Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định: "Ấn phát trước 5 giờ sáng toàn là giả"

KIM THƯỢC - PHẠM CHIỂU, Theo VTC 13:20 02/03/2018

"Chúng tôi không bao giờ phát ấn trước 5 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng, những ấn mà bán trước giờ khai ấn toàn là giả", bà Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định khẳng định với PV VTC News.

Chiều 1/3, bà Phạm Thị  Oanh - Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định trả lời phỏng vấn của PV VTC News về phương án tổ chức lễ hội đền Trần năm 2018.

Theo đó, bà Oanh cho biết, ngày 1/2/2018, UBND TP Nam Định đã tổ chức họp báo để  tuyên truyền cho người dân về nếp sống văn minh, không đốt vàng mã, không ném tiền vào kiệu và để tiền giọt dầu đúng nơi quy định.

"UBND TP giao cho UBND phường Lộc Vượng trông coi phương tiện, đảm bảo tuyệt đối an ninh cho du khách tới tham quan lễ hội. Ngoài ra, chúng tôi bố trí lực lượng y tế để kịp thời sơ cấp cứu cho du khách có vấn đề về sức khỏe.

UBND TP giao cho Ban quản lý khu di tích cùng với Thủ từ đền Trần chuẩn bị đầy đủ ấn lộc, đảm bảo hình thức đẹp , bằng loại giấy màu vàng, số lượng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân và du khách về tham dự lễ hội.

Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định: Ấn phát trước 5 giờ sáng toàn là giả - Ảnh 1.

Phạm Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định. (Ảnh: Kim Thược)

Năm nay là năm  thứ 6 UBND TP thực hiện đề án tổ chức Lễ hội đền Trần, cho nên mọi công tác chuẩn bị phục vụ cho tổ chức lễ hội đã có kinh nghiệm hơn. Đến nay, tất cả công tác chuẩn bị khai ấn cho đêm 14 đã được hoàn tất.

Việc phát ấn bắt đầu từ 5 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng Âm lịch, tại 4 địa điểm 3 nhà của đình Thiên Trường và 1 điểm ở nhà Giải Vũ", bà Oanh cho hay.

Về tình trạng chen lấn, xô đẩy cướp ấn như mọi năm, bà Oanh cho rằng: "Do tuyên truyền tốt nên năm ngoái không còn cảnh chen lấn, người dân cũng không sợ hết ấn nên rất trật tự xếp hàng."

Giải đáp những thắc mắc của du khách về việc bỏ tiền mua ấn, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng từ xưa đến nay ấn vẫn được phát và người dân không phải trả tiền. Nhưng tâm lý người đi xin họ muốn công đức vào nhà đền nên có đóng góp vào giọt dầu. Tiền mà người dân đưa khi lấy ấn là tiền công đức chứ không phải Ban tổ chức bán ấn cho người dân.

"Chúng tôi không bao giờ phát ấn trước 5 giờ sáng ngày 15 tháng Giếng, những ấn bán trước giờ khai ấn toàn là giả. Chúng tôi đã bố trí lực lượng công an làm nhiệm vụ ngoài cổng, nếu phát hiện có tình trạng bán ấn giả là tịch thu hết'', bà Oanh nói.

Liên quan đến việc tổ chức Lễ hội đền Trần, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã ra văn bản yêu cầu ban tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định) thực hiện một số nội dung để lễ hội được diễn ra an toàn, trang trọng, thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, khắc phục hiện tượng phản cảm và thương mại hóa...

Theo đó, Cục yêu cầu ban tổ chức lễ hội đền Trần phối hợp với các cơ quan chức năng có phương án và tổ chức triển khai phân luồng, phân tuyến giao thông; hướng dẫn các phương tiện trong thời gian diễn ra lễ hội tránh xảy ra ùn tắc; bố trí bãi trông giữ phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.

Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm ở lễ hội đền Trần. Bố trí các điểm phát ấn thuận lợi cho người dân, du khách, có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm “đưa tiền lấy ấn”.

Ngoài ra, ban tổ chức phải thực hiện đổi mới phương thức và bố trí khuôn viên rước kiệu phù hợp, đảm bảo không để hiện tượng đại biểu tham gia dự lễ ném tiền vào kiệu ấn, không để xảy ra hiện tượng cướp lộc trên ban thờ và có biện pháp khắc phục hiện tượng chen lấn, xô đẩy gây mất an ninh trật tự.

Đề xuất bỏ việc phát ấn đền Trần

Trả lời PV VTC News về vấn đề vấn đề "tranh cướp ấn" gây tranh cãi ở lễ hội đền Trần, PGS. TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển cho rằng, những năm gần đây, việc phát ấn ở đền Trần rõ ràng đang nghiêng về phương tiện thế tục, nghiêng về yếu tố thực dụng.

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, việc tranh cướp ấn ở đền Trần chính là hành vi vô liêm sỉ. Những người vào được trong khu vực đó phải là đại biểu, những người có chức năng nhiệm vụ nhất định, người làm quan chức đáng ra phải là những người có văn hóa nhất của xã hội, những người phải có ý thức nhất vì được giáo dục lại đi tranh cướp với nhau thì chắc chắn là không có liêm sỉ.

"Ai cũng hiểu, nhiều người cố gắng tranh cướp, mua bán, lấy được ấn đền Trần với hy vọng thăng quan tiến chức, nhận nhiều bổng lộc... Thế nhưng, nếu muốn được làm quan thì anh phải phấn đấu, phải rèn luyện về cả đạo đức và tài năng, về trình độ, phải được Đảng cử dân bầu. Làm quan mà tranh cướp, mua bán được thì không chỉ vô liêm sỉ mà đó còn là hành vi sai trái", PGS. TS Lê Quý Đức nêu ý kiến.

Đầu năm 2017, nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng lên tiếng ủng hộ đề xuất bỏ phát ấn đền Trần vì cho rằng một lễ hội đang ngày càng ít mang tính giáo dục, nhân văn lại bộc lộ nhiều mặt trái như vậy thì không nên tồn tại.

PGS.TS Lê Quý Đức hoàn toàn ủng hộ đề xuất bỏ việc phát ấn đền Trần của Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông cho rằng, việc phát ấn là do một số người bịa ra nhằm mục đích cá nhân. Ngày xưa, việc khai ấn chỉ đơn giản như cơ quan hành chính khai xuân làm việc ngày đầu năm mới.

"Lễ hội đang phản ánh đúng bản chất của xã hội chúng ta. Đó là một xã hội còn nhiều kẻ chạy chức chạy quyền, tham ô vơ vét, đục khoét tài sản của nhà nước và nhân dân.

Nếu vẫn còn những lễ hội để tranh cướp, mua bán ấn như ở đền Trần, tức là chúng ta vẫn đang cổ xúy cho những hành vi vô đạo đức. Bởi vậy, đã đến lúc cần loại bỏ nó đi", PGS.TS Lê Quý Đức nói.