Quẩn quanh trong vùng an toàn bao năm, tôi mới nhận ra đây là vùng đất thoải mái nhưng chẳng thể gieo mầm ước mơ, bước ra càng sớm, càng nhanh có được thành công

Lê Anh, Theo Nhịp sống kinh tế/addicted2success 06:43 04/01/2019

Vùng an toàn luôn là nơi khiến người ta thoải mái nhưng đó không phải là sự lựa chọn thông minh cho những ai muốn thành công. Nhiều người không bao giờ nghĩ họ sẽ thành đạt cho tới khi dám rời bỏ vùng an toàn của mình và đi tìm cho bản thân những cơ hội.

"Comfort zone - vùng an toàn" là nơi mà trạng thái tâm lý của con người luôn thoải mái, dễ dàng thực hiện hành vi của mình với mức độ sợ hãi và áp lực là ở mức thấp nhất. Ở đó họ có thể tự do vẫy vùng mà không cảm thấy lo sợ, không áp lực nặng và luôn kiểm soát được mọi vấn đề. Nói cách khác, khi sống trong vùng an toàn, chúng ta luôn cảm thấy hài lòng và thỏa mãn với tất cả mọi thứ.

Vùng an toàn của mỗi người là khác nhau. Ví dụ, đối với một số người thích đi làm thì nơi làm việc trở thành vùng an toàn của họ, khi họ rời khỏi vùng an toàn này và việc trở thành một người làm việc tự do hay bắt đầu kinh doanh thực sự là một thách thức đối với họ. Tất nhiên, đối với những người khác, vùng an toàn có thể là lúc họ dùng bữa hoặc thời gian sau giờ làm việc, là lúc họ thư giãn trước tivi hay mạng xã hội sau một ngày làm việc căng thẳng.

Khi bạn bắt đầu cảm thấy bản thân dễ bị tổn thương, lo lắng , căng thẳng, khi bạn không thoải mái làm việc gì đó, khi một số việc ngoài tầm kiểm soát của bạn thì bạn đang bước ra khỏi vùng thoải mái của chính mình.

Các trạng thái tâm lý

Theo White Alasdair, có ba trạng thái tâm lý: vùng an toàn, vùng hiệu suất tối ưu và vùng nguy hiểm. Vùng an toàn là môi trường quen thuộc của bạn, bạn tự do và thoải mái khi ở đó. Vùng hiệu suất tối ưu là vùng ngay bên ngoài vùng an toàn, nơi hiệu suất của bạn bị tác động bởi một số căng thẳng, khiến bạn không thực sự thoải mái. Vùng nguy hiểm nằm ngoài vùng hiệu suất tối ưu, là nơi bạn cảm thấy rất lo lắng và hiệu suất của bạn thấp hơn hiệu suất bạn có thể đạt được trong vùng thoải mái của mình.

Quẩn quanh trong vùng an toàn bao năm, tôi mới nhận ra đây là vùng đất thoải mái nhưng chẳng thể gieo mầm ước mơ, bước ra càng sớm, càng nhanh có được thành công  - Ảnh 1.

Tại sao bạn cần phải rời khỏi vùng an toàn? Xem 3 lý do dưới đây:

1. Sự tăng trưởng trì trệ

Vùng an toàn là một nơi yên bình nhưng không có gì có thể phát triển ở đó. Nếu bạn cứ ở mãi trong vùng an toàn của mình, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội phát huy được những khả năng vốn có. Điều đó có nghĩa là bạn luôn bị mắc kẹt, không bao giờ tiến lên và không bao giờ phát triển được. Thay vì vậy, hãy dám thoát ra khỏi giới hạn của mình và khai thác những tiềm năng của bản thân.

2. Để tìm thấy niềm đam mê của bạn

Loanh quanh trong vùng an toàn khiến bạn khó khám phá niềm đam mê thực sự của mình. Chỉ có bước ra khỏi vùng an toàn, càng trải nghiệm nhiều, bạn càng hiểu rõ bản thân và biết mình muốn gì, ước mơ gì và có thêm động lực để chinh phục mục tiêu đã đặt ra.

3. Để không bị bỏ lại phía sau

Sợ hãi những thử thách chính là bỏ lỡ những cơ hội, điều đó đồng nghĩa với việc khi ở trong vùng an toàn, bạn sẽ không có cơ hội để thể hiện bản thân, không có cơ hội để phát triển. Cứ mãi như thế, bạn sẽ bị bạn bè, đồng nghiệp, bị xã hội bỏ lại phía sau.

Cách rời khỏi hoặc mở rộng vùng an toàn

Yên vị trong những ranh giới của mình sẽ khiến bạn thấy thoải mái hơn.Thế nhưng nếu chỉ giới hạn bản thân trong những gì mình đã biết, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt, những trải nghiệm cuộc sống và cả cơ hội phát triển bản thân.

Tuy nhiên, mọi người thường tập trung nhiều vào nhược điểm của việc ở mãi trong vùng an toàn, nhưng họ quên rằng không phải lúc nào cũng rời khỏi nó cũng là ý tưởng tốt nhất. Đôi khi, bạn cần ở lại trong vùng thoải mái của mình thêm một chút vì bạn chưa sẵn sàng bước ra khỏi đó và bạn có thể phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc. Trước hết, để bước ra khỏi vùng an toàn, chúng ta cần rất nhiều sự dũng cảm, phải chuẩn bị tâm thế rằng ở môi trường mới có thể mọi thứ sẽ không hề thuận lợi. Vì vậy, hãy thoát khỏi vùng an toàn của mình khi bạn cảm thấy bản thân đã đủ sẵn sàng cho việc đó.

Quẩn quanh trong vùng an toàn bao năm, tôi mới nhận ra đây là vùng đất thoải mái nhưng chẳng thể gieo mầm ước mơ, bước ra càng sớm, càng nhanh có được thành công  - Ảnh 2.

Điều quan trọng chính là đánh giá bản thân trước khi rời khỏi vùng an toàn của mình để xem liệu đó có phải là lựa chọn tốt hay không, đừng để sự sợ hãi kiềm chân bạn. Tuy nhiên, chớ nên vội vã, hãy từ từ bước ra khỏi vùng an toàn và mở rộng nó. Thay đổi một cách từ từ để mình tập quen với hình ảnh con người mới, với những thay đổi xung quanh mình. Tham khảo một số cách dưới đây:

- Đừng nghĩ quá nhiều về quyết định của bạn

- Hãy thử những điều mới

- Đừng chỉ nhìn theo một hướng, hãy thử nhìn mọi thứ theo cách người khác làm.

- Làm công việc tình nguyện

- Thỉnh thoảng hãy thử thách bản thân

- Nói đồng ý nhiều hơn thay vì từ chối

Phần kết luận

T. Harv Eker đã từng nói: "Nếu muốn chuyển sang một vị trí mới, bạn phải bước ra khỏi "vùng an toàn" và làm những việc không thoải mái."

Vậy có bao giờ bạn tự hỏi, sao bản thân mãi vẫn chưa thành công chưa? Mặc dù vùng an toàn có thể giúp bạn có một cuộc sống thoải mái, nhưng sẽ không khôn ngoan khi tự nhốt mình ở đó vì nó chính là rào cản vô hình ngăn bạn đến thành công. Hãy dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn, chỉ cần bạn dám dấn thân, dám thay đổi, cơ hội sẽ tìm đến, thành công sẽ gõ cửa ngay thôi.