Quy trình tiêm filler môi trông sợ thế này mà vẫn khiến con gái đi làm "ầm ầm"

Falabella, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 02/11/2016

Hãy cùng săm soi kỹ hơn vào quy trình tiêm môi qua những video "người thật việc thật".

Tiêm filler môi hiện đang là phương pháp làm đẹp được con gái Việt đặc biệt ưa chuộng. Đây là thủ thuật nhanh chóng giúp bạn "hô biến" đôi môi khiêm tốn của mình thành bờ môi "tều" sexy, căng mọng. Ở bài trước, chúng ta đã tìm hiểu sơ bộ về thủ thuật tiêm môi cũng như 3 phương pháp tiêm môi phổ biến nhất hiện nay. Ngày hôm nay, hãy cùng "zoom" kỹ hơn vào quy trình tiêm môi qua những video "người thật việc thật".

Quy trình tiêm filler môi

Gây tê

Như phần lớn các tiểu phẫu thẩm mỹ khác, trước khi tiêm filler môi, bạn sẽ được gây tê vùng môi. Hai phương pháp gây tê phổ biến là thoa kem gây tê lên môi hoặc tiêm thuốc tê vào lợi. Sau vài phút, môi bạn sẽ mất cảm giác và sẵn sàng để được tiêm. Bên cạnh đó, một liều thuốc giảm đau có thể sẽ được mix vào cùng với filler trong quá trình tiêm và nó sẽ có tác dụng tức thì ngay khi mũi tiêm bắt đầu tiếp xúc với da môi của bạn. Nhờ việc gây tê này mà trong quá trình tiêm filler, bạn sẽ không cảm thấy đau đớn mà chỉ thấy hơi khó chịu với cảm giác "tức" nhẹ.

Zoom kỹ vào quy trình tiêm filler môi qua loạt người thật việc thật - Ảnh 2.

Tiêm thuốc tê vào lợi trước khi tiến hành tiêm filler.

Tiêm filler

Loại kim tiêm thông dụng nhất được dùng để tiêm filler môi hiện nay là kim tiêm cannula với kích cỡ đầu kim siêu nhỏ. Hướng tiêm, vị trí đưa mũi tiêm tùy thuộc vào cung cách riêng của từng bác sỹ: tiêm từ khóe môi đến giữa môi, tiêm từ nhân trung sang hai bên, v.v... Mỗi bác sỹ đều có cách tiêm riêng và điều này làm nên "style" cũng như dáng môi đặc trưng mà họ tạo nên.

Sau mỗi mũi tiêm, bác sỹ có thể nắn nhẹ môi bạn để đảm bảo filler được phân bố thật đều, ngăn tình trạng nổi cục. Tuy nhiên, đây không phải là bước bắt buộc bởi nó phụ thuộc vào kỹ năng cũng như kỹ thuật tiêm của từng bác sỹ.

Sau khi tiêm

Một ca tiêm filler môi sẽ kéo dài trong khoảng 15 - 20 phút. Sau khi quá trình tiêm đã hoàn tất, bạn sẽ được massage môi nhẹ nhàng và chườm đá trong khoảng 10 phút.

Zoom kỹ vào quy trình tiêm filler môi qua loạt người thật việc thật - Ảnh 4.

Môi bạn sẽ bị sưng và thâm tím sau khi tiêm.

Bạn sẽ mất khoảng 1 tuần để có đôi môi ưng ý. Khoảng 24 giờ đầu sau khi tiêm filler, môi bạn sẽ bị sưng (ít hoặc nhiều phụ thuộc vào cơ địa mỗi người); những điểm tiếp xúc với kim tiêm sẽ bị tím và chảy máu nhưng điều này là hoàn toàn bình thường. Sau từ 3 - 7 ngày, hiện tượng sưng tím sẽ hết và giờ thì bạn đã có một đôi môi tều sexy.

Giá cả

Giá một lần tiêm filler làm dày môi phụ thuộc vào thể tích (cc) lượng filler mà bạn sử dụng. Thông thường, 1 ca tiêm cho cả môi trên lẫn môi dưới sẽ dùng hết khoảng 1cc Restylane hoặc Juvederm. Giá của cả 2 loại filler này rơi vào khoảng 10 triệu VNĐ cho 1cc.

Một trong những thủ thuật tiêm môi được nhiều bác sỹ áp dụng hiện nay là tiêm dựng lều (tenting). Với thủ thuật này, mũi tiêm sẽ được đưa vào môi theo chiều vuông góc thay vì song song với viền môi. Thủ thuật tiêm dựng lều giúp bác sỹ dễ dàng điều chỉnh được dáng môi cũng như độ dày của môi.

Lòng môi là khu vực dễ gặp phải tình trạng vón cục khi tiêm nhất. Để tránh hiện tượng này, bác sỹ sẽ đưa mũi tiêm vào môi nhiều lần, mỗi lần chỉ bơm thật ít filler và lặp đi lặp lại thay vì bơm thật nhiều filler chỉ trong 1 mũi tiêm.

Mỗi bác sỹ thường có một style tiêm riêng. Bên cạnh cách tiêm quen thuộc là đưa đầu kim vào nhiều vị trí trên môi, có một cách tiêm khác là tạo hai lỗ nhỏ ở cạnh khóe môi và tiêm filler vào toàn bộ môi chỉ qua hai lỗ này. Những bác sỹ áp dụng thủ thuật này cho biết nó giúp giảm thiểu hiện tượng vón cục cũng như hiện tượng thâm tím, sưng sau khi tiêm.

Khi bạn không may gặp phải tình trạng filler vón cục trong môi sau khi tiêm, bác sỹ có 2 cách để xử lý: một là tiêm vào môi một loại enzyme đặc biệt để hòa tan filler và hai là nặn filler bị vón cục ra một cách thủ công. Nếu được thực hiện đúng phương pháp, cách thứ hai được cho là nhanh chóng và an toàn hơn cách tiêm enzyme vì nó có thể gây dị ứng.