Phim truyền hình Việt Nam ngày càng gai góc và táo bạo hơn là tốt hay hại?

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 30/06/2018

Nhìn chung, các dấu hiệu hiện tại cho thấy các bộ phim truyền hình của VFC đang đi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, không nên vội mừng coi đó là một thành công lớn bởi vì đối với một bộ phim thì điều làm nên chất lượng luôn là kịch bản và nội dung chứ không phải là phong cách thể hiện.

Trong khoảng một năm trở lại đây, phim Việt trên mảng truyền hình của đài VFC bắt đầu có những chuyển biến rất khởi sắc. Năm ngoái, hai bộ phim Người Phán XửSống Chung Với Mẹ Chồng đã khiến cho rất nhiều khán giả thuộc mọi thành phần lứa tuổi chịu bỏ thời gian ra để ngồi trước màn hình TV, theo dõi diễn biến bộ phim. Trong đó, cảnh đầu của Người Phán Xử gây sốc bởi cú máy cận cảnh màn chặt ngón tay người trong giới giang hồ còn Sống Chung Với Mẹ Chồng tạo sự chú ý bằng câu nói sỗ sàng của bà mẹ chồng: "Ai cho phép cô cưỡi lên người con tôi thế hả?".

Phim truyền hình Việt Nam ngày càng gai góc và táo bạo hơn là tốt hay hại? - Ảnh 1.

Đầu tháng 6 năm nay, Người Phán Xử tiếp tục cho ra mắt phần tiền truyện dài 4 tập phát sóng trên nền tảng ứng dụng điện thoại thông minh. Ngay lập tức bộ phim lại gây tranh cãi bằng hàng loạt những từ chửi bậy thô tục được cài vào trong lời thoại của các nhân vật. Cuối tháng, VFC lại tiếp tục cho ra mắt Quỳnh Búp Bê, bộ phim đầu tiên lấy đề tài gái mại dâm và có hàng loạt những cảnh quay nóng bỏng cùng những lời thoại nhạy cảm, bóng gió về cơ thể phụ nữ. Qua đây, có thể dễ dàng nhận ra xu hướng của phim truyền hình Việt ngày nay là xoáy vào những đề tài gai góc, táo bạo và càng gần với thực tế càng tốt. Như vậy thì xu hướng này là tốt hay xấu đối với nền điện ảnh và khán giả Việt?

Phim truyền hình Việt Nam ngày càng gai góc và táo bạo hơn là tốt hay hại? - Ảnh 2.

Thu hẹp khoảng cách với phim nước ngoài

Thu hẹp khoảng cách ở đây không hẳn là về mặt chất lượng mà còn là về phương thức thể hiện. Trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, những khán giả trẻ đều rất dễ bị thu hút bởi những nguồn nội dung hấp dẫn, mới mẻ nhan nhản trên mạng. Có rất nhiều những bộ phim hấp dẫn của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Anh được các bạn trẻ yêu mến và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Lợi thế của các bộ phim này là lời thoại tự nhiên, đề tài đa dạng, gần gũi với giới trẻ, khác hẳn với các bộ phim truyền hình Việt với cách nói chuyện như... Google dịch của các nhân vật, cốt truyện khô cứng, dễ đoán.

Phim truyền hình Việt Nam ngày càng gai góc và táo bạo hơn là tốt hay hại? - Ảnh 3.

Đài truyền hình quốc gia còn phát hành cả một Ứng dụng để xem phim online, bắt kịp xu hướng thế giới

Để tạo được bứt phá và giành lại khán giả từ mạng xã hội, phim Việt bắt buộc phải đổi mới nội dung và cách thể hiện. Nếu không thì các chương trình phim trên TV sẽ mãi chỉ là công cụ trang trí cho phòng khách trong những khung giờ vàng. Ngoài ra, việc phát triển một kênh phát sóng online cũng là một nước đi thức thời của VFC.

Phim truyền hình Việt Nam ngày càng gai góc và táo bạo hơn là tốt hay hại? - Ảnh 4.

Người Phán Xử tiền truyện tràn ngập những cảnh máu me

Trong khi ở Mỹ, các công ty chiếu phim trên nền tảng số như Netflix, Hulu, Amazon đang đầu tư rất nhiều tiền cho những bộ phim thuộc các mảng đề tài khó, gai góc mà phim rạp không dám đụng tới thì ở Việt Nam, 4 tập Người Phán Xử tiền truyện cùng các lời thoại không thể có trên truyền hình được phát sóng trên ứng dụng điện thoại cũng chẳng có gì đáng phải phàn nàn. Bởi lẽ các khán giả không hứng thú đặc biệt với bộ phim sẽ không cài ứng dụng này hoặc chọn bật bộ phim lên xem làm gì. Nền tảng số cho phép người dùng tự do lựa chọn nội dung mà mình thích, không cần phụ thuộc vào khung giờ cố định như vô tuyến truyền hình.

Tiếp thu ý kiến khán giả

Bên cạnh việc nâng cấp về hình thức, phương thức làm phim mới của VFC cũng thể hiện được rằng nhà đài đã có ý thức chủ động lắng nghe ý kiến khán giả. Trong bối cảnh các show truyền hình thực tế đang càn quét thời lượng phát sóng, việc nhà đài cho ra mắt những sản phẩm ăn theo như clip ngắn cross-over giữa Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng, video parody ca khúc Happy New Year của ABBA do dàn diễn viên của hai bộ phim trình bày vào dịp năm mới... đã tăng tính tương tác với khán giả lên rất nhiều. Thậm chí, những comment, lời bàn tán trên mạng xã hội của khán giả cũng được nhà sản xuất chú ý kỹ càng rồi đưa vào trong sản phẩm tri ân. Điều này khiến cho khán giả cảm thấy mình đang được lắng nghe và chăm sóc với thái độ chân thành và thiện chí.

Clip cross-over của dàn diễn viên Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng

Đó là bước đầu tiên của nhà đài trong việc lấy được sự tín nhiệm của khán giả. Nếu như trước đây người xem phàn nàn về chất lượng lời thoại của các bộ phim thì trong thời gian vừa qua, hàng loạt những câu nói của các nhân vật đã được trích dẫn và gây sốt trên mạng xã hội. Nếu như trước đây người xem chê trách vì lối kể chuyện có phần an toàn và tránh né của phim Việt thì giờ đây, những cảnh quay như pha chặt ngón tay của Người Phán Xử đã chứng tỏ điều ngược lại.

Phim truyền hình Việt Nam ngày càng gai góc và táo bạo hơn là tốt hay hại? - Ảnh 6.

Hậu trường cảnh chặt ngón tay trong Người Phán Xử

Tạo được kịch tính cho bộ phim

Quay trở lại với trường hợp của Quỳnh Búp Bê, bộ phim mới chỉ phát sóng 4 tập nhưng đã gây ấn tượng với hàng loạt nhưng chi tiết kịch tính và giật gân. Lấy bối cảnh ở một vùng biên ải xa xôi, bộ phim vẽ ra một hệ thống đường dây mua bán mại dâm rất tinh vi và nguy hiểm. Khu nhà ở của các ả điếm của khu mua dâm trá hình Thiên Thai được canh phòng nghiêm ngặt bởi một đội ngũ cảnh vệ hết sức quy củ và chuyên nghiệp. Hành trình của Quỳnh, một cô gái nhà lành bị bắt cóc rồi ép làm gái bán hoa được miêu tả rất kỹ càng.

Phim truyền hình Việt Nam ngày càng gai góc và táo bạo hơn là tốt hay hại? - Ảnh 7.

Một cảnh tra tấn khá ghê rợn trong Quỳnh Búp Bê

Nếu như không có những cảnh quay tra tấn ghê rợn cùng những lời thoại gai góc, trực quan, chưa chắc bộ phim đã tạo được ấn tượng như vậy. Một trong những yếu tố khiến cho người xem đồng cảm được nhân vật chính là họ bị ấn tượng mạnh bởi các hoàn cảnh tréo ngoe mà đạo diễn đưa ra trong tác phẩm. Nhất là khi đi vào một đề tài khó như thế này thì việc tái hiện lại hiện thực chính là cách tốt nhất để phê phán hiện thực.

Phim truyền hình Việt Nam ngày càng gai góc và táo bạo hơn là tốt hay hại? - Ảnh 8.

Kết

Nhìn chung, các dấu hiệu hiện tại cho thấy các bộ phim truyền hình của VFC đang đi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, không nên vội mừng coi đó là một thành công lớn bởi vì đối với một bộ phim thì điều làm nên chất lượng luôn là kịch bản và nội dung chứ không phải là phong cách thể hiện. Nếu như một bộ phim có gai góc đến đâu mà nội dung trống rỗng thì cũng không có tác dụng gì. Bản thân bốn tập Người Phán Xử tiền truyện cũng không có chất lượng kịch bản tốt để tạo được cơn sốt như phần phim trước. Bởi vậy, bên cạnh việc đổi mới đề tài và phương pháp thì VFC cũng không được bỏ qua khâu kịch bản và chăm chút hơn về mặt nội dung cho các tác phẩm của mình.