Quyền riêng tư: Facebook chỉ biết nói mồm trong khi Google mới là người làm thật

Bảo Nam, Theo Trí Thức Trẻ 15:40 11/05/2019

Với ông chủ Facebook Mark Zuckerberg: "Tương lai là riêng tư", còn với CEO Google Sundar Pichai: "Quyền riêng tư là ở hiện tại".

Mặc dù cả hai CEO đều coi bảo vệ dữ liệu người dùng là chủ đề trung tâm trong hai cuộc hội nghị nhà phát triển diễn ra tháng này, các bản cập nhật sản phẩm của Facebook chủ yếu là các tính năng hơi mơ hồ trong khi Google đã sẵn sàng xuất xưởng hoặc trình diễn sản phẩm thử nghiệm trước công chúng. Sự tương phản nói trên làm nổi bật sự khác biệt trong chiến lược kinh doanh giữa hai gã khổng lồ công nghệ.

Quyền riêng tư: Facebook chỉ biết nói mồm trong khi Google mới là người làm thật - Ảnh 1.

Đối với Facebook, quyền riêng tư là một luận điểm nói chuyện để người dùng tăng sự tự tin trong việc chia sẻ, cũng như ngăn chặn các nhà quản lý và sửa chữa lại hình ảnh công ty vốn đã bị truyền thông đánh đập tơi tả trong thời gian qua. Còn đối với Google, quyền riêng tư là chức năng, đi đôi với xử lý dữ liệu trên thiết bị để làm cho các tính năng trở nên nhanh hơn và có thể truy cập rộng rãi hơn.

Trên thực tế, ai cũng đều muốn công nghệ có thể đảm bảo cho quyền riêng tư của cá nhân, nhưng rõ ràng chúng ta phải phân biệt giữa lời hứa hẹn và việc triển khai trong thực tế. Giống như các khái niệm về "di động", "AI" hay "blockchain" trước đây, "riêng tư" không thể xác định theo một giá trị cụ thể. Nó phải được cải thiện từ cốt lõi phần cứng cũng như cách thức phần mềm hoạt động, chứ không phải chỉ là các tiện ích bổ sung hay tính năng sử dụng được ngay lập tức theo như lời quảng cáo.

Quyền riêng tư: Facebook chỉ biết nói mồm trong khi Google mới là người làm thật - Ảnh 2.

Mark Zuckerberg nói về các giải pháp trong tương lai về quyền riêng tư.

Tại sự kiện Facebook F8 diễn ra đầu tháng 5 vừa qua, Zuckerberg đã mô tả cách quyền riêng tư sẽ mang lại cho mọi người sự tự do như thế nào, thông qua khả năng lưu trữ dữ liệu an toàn. Ông cho biết Messenger và Instagram sẽ được mã hóa, theo những gì đã công bố trước đó hồi tháng 1 và đã nhắc lại nó một cách chi tiết hơn vào tháng 3.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng tính năng xóa lịch sử (Clear History) mà Zuckerberg đã đề cập tới từ năm 2018 vẫn chưa tới tay người dùng. Kèm với đó là Data Transfer Project, dự án cho truyền tải nội dung, danh bạ và nhiều loại dữ liệu trên các ứng dụng khác nhau cũng "bặt vô âm tín" dù đã công bố được hơn 10 tháng.

Có thể nói, những gì người dùng nhận được cho tới nay vẫn là những "hứa hẹn vụng về" của ông chủ Facebook. Zuckerberg luôn tỏ thái độ mình và công ty chắc chắn rất nghiêm túc về vấn đề quyền riêng tư, cũng như cam kết sẽ làm tốt nó. Tuy nhiên chính bản thân Facebook cũng không biết cụ thể nó sẽ được thực hiện ra sao và khi nào. Chính vị CEO kiêm chủ tịch này cũng phải thừa nhận rằng điều đó sẽ "không xảy ra chỉ sau một đêm".

Facebook đã mắc lỗi bảo mật lớn đầu tiên vào năm 2007 khi ra mắt Beacon, một công cụ cho phép các nhà quảng cáo tiếp tục theo dõi hoạt động của người dùng dù họ đã đăng xuất. Trong suốt 12 năm tiếp sau đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới tiếp tục đưa ra một loạt lời xin lỗi, hứa hẹn và thỏa thuận với Ủy ban thương mại liên bang Mỹ, liên quan tới vô số các vụ lừa đảo người dùng, bê bối Cambridge Analytica cho tới các án phạt vì vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Tất cả những điều đó cho thấy nếu tương lai là quyền riêng tư, thì quá khứ hay hiện tại của Facebook không thể có điều nó.

Quyền riêng tư: Facebook chỉ biết nói mồm trong khi Google mới là người làm thật - Ảnh 3.

Sundar Pichai trình diễn và giới thiệu về quyền riêng tư của người dùng trong sản phẩm cụ thể.

Còn tại Google I/O 2019, Sundar Pichai cùng các cộng sự của ông đã cho thấy cách thức hoạt động của các giải pháp bảo mật liên quan tới quyền riêng tư trên những sản phẩm của mình. Ví dụ như nhiều tính năng mới sẽ sử dụng công cụ học máy cục bộ và không truyền tải dữ liệu âm thanh, hình ảnh, video hay nhận diện khuôn mặt lên máy chủ đám mây của hệ thống. Google cũng đang thử nghiệm và chuẩn bị tung ra tính năng tự động xóa các hoạt động trên website và ứng dụng của người dùng sau 3 tới 18 tháng. Hệ điều hành Android Q cũng được trang bị gần 50 tính năng bảo mật mới như hỗ trợ giao thức bảo mật TLS 1.3 và địa chỉ Mac ngẫu nhiên.

Trên thực tế, Apple đã đi tiên phong trong việc xử lý trên thiết bị trong khi nhiều tính năng của Google vẫn dựa vào điện toán đám mây. Tuy nhiên tới hiện tại Google cũng đã có những tiến triển nhanh chóng và đáng ghi nhận.

Trong suốt một thập kỷ qua, từ khi ra mắt chế độ duyệt web ẩn danh trên Chrome, Google đã liên tục làm việc để đáp ứng các đòi hỏi ngày càng nhiều về quyền riêng tư của người dùng. Công ty cũng thay đổi cách sử dụng nội dung Gmail để nhắm mục tiêu quảng cáo, nhằm hạn chế quyền truy cập vào thư điện tử của người dùng từ các nhà phát triển.

Và khi Google đưa ra thông báo về quyền riêng tư về những thứ sắp phát hành, điều này có nghĩa là nó sẽ diễn ra và đáng để chờ đợi. Trình duyệt Chrome sẽ triển khai công nghệ bảo mật dấu vân tay và thay đổi cookie để trở nên riêng tư hơn. Chế độ ẩn danh sẽ sớm đến với các ứng dụng như Google Maps và công cụ Seach.

Sundar Pichai không phải kiểu người thích đưa ra những lời tuyên bố lớn lao, những câu chuyện cười hay các sản phẩm mang đậm chất tưởng tượng để truyền tải thông điệp của mình. Quyền riêng tư không phải là một thứ gì đó mang ý nghĩa sống còn với Google. Nó cũng không phải là một chiến lược truyền thông, càng không phải là một kiểu lý thuyết tương lai giống như quan điểm của Zuckerberg và Facebook. Ở Google, nó hiện hữu và hiện là một phần hết sức tự nhiên trong việc xây dựng công nghệ hướng tới người dùng.

Có thể nói, với bảo mật quyền riêng tư, các công ty hãy cho thấy họ có thể làm được gì chứ đừng chỉ nói suông.

Tham khảo TechCrunch