Phim Việt "mang chuông đi đánh xứ người" có còn là chuyện đáng quan tâm?

Quân Du, Theo Trí Thức Trẻ 17:34 21/10/2017

Nhân lúc "Cô Ba Sài Gòn" càn quét LHP Busan mới đây, tranh thủ nhìn lại bức tranh sơ lược về việc phim Việt liên tục xuất hiện tại nước ngoài thời gian qua.

Nếu năm 2015 - 2016, điện ảnh Việt Nam gây dấu ấn khi các tác phẩm như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Tấm Cám: chuyện chưa kể được mang đi dự các liên hoan phim lớn nhỏ ở nhiều quốc gia trên thế giới thì năm nay, phim Việt tiếp tục đem sản phẩm của mình đi chinh chiến ở các sân chơi quốc tế với Cô Ba Sài GònĐảo của dân ngụ cư, Cha cõng con...

Phim Việt mang chuông đi đánh xứ người có còn là chuyện đáng quan tâm? - Ảnh 1.

Một cảnh trong Đảo của dân ngụ cư

Số lượng các liên hoan phim cũng khá đa dạng như LHP Busan của Hàn Quốc có sự góp mặt của 2 bộ phim Việt từ năm ngoái đến năm nay là Tấm Cám: Chuyện chưa kểCô Ba Sài Gòn, liên hoan phim quốc tế Á – Âu được tổ chức ở Kazakhstan với sự góp mặt của Đảo của dân ngụ cư, phim Cha cõng con thì tham gia tranh cử hạng mục chính ở Liên hoan phim Black Nights, Estonia...

Bức tranh văn hoá Việt trong mắt khán giả quốc tế

Có thể thấy, điểm chung của những bộ phim trên là có bối cảnh gần gũi, đề tài nhân văn và đặc biệt là có dấu ấn văn hoá lịch sử con người của Việt Nam. Với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ, bộ phim hướng lăng kính về cuộc sống giản dị của những đứa trẻ sinh ra lớn lên tại vùng nông thôn miền trung. Nơi gây ấn tượng đẹp đẽ với tình cảm thuần hậu của người dân và đêm trung thu rực rỡ sắc màu nhưng cũng phải hứng chịu sự thất thường của thiên tai.

Phim Việt mang chuông đi đánh xứ người có còn là chuyện đáng quan tâm? - Ảnh 2.

Cuộc sống của các em nhỏ miền trung trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Cha cõng con cũng có dấu ấn tương tự khi đưa vào ống kính hình ảnh thiên nhiên miền núi đẹp miên man nhưng đối lập hoàn toàn với số phận nhỏ bé của các nhân vật trong phim. Đảo của dân ngụ cư của đạo diễn Hồng Ánh cũng là một tác phẩm chuyển thể từ văn học, tập trung vào những lề thói hà khắc trong một gia đình chủ quán ăn ở Hội An.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân thì lấy cảm hứng từ truyện cổ tích dân gian, được biến tấu theo kiểu một phim fantasy nhưng cũng khéo léo "khoe" được những hình ảnh Việt Nam xưa cũng như chất liệu dân tộc. Năm nay, Cô Ba Sài Gòn với Ngô Thanh Vân ở vị trí nhà sản tiếp tục ra mắt khán giả quốc tế, ra mắt vào tháng phụ nữ Việt Nam và định hướng quảng bá về hình ảnh người phụ nữ Việt cùng tà áo dài truyền thống.

Phim Việt mang chuông đi đánh xứ người có còn là chuyện đáng quan tâm? - Ảnh 3.

Cô Ba Sài Gòn quảng bá trang phục truyền thống là tà áo dài Việt

Như vậy, lý do để những bộ phim Việt Nam ăn điểm với khán giả quốc tế không phải chỉ đơn thuần là về kỹ thuật mà còn phần lớn dựa trên yếu tố văn hoá riêng biệt của Việt Nam mà những bộ phim đó phản ảnh. Nhất là ở trong những liên hoan phim quốc tế, tiêu chí lựa chọn phim tham dự thường là có tính bản sắc và tạo cơ hội giao lưu văn hoá giữa các quốc gia.

Quảng bá hình ảnh thiên nhiên Việt Nam

Ngoài ra, nhìn vào những bộ phim trên, ta cũng có thể thấy bối cảnh chính của những bộ phim tham gia liên hoan phim hiện nay tập trung vào vùng nông thôn hơn là những phim có bối cảnh đô thị. Qua ống kính của những bộ phim này, vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam được đem ra quảng bá với bạn bè thế giới và góp phần giúp khán giả quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn. Chắc hẳn, khán giả quốc tế sẽ nhớ đến thiên nhiên Việt Nam nhiều hơn là hình ảnh những đô thị nhiều nhà cao tầng chọc trời, điều mà họ có thể tự thấy ở chính đất nước mình.

Còn nhớ vào thời điểm năm 2010, bộ phim cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình tuy không đạt giải lớn nhất nhưng đã gây ấn tượng lớn tại liên hoan phim Busan. Khán giả Hàn Quốc nhiều người đã ở lại để nghe chia sẻ của đoàn làm phim sau khi công chiếu và tỏ lòng ngưỡng mộ trước những góc máy đẹp xuất thần trong phim.

Phim Việt mang chuông đi đánh xứ người có còn là chuyện đáng quan tâm? - Ảnh 4.

Cảnh đẹp mê hồn trong phim Cánh đồng bất tận

Ngoài những lợi ích về mặt nghệ thuật, việc đem hình ảnh Việt Nam ra quốc tế bằng con đường điện ảnh cũng góp ích cho ngành du lịch trong nước. Trước đây, địa danh nước ta chỉ được biết đến chủ yếu qua tác phẩm của nước ngoài chọn Việt Nam làm bối cảnh. Chẳng hạn như bộ phim Đông Dương của Pháp sau khi đạt giải Oscar thì lượng du khách đến Việt Nam để chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình tại Hạ Long tăng đáng kể.

Bộ phim Người tình cũng của Pháp quay tại ngôi nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê đã khiến cho nhiều du khách quốc tế biết đến Đồng Tháp. Thì hiện nay, điện ảnh trong nước cũng đã tự mình có thể quảng bá cho địa danh trong phim của mình. Hồi năm 2006, bộ phim Chuyện của Pao của đạo diễn Ngô Quang Hải khiến cho nhiều du khách biết đến Hà Giang nhiều hơn với câu chuyện của cô gái người H’Mông trong phim. Bên cạnh cơn sốt phòng vé, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được quay tại Phú Yên cũng giúp địa danh này trở thành điểm đến của rất nhiều du khách sau khi phim công chiếu.

Phim Việt mang chuông đi đánh xứ người có còn là chuyện đáng quan tâm? - Ảnh 5.

Cảnh đẹp của Phú Yên trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Sự "trật rơ" giữa yếu tố nghệ thuật và thị trường

Sau những thành công của phim Việt tại các sân chơi quốc tế hiện nay, khán giả cũng phần nào có thể tự hào vì vẻ đẹp của đất nước cũng như văn hoá Việt Nam vươn ra được với thế giới. Tuy nhiên, để mà nói về thành công của một nền điện ảnh thì không thể chỉ hài lòng với yếu tố văn hoá được.

Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tuy đạt giải Phim hay nhất tại LHP Quốc tế Phúc Châu Silk Road nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng liên hoan phim này vẫn còn mới và chưa có đủ uy tín để đánh giá chất lượng điện ảnh mà chỉ mang tính giao lưu, học hỏi nhiều hơn. Hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 500 liên hoan phim khác nhau. Trong đó những cái tên danh giá, lâu đời như LHP Venice, Berlin, Cannes... thuộc hạng A theo xếp loại của Hiệp hội điện ảnh quốc tế rất ít khi có sự tham gia của các phim Việt Nam.

Phim Việt mang chuông đi đánh xứ người có còn là chuyện đáng quan tâm? - Ảnh 6.

Phim Cha và con và... của đạo diễn Phan Đăng Di

Việc bộ phim Cha và con và... của đạo diễn Phan Đăng Di được tham gia tranh giải của LHP Berlin và phim Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chiến thắng tại LHP Venice là những mốc son đáng nhớ và truyền cảm hứng đối với điện ảnh Việt Nam. Năm nay, Đảo của dân ngụ cư cũng chiến thắng nhiều giải thưởng AIFFA 2017 và liên tục đi dự các LHP lớn nhỏ khắp thế giới đến tận bây giờ.

Điểm chung của những bộ phim này so với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô Ba Sài Gòn hay Tấm Cám: Chuyện chưa kể chính là thể loại. Một bên nghệ thuật và một bên đại chúng. Tuy tất cả đều là những đại diện mang chuông đi đánh xứ người, đều mang bộ mặt rạng rỡ của điện ảnh Việt Nam ra thế giới nhưng ở nước nhà thì số phận của chúng rất khác nhau.

Những phim giải trí có doanh thu lên đến 80 tỉ trong khi những phim nghệ thuật chỉ ra rạp âm thầm và nhanh chóng. Còn nhớ Đập cánh giữa không trung từng được ghi nhận là có doanh thu cho dòng phim nghệ thuật/arthouse ở Việt Nam thuộc hàng kỉ lục vì hiệu ứng truyền miệng khá tốt, nhưng so với doanh thu phim giải trí tất nhiên chỉ như muối bỏ biển.

Phim Việt mang chuông đi đánh xứ người có còn là chuyện đáng quan tâm? - Ảnh 7.

Tương tự, Đảo của dân ngụ cư khi công chiếu tại Việt Nam sau khi chinh chiến khắp các mặt trận quốc tế cũng có doanh thu mở màn cao gấp 4,5 lần dự đoán của nhà sản xuất. Tình trạng này tất nhiên có sự hỗ trợ của những giải thưởng để quảng bá, để thông tin về phim đến được nhiều người hơn thay vì cứ dùng tên tuổi ngôi sao. Nhưng cũng nên công nhận là gout thưởng thức phim của đại chúng phim đã dần cởi mở hơn, ít nhất là họ nhận ra được có dòng phim Việt gọi là arthouse tồn tại trên đời.

Thế, "mang chuông đi đánh xứ người" liệu có tác dụng cho doanh thu phim? Cũng có nhưng không phải là tính quyết định. Ngay cả giải thưởng Oscar cũng vậy, những phim được giải ít khi nào là phim quá phổ biến. Nhưng ít ra ở Việt Nam, đối với các nhà sản xuất thì những giải thưởng, những cuộc viễn chinh quốc tế dường như là một giải pháp tối ưu để có thể đưa thông tin về phim đến đại chúng dễ dàng hơn. Đừng nghĩ phim nghệ thuật làm ra chỉ để vứt xó hay chiếu cho vài người xem là đủ. Có thể chuyện doanh thu không được đặt nặng thật nhưng phim mình làm ra có người xem thì ai mà chẳng muốn.

Phim Việt mang chuông đi đánh xứ người có còn là chuyện đáng quan tâm? - Ảnh 8.

Có thể lúc trước việc phim Việt xuất hiện ở các LHP ngoại quốc sẽ là một sự kiện quan trọng khiến người ta chú ý, nhưng hầu như chỉ toàn là những phim nghệ thuật nên khi khán giả đại chúng ra rạp xem về sẽ cảm thấy thất vọng, dần dà họ cho rằng giải thưởng chẳng có ý nghĩa gì cho việc thưởng thức của họ. Nhưng bây giờ, khi không chỉ phim nghệ thuật mà những phim giải trí mang yếu tố văn hoá, dân tộc được tiến ra biển lớn thì bức tranh toàn cảnh cũng đa sắc màu hơn. Khán giả cũng nhận ra sự khác biệt nhất định giữa các thể loại cũng như tiêu chí của các giải thưởng và không cảm thấy bị nhà sản xuất... lừa nữa.

Ai thích phim nghệ thuật thì chờ phim ra rạp rồi xem, nhưng khả năng khá thấp vì lượng rạp chiếu còn chưa đủ đáp ứng thị trường ở Việt Nam hiện tại vẫn chưa thực sự cởi mở với dòng phim này. Còn những khán giả không quan tâm đến giải thưởng vẫn có thể hiểu được bộ phim A, hay phim B được vinh danh ở nước ngoài vì lý do gì rồi có cho mình đánh giá, lựa chọn phù hợp. Qua rồi cái thời dân Việt Nam háo hức mỗi khi thấy giải thưởng danh giá, giải trí và thông tin càng phát triển thì sự phân loại càng khắt khe, nhưng đó là điều cần thiết.