Trong nhiều ngày, tôi đã ngồi nhìn ngắm rất lâu những ngón chân của người bán vé số. Những bàn chân của người nông dân gần hết cả đời lội trong bùn ruộng, giờ lang thang khắp các đường hẻm Sài Gòn. Ngày 1/7, chúng tôi theo chân một nhóm người gồm bà Lê, bà Lựu, bà Hai Bắc,... về quê nhà họ ở Phú Yên.

Trong bài viết lần trước, các bạn đã được lắng nghe và biết về câu chuyện của nhóm những cụ già, mưu sinh ở Sài Gòn bằng nghề bán vé số. Các bạn đã được hiểu về cuộc sống của họ, trong những căn nhà chung lụp xụp ở đâu đó giữa Sài Gòn hoa lệ, và những ngày dài mệt mỏi chen chân giữa những hàng cơm, quán nhậu với tập vé số trên tay. 

Trong nhiều ngày, tôi đã ngồi nhìn ngắm rất lâu những ngón chân của người bán vé số. Chúng rất đặc biệt: lòng bàn chân bẹt, các ngón tõe rộng và cong queo, móng chân hay bị quặp hoặc bị thối hỏng gần hết. Có lẽ đấy là kết quả của việc suốt nhiều năm đi bộ ít nhất mỗi ngày 7 tiếng trong đôi dép nhựa cứng, để bán hết khoảng 100-300 tờ vé số.

Những bàn chân của người nông dân gần hết cả đời lội trong bùn ruộng, giờ lang thang khắp các đường hẻm Sài Gòn.

Ngày 1/7, chúng tôi theo chân một nhóm người gồm bà Lê, bà Lựu, bà Hai Bắc, bà Chín Lùn và ông Hồ Long về quê nhà họ ở Phú Yên.

Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 2.

Chiếc xe đò đêm không thương hiệu chạy dằn dằn suốt hơn năm trăm cây số. Tới cây xăng 20 ở quốc lộ 1, địa phận xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên thì mới mờ sáng. Nơi này khá heo hút, hầu hết là những khoảng đồng ruộng nhỏ và vùng đồi thấp. Xe ôm thuê hoặc xe máy của con cái đã chờ sẵn để chở cha mẹ về nhà, cùng những bao gạo lèn chặt, nhiều thùng mì và quần áo, đồ dùng được cho. Cặm cụi chở gạo từ thành phố lớn nhất nước về vùng trồng lúa để dành ăn, câu chuyện ngược đời nhưng có thật.

Dù cả đêm không thể ngủ ngon trên chiếc giường cong và ngắn của chiếc xe, nhưng không khí và khung cảnh ruộng đồng quê hương như một thực phẩm diệu kỳ giúp những người bán vé số già yếu hồi sức nhanh chóng. Trông họ rạng rỡ, hồng hào, mạnh khỏe và tự tin gấp mấy lần khi còn ở ngôi nhà trong phường Cầu Kho hoặc đi thất thểu còng còng trên những con đường ngoại thành Sài Gòn.

img
img
img
img
img

Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 4.

Chúng tôi theo bà Hai Bắc về nhà ở thôn Phú Liên, xã An Phú, TP Tuy Hòa. Thuộc địa phận thành phố nhưng xã vùng bãi ngang này thật sự là vùng quê với một nửa nằm trên đồi, nửa còn lại đối diện ở phía biển.

Ngôi nhà nơi bà Hai sống chung với con trai, con dâu và cháu nội nằm xa lắc mãi trên đồi cao. Mùa mưa, miếng vườn khá rộng xanh ngắt màu cỏ. Con cháu bà chẳng trồng trọt chăn nuôi gì. Một cây rau, một con gà nhép cũng không có. Chuồng bò phía xa xa, mấy năm trước còn ấm hơi gia súc, nay để mặc, đổ xiêu vẹo sau một sự cố của gia đình.

Bên trái ngôi nhà tình thương khá cao ráo rộng rãi là một cái chái nhỏ thấp. Chiếc giường tre đơn bé tẹo. Mấy ông đầu rau đen đúa, vài chiếc xoong nhỏ tí lăn lóc. Bà Hai Bắc sống riêng trong đó, tự nấu ăn lấy một mình. Mấy năm nay, khi bà đi Sài Gòn thì con trai bà ở đó.

Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 5.

Ba năm trước, con trai bà Hai Bắc làm bảo vệ cho một công ty. Một hôm đi liên hoan về ngà ngà, anh tông xe máy vào chiếc công nông đậu bên đường. Gãy xương vai, một chiếc xương sườn và một ngón chân cái. Anh phải nghỉ làm bảo vệ để dưỡng thương. Rồi khi vết thương đã lành, anh... vẫn nghỉ.

Anh tên Trần Đình Hải, năm nay 57 tuổi.

Năm ngoái, một trong ba cháu nội trai của bà đi biển về nhậu chơi với bạn cùng xóm thế nào lại xảy ra gây gổ. Nó gây thương tích cho người khác. Bà bán hết tám con bò, bán cả ruộng để bồi thường. Hết 70 triệu đồng. Mà ở quê, với số ruộng trung bình một sào (500 m2/nhân khẩu) thì mỗi vụ lúa chỉ thu nhập được khoảng 3 triệu mà thôi. Mỗi năm hai vụ là 6 triệu đồng. Tức là nếu không ăn uống chi tiêu gì cũng phải mất 11 năm cháu của bà mới có thể trả hết số nợ đó.

Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 6.

Cường, đứa cháu khác của bà năm nay 25 tuổi, làm phụ bếp trong Sài Gòn hơn một năm thì nghỉ về quê. "Cực quá làm không nổi"- nó nói. Hơn năm nay, nó ngày ngày thất nghiệp. "Chờ ai gọi việc gì thì làm". Hồi trước, đang học lớp 8 nó cũng nghỉ. "Đi học xa quá, đạp xe cực chịu không nổi".

Ở quê, hai vụ lúa làm nhoáng cái xong, chẳng có việc gì nữa để làm. Nhưng nó cứ chờ thế.

Ngoài vườn, dưới cái ô cửa sổ vỡ kiếng là một đống mẩu thuốc lá chồng chất, mới đáp lên cũ. Tôi thấy Cường hay im lặng đứng cạnh cái cửa sổ đó với điếu thuốc trong tay. Không biết Cường nghĩ những gì. Ở tuổi nó, thanh niên ở quê đã nhắm nhé ra riêng, có vợ. Còn Cường, nó có hình dung về tương lai không?

Cũng may, một cháu trai khác của bà Hai còn chăm chỉ đi làm, nó phụ mẹ nuôi một em gái đang đi học.

Hàng xóm nói bà Hai đi bán vé số nuôi cả con lẫn cháu.

Anh Hải con trai bà Hai liên tục sờ nắn cái chỗ ngón chân cái bị cụt, bảo giờ anh yếu quá, chẳng làm được gì. Nhưng ông Tiếng thì kể khác. "Nó cũng vô Sài Gòn bán vé số một lần đó chớ. Mà nó uống (rượu) quá, về lèm bèm suốt đêm, mấy bà ngủ không được. Tui đuổi"- ông lắc đầu.

Chúng tôi mang những clip quay cảnh bà mẹ già đi bán vé số ở Sài Gòn cho anh Hải xem. Anh bối rối đến mức tôi ái ngại không dám nhìn thẳng vào mắt ai. Hai bàn tay anh liên tục xoắn vặn vào nhau trên đầu gối. Quay qua người mẹ già còm cõi như một nắm bông, anh nói "Thôi lần này mẹ nghỉ ở nhà nghe mẹ. Không đi bán nữa!".

Thế nhưng khi chúng tôi hỏi anh sẽ làm gì để nuôi mẹ, khi nguồn thu từ mẹ không còn nữa, anh Hải dễ dàng thừa nhận mẹ đang nuôi anh, và nếu mẹ anh không đi bán vé số anh cũng chưa biết làm gì để sống.

"Thì có gì ăn nấy dấy dá vậy thôi. Thì rồi cũng kiếm cái gì làm chớ"- anh vừa nói vừa cười bối rối.

Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 7.
Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 8.
Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 9.

Bãi biển Long Thủy cát trắng ngần và nước trong vắt, nhìn qua vịnh biển là hòn Chùa xa mờ, viền bên bờ cát là những lùm cây xanh biếc trổ chi chít hoa vàng tươi rực rỡ, phong cảnh nhiều chỗ đẹp tuyệt vời. Nhiều người nhà giàu ở tận Hà Nội đã vào đây mua đất xây biệt thự nhà nghỉ, nhưng ngôi nhà thuê nằm sát biển của ông Hồ Long thì không hứng lấy nổi một ngọn gió.

Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 10.

Căn phòng vuông vức lợp tôn, với tấm vải giăng ngang chia đôi không gian ăn ngủ cho hai vợ chồng và hai đứa con trai trưởng thành này, ông thuê của người ta với giá 1 triệu đồng/năm. Mái tôn rỉ sét nhiều chỗ. Gió không vào nhà, phòng hầm hập như lò nung, cái quạt quay đến tuyệt vọng vẫn không xua nổi không khí hừng hực.

Cường, đứa con trai sau của ông, nằm đờ trên chiếc nệm đỏ chót không drap hút thuốc liên tục. Vết thương ở lòng bàn chân nó từ tết đến giờ mãi mới gần lành nhưng vẫn chưa đi biển được. Ruộng ở Phú Yên chia theo nhân khẩu, khoảng 1 sào - 1, 5 sào (500 m2 -750 m2)/khẩu. Quá ít. Ấy thế mà ông Long còn chẳng có được mảnh ruộng nào, vì ông chẳng có hộ khẩu ở đây. Tay trắng. Vợ ông cũng chỉ có cái nghề gánh nước mướn hay tét cá thuê thời vụ. Khi Cường bị tai nạn, vừa mất đi số tiền hàng tháng ít nhất bốn, năm triệu đồng, vừa thêm một miệng ăn, vừa tốn kém tiền thuốc, ông Long phải gắng gượng đi bán vé số nhiều hơn để xoay xỏa.

Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 11.
Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 12.
Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 13.

Bà Chín Lùn có bốn con gái. Ba cô lấy chồng ở quanh quanh trong xóm. Bà ở với con gái út, chị cũng một mình nuôi con. 500 m2 ruộng làm nhoáy một cái là hết, chị Út Niên và con gái ngày ngày đi tét cá cơm và làm hột đào (bóc hạt điều thuê). Trong ngôi nhà được xây từ khi cha của chị Út còn sống, ngoài cái tủ thờ và cái TV đời cũ 16 inches ra thì chẳng còn thứ nào đáng giá hơn một triệu đồng. Miếng vườn cát trắng chỉ có cái giếng và loe ngoe vài cây mãng cầu trái nhỏ bằng cái nắm tay em bé.

Thấy tôi nhìn mấy chiếc áo len treo trên vách căn buồng nhỏ như cái ngách kê vừa sít một chiếc giường đơn làm chỗ ngủ, bà Chín giải thích: "Của nẫu (họ) cho hết đó".

Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 14.

- Có bữa bà đi bán gặp con nhỏ kia, nó cứ ôm bà nó khóc hoài, nó nựng má bà vầy nè, nó nói bà ơi sao bà khổ dữ vậy, bà về nhà con nha, con nuôi bà. Nhưng mà bà đâu có đi được. Phải về nhà mình chớ, tết nhứt còn kiếm dĩa bánh ngọt ly trà, thắp cây nhang cúng ổng chớ. Còn có con có cháu mình nữa chớ-bà kể, giọng đượm vẻ sung sướng vì có người dưng thương mình đến thế.

Tôi nhớ một đêm mưa tơi bời ở Sài Gòn, bà Chín ngồi trên chiếc xe lăn phủ chiếc áo mưa từ sau qua đầu, rồi cứ thế giữa cơn mưa đi đến các quán nhậu đông đúc đập vai khách bán từng tờ. Chúng tôi mở clip ấy cho chị Út xem. Đứa cháu gái 13 tuổi con chị thút thít từ lâu khi ngồi nghe câu chuyện giữa bà ngoại và những người khách, tới lúc đó òa lên khóc rồi cứ thế nức nở từng chập.

"Con không có... con không có xin tiền bà ngoại nữa đâu. Bà ngoại đừng đi bán nữa" - con bé lắp bắp trong cơn khóc.

Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 15.
Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 16.
Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 17.

Ông Sáu Mù còn đông con hơn bà Chín. Tám người cả thảy. Ông ở với người con trai út, anh Non, đã có vợ và hai con, đứa nhỏ hơn hai tuổi. Anh đi làm biển nuôi cả nhà vì vợ anh bảo là mắc trông con chưa làm được việc gì cả.

Cách đây ít năm, ngôi nhà sát mé biển của ông Sáu do hàng năm đều bị sóng cuốn nên chính quyền địa phương đã đổi đất, cấp miếng khác trong khu dân cư cao ráo để làm nhà ổn định.

"Cái nhà này làm ba lần mới xong. Cứ có tiền thì làm một chút một chút, giờ tôi vẫn còn nợ nhưng phải ráng có cái chui ra chui vô"-anh Non, con trai ông Sáu kể.

Cũng mỗi tháng đi biển xa một lèo, anh Non về nhà được ba bốn ngày lại đi tiếp. Ông Sáu bị mù mấy chục năm nay, ở nhà quanh quẩn cũng buồn, chỉ biết bật cái quạt rồi nằm loanh quanh chứ cũng chẳng có mấy người nói chuyện. Tiền lại càng không. Con trai ông một mình nuôi bốn miệng ăn, còn thêm món nợ xây nhà, cái gánh ấy quá nặng.

Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 18.

"Bữa bà má bả bịnh, bịnh dữ lắm rồi ông ba ổng không muốn đi, nhưng bà má bả cản. Bả nói ông đi đi, đi kiếm tiền dìa nuôi tui, chớ hông lấy gì mà ăn. Ông ba đi được bốn ngày thì bà má mất" - con gái lớn ông Sáu Mù kể trong tiếng nức nở.

Nào ngờ ông Sáu Mù vui tính, hay hò hát pha trò lại có cuộc đời gian truân đến vậy. Con gái út của ông kể hồi cô còn nhỏ đã phải dắt cha mình đi ăn xin khắp các tỉnh miền Trung. Tôi nghĩ có lẽ đó là giải pháp hợp lý nhất với ông lúc bấy giờ, vì với 8 đứa con thau tháu, hai vợ chồng không nghề nghiệp không ruộng đất, ông bà làm gì kiếm đủ tiền mà nuôi ăn cho chúng?

Nhưng tại sao sau mấy chục năm, con cái ai cũng có nhà cửa riêng và gia đình đề huề, mà mình ông già vẫn phải lang bạt đi bán vé số kiếm sống? Cái nghề này dù đỡ đói khổ hơn nhưng chẳng kém vất vả nhọc nhằn hơn cái việc ăn xin mấy đâu.

"Do mình khổ quá mà. Chồng con còn không lo đủ nữa lấy gì lo cho cha?" - không hẹn mà gặp, cả ba chị con gái của ông Sáu đều nói như vậy.

- Chẳng lẽ mỗi anh chị góp 100.000 đ nuôi chú một tháng cũng không được sao?-Tôi hỏi.

Thế là các chị bắt đầu kể những điều tôi đã quá quen thuộc: đất đai ít, ruộng làm không đủ gạo ăn, không có ai thuê mướn, đi tét cá hay làm hột đào bữa có bữa không…

Tôi chạnh nhớ tới bà Chín Lùn, bà Hai Hường, bà Hai Cụt, chú Sáu Mù, chú Sử... Giờ này họ đang ngủ giấc trưa nhọc mệt trong căn nhà tối, nằm xếp lớp cạnh nhau như cá hộp, chỉ có đúng khoảng sàn gạch đặt vừa cái lưng mình dưới chiếc quạt quay hết nấc vẫn ngột ngạt. Một lát nữa, đúng 5h chiều, họ sẽ tỏa ra khắp đường phố Sài Gòn, mang đi bán cùng với những chiếc vé số là cả lòng thương cảm của những người xa lạ về sự nghèo khổ, đơn côi, già yếu, bệnh tật, nhọc nhằn...

Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 20.

Đi làm việc, đi kiếm tiền là nhu cầu chính đáng của mọi người, cho người ta niềm vui về cảm giác có ích. Má tôi năm nay 85 tuổi vẫn hàng ngày ra vườn xới đất và tẩn mẩn nhặt từng chiếc lá rụng đem chôn, cũng suốt ngày đấm lưng rên rẩm, kêu than nhọc mệt lắm, nhưng khác với những ông bà cụ cùng tuổi với bà, má tôi không buộc phải làm việc để không bị đói trong những ngày tháng tuổi già.

Những ông bà cụ kia thì không có chọn lựa đó.

Họ buộc phải ngày ngày lang thang hàng năm bảy tiếng đồng hồ liên tục mới có được bữa cơm hàng ngày, mới có tiền mua thuốc uống và khi quá mệt mỏi trở về quê hương mới có chén gạo nấu ăn. Lao động ở đây không còn là niềm vui hay sự vận động cần thiết để tăng cường sức khỏe và sự minh mẫn. Trong một góc độ nào đó, nó là gánh nặng bi đát mà họ không thể đặt xuống, trừ khi cạn kiệt sức lực.

Tôi tự hỏi miên man về trách nhiệm làm con của những người con suy nghĩ rất chắc nịch rằng khi chưa lo đủ cho chồng con thì không thể lo cho người cha già đã ngót 80 tuổi của mình được.

"Quớ, hồi xưa mới có chuyện con nuôi cha mẹ chớ giờ không có đâu nà. Mạnh nó nó ăn, mạnh mình mình ăn. Mà nó cũng nghèo quá, nuôi con cái không đủ có đâu nuôi cha mẹ được"- các cụ nói.

TB. Khoảng hai tuần sau chuyến đi về Phú Yên, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại từ trưởng thôn cho biết anh Hải, con trai của bà Hai Hường đã xin được việc làm bảo vệ ở bệnh viện tỉnh.

Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 21.
Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 22.
Tìm về những mảnh đời của người già bán vé số Sài Gòn: Nơi quê hương không ngọt - Ảnh 23.
Hoàng Xuân
Hoàng Việt
KingPro
BiMaxx
Theo Trí Thức Trẻ18/8/2017