ôi luôn tin điện ảnh luôn có một giá trị mang tính bước ngoặt với tâm hồn mỗi người. Chúng ta sống thêm hàng nghìn vạn cuộc đời qua những thước phim. Ta tìm đến điện ảnh không chỉ đơn thuần là tìm đến niềm vui, mà ta còn học từ đó cách thấu cảm với những số phận, để rồi nhìn cuộc đời bằng con mắt bi mẫn hơn.

Mỗi năm, rất khó để chúng ta có thể liệt kê hết những tác phẩm điện ảnh làm lay động trái tim. Thế nhưng, sẽ luôn có một danh sách bao quát nhất những tinh hoa của điện ảnh thế giới, những tác phẩm mang trong mình những câu chuyện và số phận phi thường. Đúng vậy, chúng ta đang nói đến Oscar – giải thưởng danh giá bậc nhất của điện ảnh thế giới.

Đến hẹn lại lên, cả thế giới lại hướng về thành phố Los Angeles nước Mỹ để chứng kiến khoảnh khắc lịch sử những bàn tay chạm đến tượng vàng Oscar danh giá. Và, cũng như mọi năm, trong số các tác phẩm được đề cử, người ta nhận ra có một chủ đề xuyên suốt kết nối nhiều bộ phim tưởng chừng tách biệt lại với nhau. Như một dòng chảy ngầm không bao giờ cạn về tinh thần nhân đạo, hành trình đi tìm hạnh phúc của những kẻ yếu thế trong xã hội lại một lần nữa được tôn vinh trong các bộ phim Oscar lần này.

Chúng ta dành cả đời để theo đuổi hành trình kiếm tìm chính bản thân mình. Vấp ngã, trưởng thành, hy sinh máu và nước mắt, mắc những sai lầm… tất cả chỉ để tìm ra câu trả lời cho sự tồn tại của ta trong cuộc sống. Chúng ta cũng từng trải qua nỗi cô đơn, nỗi sợ bị bỏ lại đằng sau và loại ra khỏi đám đông ồn ào. Tất cả những lo lắng, những sợ hãi rất cơ bản đấy của con người giúp chúng ta hiểu được bi kịch mà những người da màu, những con người vẫn đang hàng ngày mắc kẹt trong những thiệt thòi và rào cản từ xã hội.

Trong Moonlight từng có một cậu bé chân trần chạy như bay dưới ánh trăng, thứ ánh sáng xanh chảy tràn trên người khiến một bà già gọi cậu là “Blue”. Dựa trên vở kịch “Dưới sáng trăng cậu bé da đen thành màu xanh”, Moonlight là một cuốn sách đời với 3 chương hồi mô tả cuộc sống của một người đồng tính da màu, từ khi còn nhỏ bị mọi người gọi là Bé Con (Little), trở thành một thiếu niên (Chiron) và rồi gia nhập giới anh chị với cái tên Đen (Black).

Cả ba chương của cuộc đời mình, Chiron để cho người khác đặt tên, còn bản thân mải đi tìm – hoặc chính xác hơn là vật lộn với câu hỏi về sự hiện diện của bản thân. “Self – identity” và ý thức về cái tôi cá nhân là vấn đề của không chỉ nhân vật chính, mà còn là băn khoăn của một lớp người trong xã hội không tìm ra lối thoát cho chính mình. Họ là những người chịu nhiều thiệt thòi, bị ngược đãi, nghèo khó, sống trong sự bất an, thù ghét, tội phạm.

Moonlight

ĐẠO DIỄN Barry Jenkins

“Ý thức về cái tôi cá nhân là vấn đề của không chỉ nhân vật chính, mà còn là băn khoăn của một lớp người trong xã hội không tìm ra lối thoát cho chính mình.”

Tuy nhiên, cái đẹp của Moonlight nằm ở cách mà nhân vật thoát li khỏi mô típ điên khùng, bạo lực hay lố bịch mà nhiều bộ phim trước để lại cho hình tượng người da đen, người đồng tính trên màn ảnh. Tiếp bước Joan, Chiron trở thành một kẻ buôn thuốc, với cơ thể cường tráng và hàm răng vàng che giấu đi sự nhạy cảm như một thứ gai nhọn của loài nhím luôn xù ra trước xã hội vô tình bạc bẽo. Thế nhưng, bộ phim khép lại bằng cảnh hai người đàn ông dựa đầu vào nhau, chia sẻ khoảnh khắc yếu mềm hiếm hoi bằng thứ tình yêu đầy thứ tha mà cuộc đời không dạy cho họ.

Sau thế chiến thứ hai, nước Mỹ đứng trước những thay đổi lớn lao về kinh tế, xã hội. Điều đó đồng thời thổi bùng lên những mâu thuẫn sâu sắc trong lòng đất nước, từ khoảng cách giàu nghèo cho tới sự kì thị đối với người da màu. Troy Maxson, một người đáng lý có thể trở thành ngôi sao bóng chày nhưng khi đó người da màu không được phép chơi môn thể thao này nên ông đành chấp nhận công việc dọn rác cùng mạt mà thậm chí, còn không được lái xe rác vì không phải là người da trắng.

Fences

ĐẠO DIỄN Denzel Washington

“Ý thức về cái tôi cá nhân là vấn đề của không chỉ nhân vật chính, mà còn là băn khoăn của một lớp người trong xã hội không tìm ra lối thoát cho chính mình.”

Bằng diễn xuất giàu có của Denzel Washington, chân dung đa diện của một người đàn ông xoay mười phương tám hướng để che chở cho gia đình trước cơn bão táp của làn sóng phân biệt chủng tộc trong Fences đã thực sự rung động người xem. Với thứ ngôn ngữ điện ảnh đậm chất sân khấu, định nghĩa về họ, những người da màu không dừng lại ở một hoặc hai tính từ miêu tả, không có một gương mặt chung, mà đó là từng nhân diện rõ ràng và đầy tính người trong một cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi nhưng bền bỉ vươn lên.

Chúng ta là những đứa trẻ lớn lên giữa đời sống hiện đại cuồng quay đầy thực dụng. Ném mình vào những cuộc tranh đua thường nhật, lăn xả ra ngoài đời như thể những chiến binh hoang mang bước chân vào một cuộc chiến phi lý, đổ máu và nước mắt, tuổi trẻ và những ước mơ để tồn tại một cách “bình thường” trong xã hội. Càng thấm thía những đắng cay mặn chát, chúng ta càng có thể đồng cảm được với những giấc mơ trong sáng, bé nhỏ của những người lao động bình thường nhất giữa dòng chảy khôn kham của cuộc đời.

Đó là câu chuyện về những người lao động của Hell or High Water, Manchester by the Sea và La La Land. Hell or High Water là chân dung một “nước Mỹ xấu xí” với cái hố sâu chênh lệch giàu nghèo nơi mỏ dầu ngày đêm hút cạn tài nguyên trong cơn sốt năng lượng, bỏ lại đất đai cằn cỗi và những người dân không kế sinh nhai. Họ là nạn nhân bị bòn rút của một chế độ ngân hàng máu lạnh, bị cuốn vào những mâu thuẫn không có điểm dừng giữa người da đỏ và người da trắng trong quá khứ, giữa người da trắng và người nhập cư nói tiếng Tây Ban Nha ở hiện tại. Ở trung tâm của bức tranh là hình ảnh hai kẻ thất nghiệp và bí bách tới mức phải đi ăn cướp, giữa một vùng đất tây nam mà lịch sử mở mang được viết bằng súng đạn.

Hell or High Water

ĐẠO DIỄN David Mackenzie

“Tôi đã nghèo khó cả đời. Nó giống như một căn bệnh di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng không phải với các con tôi, không phải với chúng nữa”
– Toby Howard, Hell or High Water

Nếu như Hell or High Water luôn vàng vọt cái tông màu của cát bụi miền Texas, thì Manchester by the Sea thường trực nỗi buồn u ám của những ngày tuyết rơi tại một thị trấn ven biển mạn bắc nước Mỹ. Ở đó, một cộng đồng đan chặt sống dựa vào ngành công nghiệp đánh bắt cá đã phát triển thứ văn hóa riêng qua lời ăn tiếng nói, cách hành xử của các nhân vật. Cũng ở đó, có những kẻ lặng lẽ sống đời chôn giấu bi kịch quá khứ. Số phận của Lee Chandler đã đột ngột rẽ vào một cái ngõ cụt tối tăm, biến một ông bố từng vui vầy hạnh phúc gia đình trở thành một kẻ không thiết giao tiếp với loài người.

Manchester by the Sea

ĐẠO DIỄN Kenneth Lonergan

Càng thấm thía những đắng cay mặn chát, chúng ta càng có thể đồng cảm được với những giấc mơ trong sáng, bé nhỏ của những người lao động bình thường nhất giữa dòng chảy khôn kham của cuộc đời.

Bộ phim là một lát cắt xung quanh cuộc sống của một cá nhân đại diện cho rất nhiều “đời thừa” vẫn đang hằng ngày đi lại, làm việc xung quanh chúng ta. Giống như Lee, họ im lặng hoàn thành những công việc tay chân, chịu sự xoi mói của sếp, đòi hỏi từ khách hàng, nhận mức lương bèo bọt và có lẽ sẽ tiếp tục sống tại một nơi, làm một công việc cho đến hết đời.

Hoặc giống như Sebastian và Mia trong La La Land, họ ôm ấp một giấc mơ lớn để rồi cứ vấp ngã mãi trên con đường chạm tay tới nó. Một anh nhạc sĩ dạo chơi cho các nhà hàng không tên. Một cô gái bồi bàn với ước mơ trở thành minh tinh. Không biết bao nhiêu lần Mia bị từ chối sau khi thử vai, rồi đó là thất bại ê chề của buổi diễn kịch mà cô dồn cả tâm tư vào đó. Không biết bao lần Sebastian mơ về cái quán bar chơi thứ nhạc jazz thuần túy anh sẽ sở hữu sau này.

La la Land

ĐẠO DIỄN Damien Chazelle

“Họ đi qua những khó khăn về cơm áo gạo tiền, nhưng đó là một sự đánh đổi đầy day dứt mà khi hai bàn tay đã rời xa thì tình yêu đó vẫn ở lại.”

Nếu như không có động lực từ tình yêu thương thì chắc chắn những linh hồn ấy sẽ mãi mãi bị giam cầm trong vòng lặp quen thuộc của cuộc sống. Mối liên kết gia đình giữa Lee Chandler và cậu cháu tuổi thiếu niên đã thắp lên thứ ánh sáng le lói trong cuộc đời anh, thổi vào đó một cái gì mới mẻ như là niềm tin ấm áp và sự gắn kết giữa người với người. Bởi suy cho cùng, cần một bàn tay khác để chắp nối lại trái tim đã vụn vỡ.

Còn với Mia và Sebastian, đó là thứ tình yêu trong vắt mà cả hai vẫn giữ trong tim, minh chứng cho một thời mộng mơ tại thành phố đầy sao. Họ đi qua những khó khăn về cơm áo gạo tiền, nhưng đó là một sự đánh đổi đầy day dứt mà khi hai bàn tay đã rời xa thì tình yêu đó vẫn ở lại.

Chúng ta đã luôn sống trong định kiến về sự yếu đuối của những người phụ nữ. Họ không thể tài năng, họ không thể là số 1, không thể đam mê và theo đuổi đến cùng giấc mơ của mình, không thể là nhà toán học hay khoa học, không thể hiểu biết hơn một người đàn ông. Hãy tin tôi, những định kiến đó không chỉ thuộc về một giai đoạn trong quá khứ mà nó vẫn tồn tại hàng ngày như một rào chắn vô hình, ngăn phụ nữ tiến lên phía trước. Đó chính là lý do tại sao, chúng ta có thể đồng cảm đến vậy trước những khó khăn và thiệt thòi của những người phụ nữ xuất hiện trong các thước phim được đề cử Oscar năm nay.

Trong Hidden Figures, nhân vật Karl Zielinski đã hỏi Mary Jackson rằng nếu cô là một người đàn ông da trắng, liệu cô có ước trở thành một kỹ sư không. Mary đã điềm nhiên trả lời lời rằng cô đâu cần phải ước, vì cô “vốn là một kỹ sư rồi”. Bộ phim là ba câu chuyện về ba người phụ nữ da màu đã đóng góp không nhỏ vào chiến thắng của Mỹ trước Liên Xô trong cuộc chạy đua không gian những năm 60 đầy biến động. Mặc dù làm việc trong môi trường hiện đại nhất nhì thế giới lúc bấy giờ, nhưng họ vẫn phải đối mặt với sự kì thị về giới và chủng tộc.

Hidden Figures

ĐẠO DIỄN Theodore Melfi

“Nhẹ nhàng và lạc quan, Hidden Figures tựa một tiếng nói bình quyền cho phụ nữ, khiêm tốn nhưng mạnh mẽ từ nửa thập kỷ trước để rồi đồng vọng với trái tim khán giả hiện đại.”

Tương tự như Chiron trong Moonlight, những Katherine, Dorothy hay Mary cùng một lúc phải đối mặt với hai thách thức mang tính lịch sử. Đồng nghiệp không ưa họ, chính sách của chính phủ vẫn rất ngặt nghèo đối với người da màu, gia đình ngăn cấm không cho học tiếp…Thậm chí để đi vệ sinh, nhân vật Katherine Goble Johnson phải đi gần…một tiếng mới đến được toilet dành riêng cho người da màu. Thế nhưng đứng trước từng đó khó khăn, họ vẫn luôn mỉm cười rạng rỡ và cố gắng hoàn thành xuất sắc những công việc được giao. Phim khắc họa chân dung ít người biết đến của những bộ não đứng sau sứ mệnh đưa người lên không gian của Mỹ và đem tới nhiều kinh nghiệm lãnh đạo quý báu cho thế hệ ngày nay. Nhẹ nhàng và lạc quan, Hidden Figures tựa một tiếng nói bình quyền cho phụ nữ, khiêm tốn nhưng mạnh mẽ từ nửa thập kỷ trước để rồi đồng vọng với trái tim khán giả hiện đại.

Jackie

ĐẠO DIỄN Pablo Larraín

"Cuộc sống cần họ phải mạnh mẽ, và trái tim của họ yêu cầu được yếu đuối. Sự mâu thuẫn ấy, có cô gái nào không từng trải qua và giằng xé?"

Chúng ta luôn nhìn vào những biến cố cuộc đời của người phụ nữ, để nghĩ rằng họ sẽ yếu đuối thế nào, sẽ đổ gục ra sao. Nhưng họ vẫn tiếp tục sống và tiến về phía trước, dù là với một trái tim đã tan vỡ hàng nghìn mảnh, dù là một đệ nhất phu nhân vẫn giữ vẹn nguyên vẻ uy nghi sau cái chết của chồng, hay một người phụ nữ thổn thức hàng đêm với những cô đơn, nỗi bi ai chất chồng được bung toả sau những lớp tường tráng lệ. Cuộc sống cần họ phải mạnh mẽ, và trái tim của họ yêu cầu được yếu đuối. Sự mâu thuẫn ấy, có cô gái nào không từng trải qua và giằng xé?

Đó là khi những phụ nữ như Jackie Kennedy, khi bà nén nỗi đau, giữ gìn phong thái trước công chúng và đưa ra những quyết sách lịch sử sau khi chồng bị ám sát. Hình ảnh của Jackie sau cái chết của chồng được cả thế giới ngưỡng mộ về lòng can đảm. Tờ London Evening Standard viết: "Jacqueline mang lại cho nhân dân Mỹ... điều mà họ luôn luôn thiếu: sự uy nghi”. Tuy nhiên ít ai hiểu được những gì mà người phụ nữ này đã phải trải qua trong chuỗi ngày đen tối sau thảm kịch.

“Có hai loại phụ nữ trên đời. Những người muốn có quyền lực trên thế giới, và những người muốn có quyền lực
trên giường”.
- Jacqueline Kennedy, Jackie

Chân dung của cựu Đệ nhất phu nhân được người Mỹ yêu mến hiện lên đa chiều trong tác phẩm của đạo diễn Pablo Larraín, từ một người vợ người mẹ hy sinh, cho tới một người phụ nữ thông minh khao khát danh vọng, rồi phải cay đắng nhường chỗ để chồng tiến lên. Bà đã qua đời, để lại câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp cho thế giới về chân dung thật sự của mình, nhưng ít nhất bộ phim Jackie cũng đã cho thấy cái nhìn tiệm cận đầy căng thẳng về một con người ở trung tâm vòng xoáy bi kịch giữa thời khắc đảo điên của nước Mỹ.

Oscar năm nay là cuộc đua giữa nhiều bộ phim xuất sắc, nhưng quan trọng hơn, giá trị của các tác phẩm mới là những gì mà Viện Hàn Lâm cũng như người yêu phim nói chung thực sự quan tâm. Như một người chịu khó lắng nghe trăn trở của một lớp người chịu thiệt thòi trong xã hội, điện ảnh sẽ vẫn tiếp tục khai thác để đưa lên màn ảnh chừng nào họ vẫn chưa có được tiếng nói bình đẳng trong xã hội. Thêm một lần nữa, các tác phẩm tham dự năm nay lại cùng hướng về những con người yếu thế, để nhắc nhở chúng ta biết yêu thương, mở lòng và trân trọng đối với tất cả mọi người.

  • Bài viết Ngọc King
  • Thiết kế Tố Linh, Hoàng Nguyễn
  • Theo Trí Thức Trẻ 25/02/2017