Quan điểm: Sinh viên mới ra trường có quyền nhảy việc liên tục, không chịu làm việc nhỏ gây tranh cãi

Won, Theo Helino 21:22 05/05/2018

Không phải ai cũng may mắn ra trường kiếm được việc ưng ý. Nhiều sinh viên vẫn băn khoăn không biết nên bắt đầu một công việc mới từ những cái nhỏ nhất hay liên tục nhảy việc.

4, 5 năm học đại học, tốn kém bao nhiêu tiền của, thời gian nhưng khi ra trường, không phải ai cũng may mắn kiếm được một công việc đúng với ý thích, đam mê của bản thân. Chúng ta học đại học vì cái gì để rồi một công việc tử tế cũng không kiếm được.

Tâm sự của cô bạn sinh viên mới ra trường này như nói lên tâm can của bao bạn trẻ. Ra trường tạm chấp nhận một công việc mới, khác xa với chuyên ngành đại học hay nên tiếp tục theo đuổi đam mê? Nên bắt đầu từ những công việc chân tay nhỏ nhất để làm quen hay liên tục nhảy việc cho đến khi nào tìm được công việc ưng ý?

"Mình mới tốt nghiệp tháng 10 năm ngoái cũng được cái bằng khá, cái thời còn là sinh viên cũng có đi làm thêm nhiều nơi lắm, cuối tháng nhận lương ôi sung sướng cực kỳ, cầm đồng tiền mình làm ra được hạnh phúc lắm chỉ mong sao cho nhanh ra trường để đi làm thôi. 

Gần đến ngày làm đồ án thì vui lắm, may chăm học nên không nợ môn nào, ra trường đúng hạn. Đến ngày tốt nghiệp thì háo hức lắm. Bố mẹ, anh chị em, bạn bè tới chúc mừng cảm thấy hạnh phúc biết bao. 

Nhưng cuộc vui nào rồi cũng tan, tự biết rằng bây giờ mình đã thành người lớn, đến lúc phải tự bươn chải ra xã hội để sống, bắt đầu từ mai là bao nhiêu thứ phải lo, bây giờ mình bắt đầu từ đâu, phải như thế nào. Bắt đầu đi xin việc, mình thì học bên kinh tế, đi phỏng vấn gần 2 tuần cuối cùng cũng được nhận ở vị trí kế toán kho cho 1 công ty chuyên cung cấp giấy.

Ngày đầu tiên đi làm háo hức lắm, sẽ được gặp đồng nghiệp mới, công việc mới, cái gì cũng mới, nhưng đến rồi thì mới biết nó không như mình tưởng tượng. Tưởng đâu làm kế toán sẽ được ngồi văn phòng định khoản nghiệp vụ, rồi làm sổ sách, áp dụng kiến thức những gì mình được học 4 năm trong trường.

Quan điểm: Sinh viên mới ra trường có quyền nhảy việc liên tục, không chịu làm việc nhỏ gây tranh cãi - Ảnh 1.

Nào là bốc vác giấy ra cho xe chở đi, nào là khiêng vác giấy, ghi chép sai là bị mắng lên xuống, nghĩ chắc ngày đầu phải vào kho làm quen trước nên thế, chắc mấy ngày sau không phải đi bốc vác như vậy nữa, nhưng ngày nào cũng lặp lại công việc đấy, cố bám trụ được 1 tuần rồi xin nghỉ vì mình là con gái mà làm công việc đấy thì không thể trụ nổi. 

Lại bắt đầu đi xin việc lại từ đầu, nộp hồ sơ cả chục công ty nhưng nhìn vào cái CV chưa có kinh nghiệm thì rất ít nhà tuyển dụng quan tâm, có công ty tới phỏng vấn xong thì bảo về đợi rồi cũng chẳng thấy liên lạc lại, có công ty thì gọi đến phỏng vấn lại bảo xin lỗi công ty đang cần tuyển người có kinh nghiệm, có công ty phỏng vấn qua vòng 1, hẹn ngày phỏng vấn vòng 2 thì không thấy đâu, gọi lại thì bảo tìm được người phù hợp hơn. 

Cứ thế 1 tháng trôi qua vẫn chưa xin được việc, mình bắt đầu thấy nản, lên mạng tìm việc làm thì chỗ nào cũng thấy tuyển telesales nên mình quyết định đi làm thử. Mình không bảo là nghề này như thế này như thế kia, nhưng telesales không phải là đam mê của mình. Do mình là 1 người hơi hướng nội nên có vẻ như nghề này không hợp. Làm được 5 tháng mình đã xin nghỉ và quyết định bắt đầu lại từ đầu với ngành mình đã học. Gần 1 tháng ở nhà rồi mình cũng đi phỏng vấn, nhiều công ty cũng hẹn lên, hẹn xuống, cứ như thế cho đến nay vẫn chưa tìm được 1 công việc phù hợp. 

Nhiều lúc nghĩ hay đi làm trái nghề, quay lại làm sale, mình còn trẻ thì nên thử nhiều công việc, không nhất thiết cứ phải theo đúng nghề, bây giờ mình đang rất bế tắc, nhiều lúc ngồi trong phòng 1 mình nhìn trong vô vọng, bây giờ mình phải làm gì, làm thế nào mới đúng? 

Đúng là thất học không đáng sợ bằng thất nghiệp."

Quan điểm: Sinh viên mới ra trường có quyền nhảy việc liên tục, không chịu làm việc nhỏ gây tranh cãi - Ảnh 2.

Sau khi chia sẻ này được đăng tải trên một diễn đàn cho sinh viên, rất nhiều người từ sinh viên đang đi học đến những người đi làm đã vào chia sẻ đồng cảm và đưa ra lời khuyên.

Đoàn Văn Hay: "Mình có thể nói là người đi trước. Mình là con trai. Mình không nghĩ mình có thể cho bạn lời khuyên nào là hợp lý nhưng mình chỉ biết nói với bạn một câu chân thành theo quan điểm cá nhân rằng: Là một người sau khi đã ra trường thì cho dù có làm gì đi nữa cũng đừng để phải ngửa tay xin tiền bố mẹ. Bố mẹ đã nuôi cho đến tận hết đại học rồi, đó là một quá trình dài vì thế hãy cố gắng, cố gắng làm tất cả những gì có thể miễn sao kiếm ra tiền mà không ăn trộm, ăn cắp vi phạm pháp luật là được... và quan trọng nhất là bạn hãy xác định bạn thích làm gì, mong muốn trở thành người như thế nào. Điều đó mới quan trọng!"

Quan điểm: Sinh viên mới ra trường có quyền nhảy việc liên tục, không chịu làm việc nhỏ gây tranh cãi - Ảnh 3.

Quyến Tây: "Ở Việt Nam, đôi khi tấm bằng đại học chỉ là hoàn thành nghĩa vụ làm con. Nghe thì đáng buồn nhưng sự thật là thế, chị cũng là một kế toán và cũng đã từng ngồi sai vị trí. Nhưng cuối cùng cũng đã tìm được đúng lẽ sống, những người đồng nghiệp tuyệt vời, đôi khi chị thấy may mắn về điều ấy. Nếu em thấy yêu nghề kế toán, hãy bắt đầu với nghề, theo nghề và yêu nghề, yêu những năm tháng lương thấp, công việc chưa như ý để lấy kinh nghiệm, chị đã từng làm xây dựng, đi bưng bê, chè nước để hi vọng các chị cùng công ty chỉ dạy được cho đôi chút. Từng tý một mình tới với nghề, học hỏi không ngừng để tiến bộ không ngừng, rồi tìm những có hội tốt hơn. Sinh nghề tử nghiệp, cái nghề quan trọng lắm em ạ, nó quyết định tới cả quãng đời sau này của em đấy, cho nên đừng hấp tấp mà sai đường."

Hoang Anh: "Mới là khởi đầu của những khó khăn thôi bạn ạ, mình đi làm đôi khi phải bỏ qua tự trọng bản thân. Dù họ có chửi mình thì cũng cố gắng mà chịu. Nhảy việc liên tục rồi vài 3 năm nữa chả có nổi 1 chút kinh nghiệm nào trong CV lúc đó càng khó xin việc hơn. Như mình đây này, ngày xưa lúc mới đi phụ hồ cũng đâu xách nổi xô vữa vác nổi bao xi măng bị chửi suốt. Nhưng cũng cố gắng nhịn nhục. Để bây giờ sau vài năm gắn bó... cũng đã có chút ít kinh nghiệm trong nghề. Đi tuyển dụng ở đâu cũng dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn."

Quan điểm: Sinh viên mới ra trường có quyền nhảy việc liên tục, không chịu làm việc nhỏ gây tranh cãi - Ảnh 4.

Hường Nguyễn: "Gửi em. Ai rồi cũng phải trải qua cái cảm giác mới ra trường thất nghiệp. Ngày trước chị còn chán nản hơn cả em bây giờ. Ra trường lấy chồng ngay mà chưa có việc, về nhà chồng bị coi thường khinh bỉ vì ăn bám. Nhưng rồi phải cố gắng thôi em ạ. Xã hội này có nhiều việc cho em làm lắm không làm cái này thì làm cái kia."

Nàng Đê Chang Kưm: "Mình cũng ra trường đi làm chưa lâu nhưng mình đi làm ngay từ khi còn đang học. Bản thân mình nhận ra rằng mọi thứ đều phải nỗ lực và kiên nhẫn. Bạn có thể làm công việc mà bạn yêu thích nhưng bạn phải kiên nhẫn và vượt qua được khó khăn ban đầu để lấy kinh nghiệm đã. Trong tay chưa có gì ngoài tấm bằng thì có thể đòi hỏi gì chứ? Công việc nhiều khi khó khăn không đơn thuần là bốc vác đâu bạn ạ, nó còn có muôn vàn khó khăn khác mà bạn phải vượt qua. Nên hãy kiên nhẫn và nỗ lực trước nhé. Chúc bạn sẽ sớm tìm được hướng đi phù hợp với bản thân."

Còn bạn, quan điểm của bạn là gì? Ra trường nên nhảy việc liên tục để tìm được công việc ưng ý hay bắt đầu một công việc bất kỳ, từ những khó khăn đầu tiên?