảng 10 năm trước, món quà tinh thần quý giá nhất đối với tôi và lũ bạn sau chuỗi ngày thi cử căng thẳng chỉ đơn giản là những phút giây hồi hộp bên hàng đĩa, trên tay nắm chặt số tiền tiêu vặt dành dụm cả tháng để mua được album của idol. Đến giờ vẫn có không ít các bậc cha mẹ cất giữ bức ảnh sờn rách, album bìa nhựa của thần tượng trong một góc nào đó của căn nhà. Ngẫm lại mới thấy Kpop đã có tác động lớn đến giới trẻ châu Á như thế nào.
Trong thế hệ Kpop Gen 2, sản phẩm của nghệ sĩ đã được nhìn nhận đúng đắn và rõ ràng hơn qua những ý kiến phân tích có cơ sở, số liệu so sánh rõ ràng cùng thành tích ấn định trên các bảng xếp hạng, số lượng album bán ra. Không còn quá cảm tính như trước, Kpop “chuyên nghiệp” hơn nhưng cũng dần bị cuốn theo xu hướng công nghiệp hóa. Đây cũng là lúc sự xuất hiện của hàng loạt bản hợp đồng nô lệ, chiêu trò showbiz phủ lên Kpop một bức màn đen và kéo hết tất thảy những gì rực rỡ nhất trên đỉnh cao xuống địa ngục. Đế chế Kpop thế hệ thứ 2 bắt đầu từ năm 2000, hưng thịnh nhất suốt 6 năm, rơi vào giai đoạn khủng hoảng vào năm 2009 và có thể nói là đang chết dần chết mòn từ năm 2014. Mầm non đế chế mới chớm nở ngay trên nấm mồ của thời kỳ cũ. Trong nền công nghiệp giải trí thế giới, quy luật chuyển giao thế hệ của Kpop có lẽ là khắc nghiệt và tàn ác nhất.
Hiện nay, Hàn Quốc đã được cả thế giới công nhận trong việc tạo nên một đế chế Kpop kéo dài suốt 30 năm với 3 cột mốc đỉnh cao. Tất nhiên, đằng sau ánh hào quang luôn là một bức màn đen tối, nhưng quy luật chuyển giao thế hệ và đào thải của Kpop lại khắc nghiệt đến mức trở thành nỗi ám ảnh của fan cùng nghệ sĩ. Theo nguyên lý Tảng băng trôi, phía dưới một phần rực rỡ và hoành tráng của Kpop, 8 phần còn lại đều là những bê bối, âm mưu và thủ đoạn. Trong Kpop có một cơn ác mộng mang tên “lời nguyền 7 năm”. Cứ theo chu kỳ 7 năm, các nhóm nhạc sẽ đồng loạt tan rã, không do scandal chấn động thì cũng vì hết hạn hợp đồng hay những nguyên nhân không thể gọi tên. Nhưng theo thời gian, quy luật này đã giảm xuống thành con số 5. Năm 2009, 2014 và 2019 là những cột mốc tử thần đang nhấn chìm cả thế hệ Kpop Gen 2 hưng thịnh một thời.
2009, ta thấy sự xuất hiện của bản hợp đồng nô lệ, kiện tụng liên miên và sự kết thúc của ngai vàng quyền lực - 5 vị thần phương Đông DBSK. 3 năm sau, T-ara dính vào vụ scandal bắt nạt tập thể.
Năm 2014, đại họa ập đến, giai đoạn đen tối nhất lịch sử Kpop bắt đầu thanh lọc dần những “công thần” từng giúp lập lên đế chế. Jessica rời nhóm SNSD sau lùm xùm tẩy chay, Kris, Luhan đi theo con đường Hangeng, Jaejoong, Yoochun và Junsu lựa chọn vì hợp đồng xiềng xích, 2 thành viên Ladies' Code qua đời trong tai nạn xe thảm khốc, f(x) tạm mất hút vì Sulli rời nhóm, Park Bom dính bê bối chất cấm, Kim Hyun Joong (SS501) dính cáo buộc hành hung bạn gái mang thai, đó là còn chưa kể đến vụ nữ diễn viên “Vườn sao băng” Jang Ja Yeon tự sát vì bị hàng loạt nhân vật máu mặt trong ngành giải trí, kinh tế và chính trị lạm dụng tình dục.
2019 là năm đánh dấu cuộc khủng hoảng scandal chấn động toàn châu Á. Kpop bị phủ kín một màu đen bê bối và tệ nạn đằng sau lớp mặt nạ của thần tượng. Cả nửa showbiz bị cuốn vào scandal lớn nhất lịch sử châu Á từ bê bối Burning Sun, chatroom tình dục, hiếp dâm tập thể, môi giới mại dâm cho đến chất cấm... Seungri (Big Bang), Jung Joon Young, Jonghyun (CNBLUE), Jonghoon (F.T.Island), B.I (iKON), T.O.P (Big Bang), Yoochun (JYJ) và gần như cả nửa showbiz bị réo gọi. Hàng loạt ngôi sao tuyên bố giải nghệ vì bị bôi đen, hàng chục nghệ sĩ lên tiếng thanh minh, thoi thóp hi vọng thoát khỏi đống bùn lầy.
Đây cũng là lần đầu tiên người hâm mộ thấy được bộ mặt thật của những kẻ lừa dối, đeo lên chiếc mặt nạ “idol hối lỗi” để rồi sau đó ngông cuồng thách thức dư luận. Cuộc khủng hoảng mất niềm tin vào thần tượng khiến cho những bức tường thành như Big Bang, JYJ cũng phải sụp đổ. Hàng loạt các nhóm nhạc Gen 2 quyền lực như 2NE1, SISTAR, miss A tan đàn xẻ nghé, Big Bang, Girl's Day, f(x), SNSD đóng băng hoạt động vô thời hạn. YG Entertainment xưng hùng xưng bá hơn chục năm qua, tưởng chừng như đã ngồi vững trên ngai vàng nhưng rồi cũng sụp đổ trong chớp mắt. Đế chế BIG3 xuất hiện những lỗ hổng lớn, báo hiệu ngày bức màn rực cháy của cả một thế hệ Gen 2 đã đến hồi khép lại. Nhưng Gen 3 - thế hệ kế thừa trong thời kỳ 3.0, liệu có đủ mạnh mẽ để vực dậy cả một đế chế trên đà sụp đổ?
BTS, EXO, BLACKPINK là 3 cái tên đầu bảng nếu nói đến niềm hy vọng vực dậy đế chế Kpop đồ sộ đang trên đà sụp đổ. Nhìn vào bảng thành tích vàng, kỷ lục vô tiền khoáng hậu, vị thế và tầm ảnh hưởng không tưởng của 3 cái tên này đối với làng nhạc Kpop ở thời điểm này, nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở.
Có thể mường tượng Kpop thế hệ 3.0 như một bàn tiệc thịnh soạn, đầy đủ những món ăn tứ phương từ Tây, Đông, từ truyền thông đến lai tạp giữa các nền văn hóa Trung, Ấn, Nhật, Mỹ-Latinh. 2 thế hệ trước đã để lại không ít những giá trị quý báu, nhưng sự bùng nổ “dân số” đã vô tình đưa làng nhạc Kpop vào một thời kỳ nhộn nhạo. Thời nay, công chúng không còn quá mặn mà với thần tượng. Kpop đã trở nên bão hòa vì các công ty giải trí và nhóm nhạc thi nhau mọc lên, số lượng đè bẹp chất lượng, cách tiếp cận quá dễ dàng nhưng lại thiếu đi nhân tố bứt phá, chính vì vậy khán giả “cả thèm chóng chán” cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng sự ra đời của EXO vào năm 2012, BTS vào năm 2013 và BLACKPINK vào năm 2016 đã làm thay đổi cả cục diện. Gen 2 sụp đổ cũng là lúc Gen 3 có đất để khẳng định vị thế. Kpop có đang mất chất? Câu trả lời là không. Kpop có thể suy yếu, nhân tố bứt phá có thể khan hiếm nhưng không phải là không có. Khán giả có thể thấy được cách giữa hàng trăm idol thế hệ mới thi nhau làm nghệ thuật, đã có không ít nhân vật thành công. BTS thuyết phục cả thế giới mở lòng với Kpop bằng chính chất nhạc nguyên bản và lời ca thuần Hàn mang đậm dấu ấn cá nhân, EXO tạo nên các bản hit quốc dân như “Growl”, “Ko Ko Pop”, BLACKPINK xưng hùng xưng bá và sắp có được MV tỷ view đầu tiên chỉ sau 3 năm debut, TWICE và Red Velvet cùng hàng loạt tân binh như (G)I-DLE, ITZY, TXT... vẫn theo đuổi chất nhạc riêng chứ không bị cuốn theo dòng nhạc Pop “mỳ ăn liền” thị trường. Nếu nhìn lại Kpop bằng ống kính bao quát toàn cảnh, có thể thấy rằng Gen 3 đã hùng mạnh hơn gấp đôi, lợi hại hơn gấp bội chứ chẳng hề thụt lùi.
Chúng ta đã thực hiện được giấc mơ thứ nhất “Xây dựng lên đế chế Kpop”, giấc mơ thứ 2 “Bành trướng khắp châu Á”, còn giấc mơ thứ 3 “Vươn ra ngoài thế giới” vốn đã nằm trong tầm với sau khi BTS đứng trên sân khấu Billboard Music Awards, Grammy, tại Liên Hợp Quốc và trước 60.000 khán giả quốc tế trong "thánh địa" Wembley. Ít ai biết được rằng, Kpop lần đầu được thế giới biết tới không phải là nhờ BoA, Wonder Girls, SNSD hay PSY mà chính từ màn kết hợp của 2 huyền thoại Kpop H.O.T, S.E.S và huyền thoại làng nhạc thế giới Michael Jackson trên sân khấu concert tại Seoul vào ngày 25/6/1999. Mọi chuyện cứ quay vòng theo quy luật thời gian. Gen 1 là người tiên phong, Gen 2 kế thừa và tiếp nối, Gen 3 tiếp tục học hỏi từ cái cũ và lập nên những kỳ tích dẫn đầu thế hệ mới.
Nếu Gen 1 có H.O.T, Seo Taiji and Boys, Gen 2 có Big Bang, DBSK, Gen 3 đã có những đại diện xuất sắc như BTS, EXO và BLACKPINK. Ngoài ra, sự trở lại của hàng loạt nhóm nhạc từ thế hệ thứ nhất như G.O.D, Sechskies, H.O.T, Shinhwa, sự kiên trì của những cái tên quyền lực thế hệ thứ 2 như SNSD, T-ara, Super Junior... cùng không ít màn collab giữa BTS, Seungri, Tiffany (SNSD), BLACKPINK với các nghệ sĩ quốc tế đình đám như Steve Aoki, Nicki Minaj, Halsey, Far East Movement, Dua Lipa... góp phần mở ra một thị trường âm nhạc màu mỡ, cạnh tranh khốc liệt nhưng cũng rất công bằng đối với tất cả mọi người. Ranh giới về văn hóa, ngôn ngữ, đẳng cấp châu Á hay quốc tế dần mất đi, thay vào đó là sự giao thoa đầy hứa hẹn và cũng không kém phần mạo hiểm.
“Đa số mọi người cho rằng, chúng tôi vô vọng. Nhưng tôi đã vô cùng may mắn khi đã không buông bỏ tất cả. Fan từng nói rằng, âm nhạc của chúng tôi đã thay đổi cuộc đời họ. Và cũng nhờ họ, chúng tôi mới có thể tiếp tục bước đi và phấn đấu hết mình! Tôi và tất cả chúng ta vẫn sẽ tiếp tục sẩy chân và trượt ngã như vậy thôi” - RM (BTS). Vì vậy, sẽ chẳng phí hoài khi người hâm mộ toàn cầu một lần nữa đặt niềm tin vào thế hệ mới của Kpop và cho những nghệ sĩ còn non trẻ thêm cơ hội mang tiếng nói của mình ra trước bạn bè quốc tế. Thời gian là sẽ câu trả lời rõ ràng nhất cho mọi thắc mắc và hoài nghi. Hi vọng 10 năm hay 20 năm sau, Kpop thế hệ mới sẽ đủ vinh quang và rực rỡ để có thể biến thành những thước phim hoài niệm mang tên “Reply 2019”.
BÀI VIẾT
THANH THANH
THIẾT KẾ
MINMAXX
INTERACTION
DO PHUONG ANH
THEO TRI THỨC TRẺ
21.09.2019